Sử dụng BIM có sự gia tăng vượt bậc
Ngày 19/7, Tạp chí Xây dựng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng: Đánh giá năng lực nhà thầu, điều kiện đấu thầu và chi phí áp dụng". Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự hội thảo có đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn thiết kế, chuyên gia và nhà khoa học về BIM.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thái Bình, Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng khẳng định, trong lộ trình chuyển đổi số ngành Xây dựng, BIM là nền tảng quan trọng giúp chuẩn hóa, số hóa toàn bộ quy trình từ thiết kế, đấu thầu, thi công tới vận hành. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc phát sinh liên quan việc áp dụng BIM trong hồ sơ mời thầu, đánh giá năng lực nhà thầu, tính chi phí BIM... cần được làm rõ.
Thảo luận tại hội thảo, TS Tạ Ngọc Bình, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế đầu tư và Xây dựng số, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, các văn bản pháp lý do Chính phủ và Bộ Xây dựng ban hành đã tạo ra hệ quy chuẩn và hướng dẫn khá đồng bộ cho áp dụng BIM trong các gói thầu. Từ đó, việc áp dụng BIM có sự gia tăng vượt bậc. Nếu năm 2023 chỉ có 12 gói thầu, thì năm 2024 tăng lên 61 gói và 6 tháng đầu năm 2025 đạt 110 gói thầu.
Theo ông Nguyễn Tiến Thông, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, BIM hiện nay không còn bó hẹp trong ý nghĩa mô hình thông tin công trình, mà đã trở thành một giải pháp chính để chuyển đổi số của ngành Xây dựng, mục đích là tạo ra bản sao số song hành của các công trình.
Với những dự án giao thông đô thị có vốn đầu tư lớn và nhiều bên tham gia như các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội, việc áp dụng BIM với các quy trình phối hợp nhiều bên, quy trình quản lý dự án theo ISO 9001:2015 giúp kiểm soát tốt xung đột thiết kế, quản lý tốt tiến độ và giao diện thi công, hỗ trợ hiệu quả trong công tác thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu, bàn giao của các cơ quan quản lý.
Những rào cản trong lựa chọn nhà thầu
ThS Phạm Phú Đức, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng Đà Nẵng nhấn mạnh, các rào cản lớn nhất hiện nay nằm ở công tác lựa chọn nhà thầu. Trong khi đó, chủ đầu tư muốn áp dụng BIM để nâng cao chất lượng thiết kế và thi công, nhưng lại chưa có cơ chế rõ ràng để đánh giá năng lực BIM của nhà thầu.
"Việc đưa ra những yêu cầu về BIM không rõ ràng, thiếu đánh giá khách quan khiến nhiều đơn vị có năng lực và tiềm lực cạnh tranh về BIM bị loại sớm bởi đơn vị tư vấn có năng lực hạn chế", ông Đức cho biết thêm.
TS Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng nghiên cứu, ứng dụng BIM, Trường Đại học Giao thông vận tải phân tích, quy định hiện hành cũng chưa làm rõ nội dung áp dụng BIM trong quá trình thi công. Mặt khác, việc cập nhật kiến thức và hiểu rõ về BIM đối với đơn vị tư vấn đấu thầu còn hạn chế nên dẫn tới có nhiều cách hiểu khác nhau trong Hồ sơ mời thầu, cũng như Hồ sơ dự thầu.
"BIM trong thi công cần được gắn với các quy định pháp lý về nghiệm thu, bàn giao, không chỉ dừng ở thiết kế", ông Chính nhấn mạnh.
TS Huỳnh Xuân Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Kỹ thuật và Công nghệ V7 nhận định, Thông tư số 12/2021/TT-BXD và Thông tư số 09/2024/TT-BXD của Bộ Xây dựng đã nêu những mức trần chi phí BIM, nhưng lại yêu cầu hạch toán theo định mức lao động. Điều này dẫn đến áp lực cho đơn vị tư vấn buộc phải duy trì nhiều nhân sự dù có thể áp dụng công nghệ để tối ưu. Chính điều này làm giảm hiệu quả đầu tư và cản trở đổi mới.

Cần xem xét bổ sung tiêu chí BIM là điều kiện tiên quyết hoặc tiêu chí kỹ thuật có trọng số cao trong hồ sơ mời thầu đối với dự án nhóm A, sử dụng vốn đầu tư công.
Thay đổi tư duy từ thử nghiệm sang đồng bộ
ThS Trần Văn Tâm, Tổng giám đốc Công ty CP Ideco Việt Nam chia sẻ, BIM là một tiến trình mang tính cộng tác, do đó các thành phần tham gia dự án phải thực sự áp dụng BIM một cách đồng bộ và đầy đủ. Nếu một bên chỉ áp dụng mang tính hình thức, sẽ tạo ra "gánh nặng" cho các bên còn lại.
Theo ông Tâm, đối với dự án có yêu cầu bắt buộc áp dụng BIM, Bộ Xây dựng cần có quy định chi tiết và cụ thể yêu cầu nội dung và mức độ áp dụng để đảm bảo tính đồng bộ, đầy đủ dữ liệu. Điều này không những phục vụ giai đoạn thiết kế, thi công mà quan trọng hơn là phục vụ cho giai đoạn quản lý vận hành sau này.
TS Huỳnh Xuân Tín cũng đề xuất có cơ chế khoán gọn chi phí BIM theo sản phẩm đầu ra để các đơn vị được quyền chọn phương pháp thuê thêm nhân công, viết phần mềm, hoặc ứng dụng AI.
Thông qua hội thảo, các chuyên gia đề xuất cần xem xét bổ sung tiêu chí BIM là điều kiện tiên quyết hoặc tiêu chí kỹ thuật có trọng số cao trong hồ sơ mời thầu đối với dự án nhóm A, sử dụng vốn đầu tư công; chuẩn hóa các khái niệm, vai trò nhân sự BIM trong pháp luật đấu thầu và xây dựng.
Đồng thời, ban hành Thông tư hướng dẫn riêng về chi phí BIM, cho phép doanh nghiệp linh hoạt lựa chọn phương pháp triển khai; tăng cường đào tạo BIM từ bậc đại học, sau đại học và đào tạo lại cho công chức, nhà thầu.
Việc áp dụng BIM trong đấu thầu không chỉ là yêu cầu công nghệ mà đã trở thành một phần thiết yếu trong hệ thống thể chế xây dựng hiện đại. Để làm được điều đó, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tháo gỡ rào cản chi phí và quan trọng nhất là thay đổi tư duy triển khai từ thử nghiệm sang đồng bộ hóa và phổ cập hóa BIM.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận