Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Chính trị

Bầu cử Quốc hội khoá 16 sớm, giữ số lượng 500 đại biểu

Bầu cử Quốc hội khoá 16 sớm, giữ số lượng 500 đại biểu

16/04/2025, 10:33

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 dự kiến diễn ra sớm hơn và vẫn giữ số lượng 500 đại biểu.

Chuẩn bị từ sớm, từ xa

Thông tin được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ sáng 16/4 khi truyền đạt chuyên đề "Về sửa đổi hiến pháp và pháp luật; phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031" tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, diễn ra sáng 16/4.

Bầu cử Quốc hội khoá 16 sớm, giữ số lượng 500 đại biểu - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt chuyên đề tại hội nghị.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 diễn ra trong bối cảnh có nhiều đổi mới trong Hiến pháp 2013; việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội.

Cuộc bầu cử lần này dự kiến diễn ra sớm hơn so với kỳ bầu cử trước để tạo sự đồng bộ với cấp ủy các cấp, kịp thời triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV.

Ông cho biết, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia tại kỳ họp thứ 9 tới.

Dự kiến, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là ngày Chủ nhật 15/3/2026. Còn ngày 6/4/2026 sẽ họp phiên họp thứ nhất của Quốc hội.

"Vì vậy các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, ngay từ bây giờ", ông Mẫn nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội cho biết, điểm mới lần này là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bầu cử, trong quản lý danh sách cử tri, niêm yết danh sách ứng cử viên và công bố kết quả bầu cử.

Dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn đại biểu

Thông tin về số lượng đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội vẫn giữ 500 đại biểu, trong đó tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 40%.

Định hướng chung về cơ cấu đó là đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 10%; đại biểu tái cử khoảng 30%; đại biểu nữ tỷ lệ ít nhất 35%, đại biểu là người dân tộc thiểu số ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội.

Bầu cử Quốc hội khoá 16 sớm, giữ số lượng 500 đại biểu - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Còn số lượng đại biểu HĐND sẽ căn cứ vào quy mô dân số từng đơn vị hành chính; thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.

Trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có một Phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.

Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân là đại biểu hoạt động không chuyên trách thì có hai Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

Trường hợp Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì Ban có một Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách; trường hợp Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm thì có hai Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách.

Ở cấp xã (gồm xã, phường, đặc khu), cơ cấu đại biểu chuyên trách ở Hội đồng nhân dự kiến là một Phó chủ tịch và hai Phó trưởng ban.

Cơ cấu đại biểu HĐND được thực hiện theo định hướng, đại biểu là người ngoài Đảng phấn đấu đạt tỷ lệ không dưới 10% ở từng cấp.

Đại biểu trẻ tuổi (dưới 35 tuổi), phấn đấu đạt tỷ lệ không dưới 15%. Đại biểu tái cử, phấn đấu đạt tỷ lệ không dưới 30%; bảo đảm ít nhất 35% người trong danh sách chính thức những người ứng cử là phụ nữ.

Bảo đảm tỷ lệ hợp lý là người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm dân số của từng địa phương.

Đặc biệt, nhằm quán triệt yêu cầu được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11, tiêu chuẩn cao nhất để lựa chọn đại biểu lần này là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác.

Ngoài ra, còn có các điểm mới trong tiêu chuẩn như ưu tiên người có trình độ về khoa học công nghệ; người được đào tạo cơ bản về pháp luật.

Về tiêu chuẩn tuổi, tính đến tháng 3/2026 phải đủ tuổi trọn 1 nhiệm kỳ, nam (tháng 3/1969), nữ (tháng 9/1972) trở lại đây. Tái cử phải còn ít nhất 36 tháng, nam (tháng 3/1967), nữ (tháng 5/1971) trở lại đây.

Đối với công tác bầu cử, các tỉnh ủy, thành ủy thành lập ban chỉ đạo để lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử, trực tiếp chỉ đạo từ cấp tỉnh xuống cấp xã.

Lãnh đạo tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ.

Có giải pháp chỉ đạo bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đặc biệt coi trọng tới chất lượng đại biểu, đồng thời đảm bảo cơ cấu hợp lý.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tốt việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.