Ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt nhằm ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong đó, yêu cầu TP Hà Nội triển khai các giải pháp để đến ngày 1/7/2026, không còn xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu) lưu thông trong Vành đai 1.
Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, từ ngày 1/1/2028, ô tô cá nhân chạy bằng xăng, dầu cũng sẽ bị hạn chế trong Vành đai 1 và 2. Đến năm 2030, lộ trình sẽ mở rộng tới toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi Vành đai 3.

Việc cấm xe máy xăng sẽ tác động đến đông đảo người dân (Ảnh Tạ Hải).
Nỗ lực nhiều năm kiểm soát phương tiện cá nhân
Từ năm 2017, Hà Nội đã đưa ra lộ trình hạn chế xe máy nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm không khí. Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND được HĐND thành phố thông qua ngày 4/7/2017 đặt mục tiêu đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy tại các quận cũ.
Vành đai 1 - vùng phát thải thấp trọng điểm của Thủ đô
Vành đai 1 được xác định khép kín qua các tuyến: Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Đê La Thành - Bưởi - Cầu Giấy - Võ Chí Công - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Quang Khải. Chu vi toàn tuyến khoảng 25km, diện tích khoảng 31km², trong đó Hồ Tây chiếm khoảng 5,2km².
Vành đai 1 đi qua 9 phường mới (sau sắp xếp), gồm 6 phường nằm trọn: Ba Đình, Ngọc Hà, Hoàn Kiếm, Cửa Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hai Bà Trưng và 3 phường một phần: Tây Hồ, Ô Chợ Dừa, Giảng Võ.
Dân số trong khu vực vào khoảng 600.000 người.
Hiện có gần 450.000 xe máy do người dân trong khu vực sở hữu.
Trong toàn thành phố, tổng số phương tiện xe máy là khoảng 6,9 triệu chiếc.
Cuối năm 2024, HĐND TP cũng đã có Nghị quyết số 47/2024/NQ-HĐND ngày 12/12/2024 về quy định vùng phát thải thấp.
Ngay sau khi Thủ tướng có Chỉ thị 20, thành phố đã lập tức giao các sở, ngành tiếp tục rà soát, đề xuất điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Cụ thể, Sở Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu xây dựng Nghị quyết của HĐND Thành phố về chuyển đổi sang năng lượng sạch cho phương tiện giao thông.
Dự thảo nghị quyết phải đề cập đến 3 nhóm giải pháp gồm: Chính sách ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện, đơn vị vận tải, thu mua xe máy cũ…
Xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và phát triển hạ tầng trạm sạc điện theo hướng đồng bộ, phù hợp với đặc điểm đô thị.
Liên quan đến việc phát triển giao thông công cộng, theo thông tin của Báo Xây dựng, Hà Nội đang triển khai Đề án phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Được biết, thành phố hiện có 45 tuyến buýt trợ giá hoạt động trong Vành đai 1, trong đó có 11 tuyến buýt điện với tổng cộng 126 xe buýt năng lượng sạch, phục vụ gần 6.500 lượt xe/ngày, tần suất dao động từ 5 - 20 phút/lượt.
Giai đoạn 2025-2030, thành phố dự kiến sẽ hoàn thành chuyển đổi toàn bộ xe buýt sang năng lượng xanh; Mở mới 27 tuyến buýt điện (dự kiến bổ sung 400 xe);
Đầu tư các tuyến đường sắt đô thị dài 96,8km (Tuyến số 2, số 3, số 5), đồng thời chuẩn bị đầu tư tiếp 301km còn lại (Tuyến số 1, 2A mở rộng, 4, 6, 7, 8 và tuyến kết nối các đô thị vệ tinh).
Tại khu vực Vành đai 1, Thành phố sẽ mở thêm các tuyến buýt nhỏ chạy điện, phù hợp với hạ tầng ngõ nhỏ, phố nhỏ; đồng thời điều chỉnh mạng lưới xe buýt hiện tại, kết hợp triển khai xe điện 4 bánh chở người trong vùng thí điểm phát thải thấp.
Phía Sở Xây dựng cho biết đang xây dựng dự thảo Nghị quyết HĐND Thành phố về chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện.
Theo đó, sẽ hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số cho xe điện cá nhân từ ngày nghị quyết có hiệu lực đến hết năm 2030; Ưu đãi phí trông giữ đối với xe xanh và tăng giá trông giữ đối với phương tiện sử dụng xăng, dầu.
Cần hài hòa giữa quyết tâm và thực tiễn
Theo ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, chỉ đạo của Thủ tướng là cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển.
Tuy nhiên, xe máy đang là phương tiện mưu sinh của hàng trăm nghìn người, nên thành phố cần có cơ chế hỗ trợ cụ thể, toàn diện và minh bạch.
Ông cũng cảnh báo các vấn đề về nguồn cung điện, hạ tầng trạm sạc cần được tính toán kỹ: Từ khả năng cấp điện, vị trí đặt trạm sạc tại các khu dân cư, cơ quan, hộ gia đình đến an toàn phòng cháy, xử lý rủi ro.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nhận định lộ trình này tác động rộng lớn, không chỉ đến người dân trong Vành đai 1 mà cả những người học tập, làm việc trong khu vực này.
Ông đề nghị thành phố sớm công bố cơ chế hỗ trợ cụ thể, đồng thời phát triển giao thông công cộng đủ mạnh, có khả năng thay thế phương tiện cá nhân.
TS Phan Lê Bình, chuyên gia đến từ Tổ chức JICA (Nhật Bản), cũng cho rằng, nếu áp dụng từ 1/7/2026, lượng người bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là người thu nhập thấp, buôn bán nhỏ. Việc tổ chức giao thông công cộng kết nối, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để người dân chấp nhận thay đổi.
Chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch là xu hướng tất yếu.
Tuy nhiên, để lộ trình cấm xe máy xăng trong Vành đai 1 từ 1/7/2026 trở thành hiện thực, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Nếu được chuẩn bị bài bản, đồng bộ và nhân văn, đây sẽ là bước ngoặt xanh hóa giao thông đô thị, mang lại môi trường sống tốt hơn cho hàng triệu người dân Thủ đô.
Tính đến tháng 7/2025, toàn mạng lưới có 154 tuyến buýt bao gồm: 127 tuyến buýt trợ giá; 11 tuyến buýt không trợ giá; 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour. Mạng lưới xe buýt đến nay đã tiếp cận đến: 125/126 xã, phường trên địa bàn TP đạt 99,2%; 27/27 các khu công nghiệp lớn đạt 100%; 37/37 các khu đô thị đạt 100%. Đã kết nối với 5 tỉnh thành lân cận: Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình và Phú Thọ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận