Vật liệu xây dựng (VLXD) là một trong những lĩnh vực tiêu thụ tài nguyên lớn và có lượng phát thải khí nhà kính đáng kể. Theo số liệu kiểm kê của Bộ Xây dựng, tổng phát thải khí nhà kính đối với sản xuất VLXD năm 2014 là 59,91 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 101,89 triệu tấn CO2 tương đương, tức là tăng gần gấp đôi.

Tỷ lệ doanh nghiệp triển khai toàn diện các cam kết ESG ngày càng tăng.
ESG - Environmental, Social, and Governance (Môi trường, Xã hội và Quản trị) là một khung đánh giá, nhằm đo lường tính bền vững và trách nhiệm đối với môi trường, xã hội của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp áp dụng tốt ESG thường có lợi thế về vốn đầu tư, giảm thiểu rủi ro pháp lý và vận hành hiệu quả hơn.
Hiện nay, Chính phủ đang từng bước thúc đẩy ESG thông qua các chính sách như Luật Bảo vệ môi trường 2020, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tác động môi trường. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Chương trình Net Zero 2050 yêu cầu doanh nghiệp cắt giảm khí thải để đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp lĩnh vực VLXD do Vietnam Report thực hiện trong giai đoạn 2024-2025, nhận thức và mức độ thực thi các chiến lược phát triển bền vững đã có những bước tiến đáng kể. Cụ thể, 100% doanh nghiệp tham gia khảo sát khẳng định phát triển bền vững là trọng tâm chiến lược kinh doanh trong năm 2025, phản ánh sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy quản trị.
Tỷ lệ doanh nghiệp triển khai toàn diện các cam kết ESG tăng từ 23,2% trong năm 2024 lên 30,8% vào năm 2025, cho thấy sự tích hợp ngày càng sâu rộng của các tiêu chí ESG vào hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Lãnh đạo Công ty CP Carbon Việt Nam, đơn vị sản xuất bê tông thảm mặt đường cho biết, hiện nay công ty đã có những hành động cụ thể để tiếp cận với ESG, như tích hợp các yếu tố ESG vào chiến lược kinh doanh tổng thế. Áp dụng các quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguyên liệu tái chế, giảm phát thải và quản lý chất thải hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị. Tuy nhiên, việc triển khai ESG cũng gặp một số khó khăn về nguồn lực, cơ chế.
Ngoài ra, hiện nay nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang phải đối mặt với với hạn chế về tài chính khi đầu tư vào công nghệ xanh.
Do vậy, với cơ quan quản lý, cần phát triển các quy định cụ thể liên quan giúp doanh nghiệp hiểu rõ các tiêu chí và nghĩa vụ của họ trong việc thực hiện ESG; ban hành các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, như giảm thuế, hỗ trợ tài chính hoặc miễn giảm phí môi trường; khuyến khích hoặc yêu cầu các doanh nghiệp công bố báo cáo hằng năm về thực trạng tuân thủ các tiêu chí của ESG.
Ông Nguyễn Quang Hiệp, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, để giải quyết các rào cản trong việc áp dụng tiêu chí ESG, các doanh nghiệp cần tiến hành đánh giá tác động của hoạt động sản xuất đến môi trường, xã hội và quản trị. Từ đó, xác định các yếu tố chính cần cải thiện và đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực.
Tiếp đến là thiết lập các chỉ số hiệu suất cụ thể để đo lường tiến độ đạt được các mục tiêu ESG; tạo môi trường làm việc an toàn và công bằng, chăm sóc sức khỏe cho nhân viên và tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu và phát triển những vật liệu mới, thân thiện với môi trường, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận