Quy hoạch cảng biển đáp ứng cho lượng hàng hóa tới hơn 26 triệu tấn
Theo quy hoạch, cảng biển Nghệ An gồm các khu bến: Nam Cửa Lò, Bắc Cửa Lò, Đông Hồi, Bến Thủy, Cửa Hội, cùng các bến phao, khu chuyển tải và các khu neo chờ, tránh, trú bão.
Mục tiêu đến năm 2030, cảng biển Nghệ An có lượng hàng hóa thông qua từ 22,25 - 26,75 triệu tấn. Trong đó, hàng container từ 0,18 - 0,24 triệu Teu. Sản lượng hành khách thông qua cảng từ 17,6 - 21,7 nghìn lượt khách.

Cảng biển Nghệ An được quy hoạch 9 bến cảng, có khả năng đón tàu tới 100.000 tấn (Ảnh minh họa).
Về kết cấu hạ tầng, sẽ có 9 bến cảng, gồm từ 28-31 cầu cảng với tổng chiều dài từ 5.151 - 5.926m.
Cụ thể, khu bến Nam Cửa Lò sẽ có 1 bến cảng, gồm 5-6 cầu cảng, đáp ứng cho lượng hàng hóa từ 5 - 5,5 triệu tấn và lượng hành khách từ 17,6 - 21,7 nghìn lượt khách. Bến cảng Cửa Lò tiếp nhận tàu trọng tải đến 30.000 tấn hoặc lớn hơn.
Khu bến Bắc Cửa Lò được quy hoạch 3 bến cảng, gồm từ 14-15 cầu cảng, đáp ứng cho lượng hàng hóa từ 12 - 15,5 triệu tấn. Trong đó, bến cảng Bắc Cửa Lò tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, tàu hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn; Bến cảng chuyên dùng Vissai tiếp nhận cỡ tàu từ 30.000 - 100.000 tấn và Bến cảng xăng dầu DKC tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 tấn.
Khu bến Đông Hồi có 3 bến cảng, gồm từ 5-6 cầu cảng. Bến cảng Đông Hồi 1 và 2 sẽ tiếp nhận tàu trọng tải đến 70.000 tấn, trong khi Bến cảng chuyên dùng nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập tiếp nhận tàu trọng tải đến 150.000 tấn.
Khu bến Bến Thủy, Cửa Hội có 2 bến cảng, gồm 4 cầu cảng, tiếp nhận tàu trọng tải từ 2.000 - 2.500 tấn. Riêng Bến cảng Bến Thủy sẽ thực hiện di dời, chuyển đổi công năng sau khi đã đầu tư bến cảng Hưng Hòa.
Các bến phao, khu chuyển tải, khu neo, chờ, tránh, trú bão được quy hoạch tại Cửa Lò, Đông Hồi, khu vực Cửa Hội (trên sông Lam) và khu vực khác có đủ điều kiện.
Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Nghệ An đáp ứng cho lượng hàng hóa thông qua với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 3,6 - 4,5%/năm. Giai đoạn này, tiếp tục phát triển các bến cảng biển đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa, hành khách.
Ưu tiên đầu tư các luồng hàng hải công cộng
Quy hoạch định hướng đầu tư các bến cảng khác gồm: Bến cảng phục vụ trực tiếp cho các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu (nhà máy đóng tàu Nghệ An, nhà máy đóng tàu Trường An) và bến du thuyền phục vụ du lịch; bến cảng phục vụ các cơ quan quản lý nhà nước, nghiên cứu, huấn luyện, đào tạo, cung cấp dịch vụ hàng hải; các bến cảng, cầu cảng gắn liền với các khu bến chính đảm nhận vai trò hỗ trợ thu gom và giải tỏa hàng hóa bằng đường thủy.
Kết cấu hạ tầng hàng hải được quy hoạch duy trì chuẩn tắc thiết kế luồng hàng hải Cửa Hội - Bến Thủy. Tuyến luồng Cửa Lò cho tàu trọng tải đến 30.000 tấn đầy tải, 50.000 tấn giảm tải; luồng Đông Hồi cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn đầy tải, 70.000 tấn giảm tải.
Tuy nhiên, lộ trình đầu tư tùy thuộc vào khả năng bố trí, huy động nguồn lực. Trường hợp huy động nguồn xã hội hoá, cho phép đầu tư luồng hàng hải phù hợp với quy mô bến cảng theo quy hoạch.
Cùng đó, các kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải như khu neo chờ, tránh, trú bão, hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS) cũng sẽ được ưu tiên đầu tư, bên cạnh việc đầu tư xây dựng bến công vụ, cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành.
Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 317,36ha (chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics... gắn liền với cảng). Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 24.852ha (đã bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải).
Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển Nghệ An khoảng 17.973 tỷ đồng, gồm nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 1.943 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 16.030 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận