Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn
Ngày 25/7, báo Global Times dẫn lời ông Farhan Haq - Phó Phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, ông Antonio Guterres đang theo dõi sát sao báo cáo liên quan tới đụng độ vũ trang tại biên giới Campuchia và Thái Lan.

Binh sĩ Thái Lan trên xe bọc thép di chuyển tại tỉnh Chachoengsao ngày 24/7. Ảnh: VCG.
"Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi hai bên kiềm chế tối đa, giải quyết căng thẳng tại khu vực biên giới thông qua đối thoại và tinh thần láng giềng hữu nghị nhằm tìm kiếm giải pháp lâu dài", ông Farhan Haq nói.
Dự kiến, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York sẽ tổ chức họp khẩn vào ngày hôm nay (25/7) về xung đột Campuchia – Thái Lan. Cuộc họp được thực hiện theo yêu cầu từ Thủ tướng Campuchia Hun Manet, diễn ra theo hình thức họp kín vào khoảng 15h chiều theo giờ địa phương.
Mặt khác, với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết đã trao đổi trực tiếp với Thủ tướng Campuchia Hun Manet và quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai, bày tỏ quan ngại sâu sắc của Malaysia về leo thang căng thẳng dọc biên giới hai nước.
"Trong cuộc điện đàm, với tư cách Chủ tịch ASEAN 2025 của Malaysia, tôi trực tiếp kêu gọi hai lãnh đạo lập tức ngừng bắn để tránh các hành động thù địch, tạo không gian cho đối thoại hòa bình và giải pháp ngoại giao", ông Anwar cho biết.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Malaysia hoan nghênh những tín hiệu tích cực từ cả Campuchia và Thái Lan trong việc xem xét cách tiếp cận trên.
Ông khẳng định Malaysia sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này trên tinh thần đoàn kết và trách nhiệm chung của ASEAN và tin tưởng sức mạnh của ASEAN nằm ở sự đoàn kết, khẳng định hòa bình phải luôn là lựa chọn kiên định và mang tính tập thể của khu vực.
Trung Quốc, Mỹ lên tiếng
Từ Trung Quốc, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 24/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn bày tỏ quan ngại sâu sắc đồng thời kêu gọi hai quốc gia giải quyết bất đồng thông qua đối thoại hòa bình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn cho rằng Thái Lan và Campuchia đều là láng giềng hữu nghị của Trung Quốc và là các thành viên quan trọng trong ASEAN. Việc xử lý bất đồng một cách hợp lý, hòa bình là vì lợi ích căn bản và lâu dài của cả hai bên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn. Ảnh: Global Times.
"Trung Quốc bày tỏ vô cùng quan ngại về những diễn biến vừa qua, hy vọng hai bên giải quyết vấn đề thông qua đàm phán và tham vấn. Vì lợi ích chung và những lo ngại của các quốc gia trong khu vực, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì lập trường công bằng, khách quan, phát huy vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy đối thoại vì hoà bình và đóng vai trò xây dựng trọng thúc đẩy giảm leo thang", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Cùng ngày, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tommy Pigott kêu gọi chấm dứt ngay hành động thù địch, bảo vệ dân thường và giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình.
"Chúng tôi vô cùng quan ngại trước tình hình bạo lực leo thang dọc biên giới Thái Lan - Campuchia, lấy làm tiếc trước những báo cáo về thương vong đối với dân thường. Mỹ kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch, bảo vệ dân thường và giải quyết xung đột một cách hòa bình", ông Tommy Pigott nói.
Thái Lan và Campuchia có lịch sử căng thẳng kéo dài tại khu vực biên giới, đặc biệt là xung quanh khu vực đền Preah Vihear, từng dẫn đến giao tranh nghiêm trọng năm 2011 khiến hàng chục người thiệt mạng.
Lần leo thang căng thẳng biên giới mới nhất xảy ra sau vụ đụng độ giữa quân đội hai nước vào sáng 24/7, trong đó hai bên đều cáo buộc đối phương nổ súng trước.
Trước đó, ngày 23/7, Thái Lan cáo buộc Campuchia gài mìn tại khu vực tranh chấp biên giới, sau đó trục xuất đại sứ Campuchia tại Thái Lan, triệu hồi đại sứ Thái Lan tại Campuchia về nước, thông báo hạ cấp quan hệ ngoại giao hai nước.
Campuchia cũng hành động tương tự, tuyên bố hạ cấp quan hệ với Thái Lan xuống mức thấp nhất, triệu hồi cán bộ ngoại giao ở Bangkok về nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận