Ngày 11/4, Ban QLDA 2 (Bộ Xây dựng) cho hay, Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku về phương án thiết kế 3 hầm đường bộ đảm bảo phù hợp điều kiện địa hình, an toàn trong vận hành khai thác và phát huy hiệu quả đầu tư.

Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được thiết kế có 3 hầm nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện địa hình, an toàn trong vận hành khai thác và phát huy hiệu quả đầu tư. Ảnh: Mô phỏng.
Theo nghiên cứu tiền khả thi, cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có chiều dài 125km đi qua địa hình phức tạp kết nối giữa duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Ông Cao Việt Hùng, Phó giám đốc Ban QLDA 2 cho hay, tuyến đường trên có hai vị trí đèo An Khê và Mang Yang có địa hình quanh co phức tạp và chênh lệch độ cao. Cụ thể: Đèo An Khê chiều dài khoảng 9km, chênh cao hơn 400m và đèo Mang Yang có chiều dài khoảng 5km, chênh cao hơn 300m. Do đó, việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa khối lượng lớn, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu từ các tỉnh Kon Tum, Gia Lai qua hệ thống cảng biển Bình Định bị hạn chế. Phương tiện khi qua hai vị trí đèo trên có tốc độ bình quân chỉ khoảng 40 - 50km/h, ảnh hưởng rất lớn đến thời gian di chuyển từ thành TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đến TP Pleiku (tỉnh Gia Lai).
Đối với đoạn đèo An Khê và đèo Mang Yang, Ban QLDA 2 dự kiến thiết kế xây dựng 3 công trình hầm, gồm: hầm An Khê 1 tại Km 35+900 dài khoảng khoảng 1.170m; hầm An Khê 2 tại Km 37+900 dài khoảng 860m và hầm Mang Yang tại Km 79+200 dài khoảng 3.000m.
Theo đó, mỗi vị trí hầm đường bộ trên cao tốc được thiết kế hai ống hầm. Mỗi hầm rộng 10,55m đảm bảo hai làn xe lưu thông an toàn. Thiết kế hầm vượt núi và khắc phục độ cao này nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện địa hình, an toàn trong vận hành khai thác và phát huy hiệu quả đầu tư.
"Cả hai vị trí đèo được bao phủ bởi rừng. Do đó, việc khoan hầm đường bộ là giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ rừng đồng thời đảm bảo ATGT cho phương tiện, phù hợp với xu hướng phát triển mạng lưới giao thông thế giới", ông Hùng nói.

Một góc đèo An Khê kết nối giữa Gia Lai và tỉnh Bình Định. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên.
Cũng theo Ban QLDA 2, phương án thiết kế xây dựng dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku dự kiến xây dựng 63 cầu trên tuyến chính và 11 cầu vượt ngang. Cầu thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế.
Theo dự kiến, dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được chuẩn bị đầu tư trong năm 2025 và hoàn thành, khai thác trong giai đoạn 2026-2030. Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku với tổng mức đầu tư hơn 43.500 tỷ đồng.
Điểm đầu dự án tại Km 0+000 QL19B (khoảng lý trình Km 39+200) thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Điểm cuối dự án tại Km 124+960 QL14 (đường Hồ Chí Minh, khoảng lý trình Km 1606+770/ĐHCM) thuộc xã Ia Kênh, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Để đảm bảo ngân sách trong quá trình triển khai dự án cao tốc, hai tỉnh Gia Lai và Bình Định đã thống nhất cam kết đối ứng với tổng số tiền dự kiến là 1.250 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng. Trong đó, tỉnh Bình Định 750 tỷ đồng, Gia Lai 500 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận