Băng rừng vượt núi tới "trái tim" hầm Đèo Bụt
Vượt qua hàng chục cây số đường rừng quanh co giữa những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có mặt tại công trường hầm Đèo Bụt - điểm nhấn đặc biệt trên tuyến cao tốc Vũng Áng - Bùng đang vào chặng nước rút, sẵn sàng bứt phá cùng các đại công trình giao thông quốc gia.

Hầm Đèo Bụt - công trình điểm nhấn của dự án thành phần cao tốc Vũng Áng - Bùng đoạn qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh.
Giữa đại ngàn heo hút của miền Tây Hà Tĩnh, hầm xuyên núi Đèo Bụt dài gần 1km hiện lên như một dấu gạch nối đầy kiêu hãnh, mở đường cho cao tốc băng qua vùng địa hình hiểm trở nhất của tuyến. Khởi công từ tháng 7/2023, công trình không chỉ là thử thách về kỹ thuật mà còn là cuộc "trường chinh" bền bỉ của những kỹ sư, công nhân ngày đêm bám trụ giữa rừng sâu, núi thẳm.
"Lúc bắt đầu khoan hầm, khu vực này chưa có điện lưới, phải dùng máy phát. Đường vận chuyển vật liệu trơn trượt như đổ mỡ, xe chở đá nối đuôi nhau đứng chờ cả buổi, đợi nắng lên mới dám chạy," kỹ sư Đỗ Quốc Tuấn, Chỉ huy trưởng gói thầu thi công hầm, Tập đoàn Sơn Hải nhớ lại.

Công nhân thi công lan can cầu dẫn vào hầm Đèo Bụt.
Là người gắn bó từ những ngày đầu khảo sát địa chất, ông Trần Cường, cán bộ Công ty CP Tư vấn Xây dựng A2Z chia sẻ thêm: "Có hôm đang khoan thì nước ngầm bất ngờ tràn vào mũi khoan, phải tạm dừng. Địa hình thì phức tạp, đường vào hẹp, lại thêm gió Lào hanh khô khiến nền đất dễ nứt nẻ, rất khó xử lý".
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, bản vẽ thi công phải cập nhật liên tục, có tuần điều chỉnh đến vài lần. Từng chi tiết nhỏ của vòm hầm hay hệ chống đỡ đều trải qua hàng chục bước kiểm định nghiêm ngặt.
"Căng thẳng nhất là những ngày mưa lớn, cả đội vừa lo chống trượt ta luy vừa khẩn trương gia cố kè đá. Có hôm mưa xối xả, gần 100 anh em phải ở lại lán nhiều ngày, bị cô lập hoàn toàn," ông Tuấn kể, ánh mắt vẫn đượm vẻ tự hào.
Viết tiếp huyền thoại Đèo Ngang: Cuộc đua giữa hai thế hệ dưới lòng núi
Nếu hầm Đèo Bụt là thử thách nơi rừng sâu heo hút, thì hầm Đèo Ngang mở rộng lại là một bản hòa tấu rực lửa của trí tuệ, kỹ thuật và ký ức - nơi hai thế hệ kỹ sư cùng hội tụ để viết tiếp câu chuyện lịch sử giữa lòng đất miền Trung.
Hầm Đèo Ngang cũ - biểu tượng mở đường huyền thoại, từng hoàn thành năm 2004, nay như "người anh cả" lặng lẽ dõi theo bước chân hối hả của lớp kỹ sư trẻ đang từng ngày "khoét núi mở đường" cho hầm mới. Với quy mô gấp đôi, thiết kế hiện đại, vận tốc khai thác lên đến 80km/h, hầm mới là một phần không thể thiếu trong đại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Dụ án mở rộng hầm Đèo Ngang nối 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Trị.
Từ tháng 1/2025, Công ty CP Sông Đà đã "đóng chốt" trên đỉnh Đèo Ngang - nơi gió biển ràn rạt, mây núi vần vũ, và đường dây 500kV Bắc - Nam chạy ngang đỉnh. Chính vì vậy, mỗi mũi khoan, mỗi phát nổ đều là một cuộc cân não. "Kỹ thuật thi công hầm ở đây không thể áp dụng như các nơi khác. Không được nổ mìn liên tục, không được sai lệch bất kỳ thông số rung chấn nào vì có thể ảnh hưởng đến đường điện quốc gia và hầm cũ", kỹ sư Lâm Văn Trường, quản lý kỹ thuật tại công trường, nhấn mạnh.

Việc thi công phía trong hầm khá vất vả vì thiếu sáng, độ ồn và bụi.
Từ khâu nổ mìn có kiểm soát đến đo rung động bằng thiết bị hiện đại, mọi phương án đều được Ban Quản lý dự án Đường sắt phối hợp với các đơn vị tư vấn tính toán kỹ lưỡng. Phương pháp NATM (đào hầm kiểu Áo) được ứng dụng để tối ưu thi công trong điều kiện địa chất phức tạp và không gian hạn chế.
Khó khăn chưa dừng ở đó. Mãi đến tháng 5/2025, điện lưới mới được kéo lên chân hầm. Trong hơn 60 ngày đầu, cả công trường phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống máy phát diesel để có ánh sáng, thông gió và duy trì hoạt động của thiết bị.
Dù vậy, tiến độ thi công vẫn không ngừng được đẩy nhanh. Đến giữa tháng 7/2025, hầm đã hoàn thành hơn 70% khối lượng, dự kiến thông xe cuối năm nay. "Giai đoạn cao điểm, hơn 150 kỹ sư, công nhân chia ca làm việc suốt đêm. Có đêm gió giật mưa tuôn, anh em vẫn khoác áo mưa, đục đá đến rạng sáng. Gian khổ là thế, nhưng tất cả đều đồng lòng vì mục tiêu về đích đúng hẹn", ông Lê Thành Sang, Chỉ huy trưởng hầm Đèo Ngang kể bằng ánh mắt rực lửa.

Những kỹ sư Sông Đà từng gắn bó với từng mét hầm Đèo Ngang, dãy Hoành Sơn lại tiếp tục công việc mở rộng dự án này.
Ông Sang không phải người xa lạ với công trình này. Năm 2004, khi hầm Đèo Ngang đầu tiên được khoan thông, ông mới ngoài 30, là một trong những người trực tiếp thi công. Hai mươi năm sau, ông trở lại, dẫn dắt lớp kỹ sư kế cận tiếp tục hành trình chinh phục núi đèo. "Được quay lại đây, với nhiều đồng nghiệp cũ, là một điều vô cùng xúc động. Đèo Ngang không chỉ là một công trình, mà là một phần tuổi trẻ của tôi", ông nói, giọng trầm lắng.
Không chỉ với kỹ sư, Đèo Ngang còn là ký ức sống động trong lòng người dân địa phương. Ông Mai Trần Thắng, người dân phường Hoành Sơn, thị xã Kỳ Anh chia sẻ: "Năm xưa, tôi từng chứng kiến cảnh các anh em dựng lán giữa rừng, khoan từng mét đá để mở đường. Giờ lại thấy họ quay về, tiếp tục đào thêm một ống hầm nữa. Vui lắm, tự hào lắm. Mong hầm sớm hoàn thành để bà con đi lại thuận tiện hơn".
Hầm Đèo Ngang đang dần hoàn thiện, nhưng câu chuyện về nó vẫn chưa khép lại. Đó không chỉ là câu chuyện kỹ thuật, mà là bản hùng ca nối dài của tinh thần vượt khó, của thế hệ này kế tục thế hệ kia để cùng viết nên những con đường đi xuyên thời gian - mở ra cánh cửa tương lai cho miền Trung và cho cả đất nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận