Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Kinh tế

Chuyên gia hiến kế xử lý tài sản thi hành án trong các đại án kinh tế

Kinh tế

Chuyên gia hiến kế xử lý tài sản thi hành án trong các đại án kinh tế

14/05/2025, 18:16

Các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn thường để lại khối tài sản phức tạp, khó định giá và dễ phát sinh tranh chấp. Do đó, cần sớm có quy định rõ về trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cơ chế bảo vệ người mua tài sản thi hành án.

Ngày 14/5, báo Pháp luật TP.HCM tổ chức hội thảo Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự với chủ đề "Giải pháp xử lý tài sản trong thi hành án các vụ án kinh tế".

Chuyên gia hiến kế xử lý tài sản thi hành án trong các đại án kinh tế- Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự với chủ đề "Giải pháp xử lý tài sản trong thi hành án các vụ án kinh tế".

Theo Ban tổ chức, sau hơn 16 năm thi hành, Luật Thi hành án dân sự (THADS) 2008 bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong xử lý tài sản lớn, phức tạp liên quan các vụ án kinh tế. Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật THADS (sửa đổi) để hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả thi hành án.

Việc sửa đổi này nhằm thể chế hóa tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị (ban hành ngày 4/5/2025) về phát triển kinh tế tư nhân, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và hạn chế hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế. Để góp phần hiện thực hóa chủ trương trên, Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia am tường về công tác THADS.

Tại hội thảo, ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm đấu giá tài sản TP.HCM chia sẻ, trong nhiều năm qua, cơ quan thi hành án dân sự tại TP.HCM phải xử lý rất nhiều tài sản đặc biệt có giá trị lớn liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng. Điển hình như vụ án Ngân hàng Xây dựng, vụ án Huyền Như (ngân hàng Vietinbank), vụ án Ngân hàng Đông Á và đặc biệt là vụ án Trương Mỹ Lan - Ngân hàng SCB.

Chuyên gia hiến kế xử lý tài sản thi hành án trong các đại án kinh tế- Ảnh 2.

Ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm đấu giá tài sản TP.HCM.

Ông Thắng cho rằng, tài sản thi hành án dân sự đưa ra đấu giá thường phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, tổ chức đấu giá phải thẩm định kỹ lưỡng hồ sơ do Chấp hành viên cung cấp, đảm bảo giấy tờ đầy đủ, hợp pháp nhằm bảo vệ quyền lợi các bên tham gia, đặc biệt là người trúng đấu giá.

Có ba rủi ro chính khi mua tài sản thi hành án, theo ông Thắng. Thứ nhất là rủi ro pháp lý tài sản, bao gồm việc khó thu giữ bản chính giấy tờ tài sản, vướng mắc khi chuyển nhượng dự án bất động sản và tài sản bị nhiều cơ quan kê biên, ngăn chặn.

Thứ hai là rủi ro khi đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu, khó khăn thủ tục hành chính chuyển nhượng và kê khai thuế. Thứ ba là rủi ro khi bàn giao tài sản, có thể không giao được hoặc giao chậm do sự chống đối, cưỡng chế, văn bản tạm dừng, hoặc người phải thi hành án chuộc lại tài sản.

Từ đó, ông Thắng khuyên người mua cần nghiên cứu kỹ hồ sơ pháp lý, xem thực tế tài sản, tìm hiểu thông tin và liên hệ cơ quan thi hành án để hạn chế rủi ro.

Chuyên gia hiến kế xử lý tài sản thi hành án trong các đại án kinh tế- Ảnh 3.

TS.LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

TS.LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng chỉ ra nhiều bất cập trong định giá tài sản, đặc biệt là trong tố tụng hình sự và thi hành án. Trong đó, thời điểm định giá hiện tại (thời điểm cơ quan tố tụng yêu cầu) có thể gây bất lợi nếu cách xa thời điểm phạm tội và chưa có hướng dẫn cụ thể về thời điểm định giá phù hợp qua các giai đoạn tố tụng.

Thứ hai, hiệu lực 6 tháng của chứng thư thẩm định giá thường quá ngắn so với thời gian thi hành án, nhiều trường hợp không định giá lại được. Thứ ba, phương pháp định giá, nhất là việc sử dụng thông tin đại chúng và internet, còn thiếu tính pháp lý và xác thực.

Thêm vào đó, sự khác biệt về kết quả thẩm định giữa các đơn vị cũng gây khó khăn. Thực tế cho thấy nhiều tài sản giá trị như cổ phần, tài sản hình thành trong tương lai không được định giá đầy đủ, và có sự chênh lệch lớn giữa các kết quả thẩm định. Về hiệu lực chứng thư, có quan điểm mâu thuẫn với quy định hiện hành. Thậm chí, có trường hợp chứng thư hết hiệu lực nhưng vẫn được sử dụng trong thi hành án.

Chuyên gia hiến kế xử lý tài sản thi hành án trong các đại án kinh tế- Ảnh 4.

GS.TS Đỗ Văn Đại (bên phải), Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM và nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Pháp Luật TP.HCM chủ trì, điều hành hội thảo.

LS Hoài đề xuất cơ chế thống nhất xử lý tài sản dở dang, cổ phần; định giá theo giá thị trường; thành lập hội đồng xử lý tài sản cho đại án; quy định chặt chẽ quy trình thu thập thông tin định giá; bắt buộc định giá tài sản đặc thù; xác định thời điểm định giá là thời điểm tài sản bị xâm phạm; và tham khảo giá địa phương, giá do các bên cung cấp khi định giá...

Theo ghi nhận, sau khi các đại biểu trình bày tham luận, các đại biểu cùng nhau thảo luận về giải pháp xử lý tài sản trong thi hành án các vụ án kinh tế.

Được biết, sau hội thảo, Ban tổ chức sẽ tổng hợp các kiến nghị để gửi tới các Bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan, với mong muốn được góp ý để dự thảo Luật THADS (sửa đổi) hoàn thiện hơn.

Bổ sung quy định về xử lý chứng khoán để bảo đảm thi hành án dân sựBổ sung quy định về xử lý chứng khoán để bảo đảm thi hành án dân sự

(Xây dựng) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 152/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 33/2020/NĐ-CP.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.