Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Thế giới giao thông

Chuyện phá cao tốc, hồi sinh dòng suối giữa Seoul

Chuyện phá cao tốc, hồi sinh dòng suối giữa Seoul

10/04/2025, 09:08

Suối Cheonggyecheon ngày nay là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc, được ví như lá phổi xanh của thủ đô Seoul. Trước kia, con suối này đã từng bị vùi lấp để xây đường cao tốc.

Chi phí 386 tỷ won

Ở trung tâm thủ đô Seoul, giữa phố xá tấp nập, không hiếm gặp cảnh những người dân địa phương và khách du lịch đi dạo dọc theo một dòng suối rợp bóng cây, dừng lại trên những bậc đá bắc qua dòng nước chảy hiền hòa.

Chuyện phá cao tốc, hồi sinh dòng suối giữa Seoul- Ảnh 1.

Công nhân phá dỡ một đoạn cầu tại lễ khởi công dự án phá cầu, khôi phục suối Cheonggyecheon tháng 7/2003.

Nhìn hình ảnh này, thật khó tưởng tượng chỉ hơn 20 năm trước, đây từng là một đoạn đường trên cao phục vụ 168.000 ô tô mỗi ngày qua trung tâm thủ đô Hàn Quốc.

Thực tế, kể từ triều đại Joseon (1392-1910), nơi đây từng đóng vai trò là tuyến đường thủy quan trọng của thành phố, điều tiết lũ lụt.

Đến thời kỳ những năm 1930, khu vực này trở thành nơi xả thải, bị coi là "ung nhọt của thành phố", gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Sau chiến tranh Triều Tiên, những người tị nạn đã xây dựng khu ổ chuột dọc theo bờ sông. Vào những năm 1960, Seoul đã lấp dòng suối và xây dựng đường trên cao.

Sau này, khi người dân bắt đầu thay đổi và nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, chất lượng cuộc sống, chính quyền địa phương quyết định biến nơi đây thành nơi thử nghiệm cho tư duy mới về không gian đô thị: Phá dỡ đường và khôi phục dòng suối năm xưa.

Nhờ chiến dịch vận động phá đường, khôi phục dòng suối vào năm 2002, ông Lee Myung-bak đã thắng cử Thị trưởng Seoul (sau này trở thành tổng thống). Kế hoạch của ông Lee không chỉ bao gồm phá đường "vắt qua" thành phố mà còn xây dựng thêm hạ tầng cho xe buýt nhanh cùng nhiều dự án tái phát triển, xây dựng một số thị trấn mới trong thủ đô.

Ngay khi nhậm chức, lãnh đạo thành phố đã quyết liệt đẩy nhanh dự án. Quá trình phá bỏ đường, khôi phục dòng suối, xây dựng đường cho người đi bộ đã được khởi công và hoàn thành chỉ trong 27 tháng với chi phí 386 tỷ won (khoảng 220 triệu bảng Anh).

Giảm nhiệt độ, bớt ô nhiễm

Theo nghiên cứu của Viện Seoul, khu vực xung quanh dòng suối hiện giảm nhiệt hơn 3,6 độ C so với khu vực đường phố gần đó, tạo một không gian mát mẻ giữa trung tâm đông đúc của Seoul.

Chuyện phá cao tốc, hồi sinh dòng suối giữa Seoul- Ảnh 2.

Con suối trong lành thu hút rất đông người dân và khách du lịch.

Việc dỡ bỏ đường trên cao cũng tạo ra luồng gió mới qua thành phố, cải thiện lưu thông không khí. Ô nhiễm không khí đã giảm đáng kể, ước tính mức NO2 giảm 35%.

Sau này, rất nhiều loài động vật hoang dã đã quay trở lại bên dòng suối. Kết quả cuộc khảo sát năm 2022 của Viện Seoul cho thấy khu vực này hiện có 666 loài, bao gồm 174 loài động vật và 492 loài thực vật.

"Dự án đánh dấu sự thay đổi mô hình từ chính sách giao thông lấy phương tiện làm trung tâm sang quy hoạch đô thị lấy con người làm trung tâm", bà Minah Park - người phụ trách Bảo tàng Cheonggyecheon nằm bên bờ suối cho biết.

Không chỉ vậy, bên dưới bề mặt đường dành cho người đi bộ ở hai bên dòng suối, tuy trông rất tự nhiên nhưng có cả cơ sở hạ tầng chống lũ hiện đại.

Dòng suối có thể hỗ trợ ngăn chặn xảy ra lũ lụt nghiêm trọng khi có các cửa thoát nước ngầm đặc biệt, dẫn nước mưa từ trung tâm thành phố đến các tuyến đường thủy lớn hơn và cuối cùng ra sông Hàn.

Vượt qua khó khăn

Ban đầu, dự án này cũng đối mặt không ít lời chỉ trích và phát sinh nhiều vấn đề.

Bà Kim Youngmin, Phó giáo sư Khoa Kiến trúc cảnh quan của Đại học Seoul cho biết: "Trước khi dự án được thực hiện, nhiều kỹ sư giao thông đã cảnh báo nếu phá dỡ đường sẽ gây ra thảm họa với giao thông nội thành".

Chuyện phá cao tốc, hồi sinh dòng suối giữa Seoul- Ảnh 3.

Khung cảnh suối Cheonggyecheon về tối.

Hơn nữa, sau gần nửa thế kỷ hoạt động, gần đường đã hình thành một khu chợ trời sôi động. Nhiều người có sinh kế phụ thuộc vào khu chợ này đã cố thủ và phản kháng, buộc ông Lee phải đàm phán.

Thị trưởng Lee đã ra điều kiện để người dân chuyển đến gần Sân vận động Dongdaemun với lời hứa sẽ sửa sang một khu chợ trời chất lượng ở gần đó, nhờ vậy mới có thể đẩy nhanh giải phóng mặt bằng.

Một vấn đề khác là chi phí để bổ sung nước cho dòng suối. Ban đầu, dòng suối này chỉ có nước theo mùa. Ngoài những tháng mưa, nơi đây hầu như là khô cạn. Để duy trì dòng suối chảy liên tục như hiện nay, thành phố tốn 2,9 tỷ won/năm.

Mỗi ngày, địa phương sẽ bơm hơn 48.000 tấn nước bao gồm 40.000 tấn từ nước sông Hàn đã qua xử lý và 8.300 tấn nước ngầm để duy trì dòng chảy.

Do đó, có không ít ý kiến cho rằng con suối này là nhân tạo, gây tốn kém chứ chưa thực sự phục hồi được dòng suối tự nhiên.

Tuy nhiên, thành công của dự án đã tạo ra sự chuyển đổi trên quy mô lớn hơn. Kể từ đó, thành phố đã dỡ bỏ 16 con đường trên cao khác, nhiều tuyến được thay thế bằng không gian công cộng hoặc vỉa hè rộng rãi.

Ngoài ra, khu vực suối Cheonggyecheon hiện thu hút hơn 12 triệu du khách mỗi năm, trở thành điểm thu hút du lịch, nét đặc sắc của Seoul.

Về mặt giao thông, cuối cùng đã không xảy ra những vấn đề tắc nghẽn kinh hoàng như cảnh báo.

Nhiều chuyên gia của Hàn Quốc đánh giá, dự án này trở thành hình mẫu thế giới trong bối cảnh các thành phố trên toàn cầu đang vật lộn với cơ sở hạ tầng đường bộ cũ và nhu cầu để giảm phát thải, thích nghi với biến đổi khí hậu rất cấp thiết.

Dự án biến đường thành suối Cheonggyecheon là một trong những dự án đầu tiên trên thế giới thử nghiệm biến không gian từng là đường bộ hoặc đường sắt thành không gian dành cho người đi bộ và người đi xe đạp.

Ngoài suối Cheonggyecheon, còn có nhiều dự án trên thế giới như dự án biến đường ray xe lửa cũ thành công viên trên cao ở High Line (New York, Mỹ). Hay tại thành phố Utrecht (Hà Lan), một con đường bê tông 12 làn xe đã được phá dỡ để khôi phục kênh đào Catharijnesingel (từng bị lấp đi để làm đường), trở thành không gian công cộng tuyệt vời cho người dân thành phố.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.