Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Xây dựng

Công nghệ, yếu tố xanh sẽ là tiêu chí cạnh tranh của doanh nghiệp xây dựng

Xây dựng

Công nghệ, yếu tố xanh sẽ là tiêu chí cạnh tranh của doanh nghiệp xây dựng

29/04/2025, 13:45

Việc áp dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường, yếu tố xanh sẽ không chỉ là tiêu chí lựa chọn nhà thầu, mà còn là một phần trong chiến lược phát triển dài hạn ngành Xây dựng.

Phóng viên Báo Xây dựng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam về những chiến lược để phát triển ngành Xây dựng bền vững trong thời gian tới.

Ngành Xây dựng tăng trưởng nhờ đầu tư công

Thưa ông, ông nhận định như thế nào về những biến động của ngành Xây dựng Việt Nam trong những năm tới?

Công nghệ, yếu tố xanh sẽ là tiêu chí cạnh tranh của doanh nghiệp xây dựng- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ để có thêm nhiều doanh nghiệp đầu đàn đáp ứng yêu cầu từ những dự án quy mô lớn.

Theo đánh giá của tôi, tình hình ngành Xây dựng Việt Nam trong những năm tới sẽ bước vào giai đoạn bùng nổ nhờ dòng vốn đầu tư công. Tính riêng trong năm 2025, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đã lên tới 875 nghìn tỷ đồng. Chính phủ đang quyết tâm đẩy mạnh tiến độ đầu tư công để góp phần đưa nền kinh tế hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8%. Từ đó, khối lượng công việc của ngành sẽ rất lớn.

Ngoài ra, thị trường xây dựng dân dụng cũng đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại, sau khi đi qua giai đoạn khó khăn trong năm 2023. Trước những chuyển động tích cực này, các doanh nghiệp xây dựng đang chuyển mình để bắt kịp nhu cầu thị trường.

Hoạt động xây dựng dự kiến sẽ tăng trưởng trong năm 2025 và có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2026. Đặc biệt, nếu dự án đường sắt tốc độ cao trị giá 67 tỷ USD được chính thức khởi công vào năm 2027 như kế hoạch, dư địa khối lượng công việc trong ngành sẽ tăng mạnh. Đồng thời, dòng vốn FDI vào lĩnh vực xây dựng cũng được kỳ vọng sẽ gia tăng, mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong ngành.

Vậy theo ông, các doanh nghiệp xây dựng cần làm gì để hòa mình vào giai đoạn bùng nổ này?

Xét về cơ cấu doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp xây dựng có quy mô lớn và năng lực thực sự mạnh hiện nay vẫn còn hạn chế. Số doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ đồng không nhiều. Dù nhu cầu xây dựng và cơ hội việc làm đang gia tăng, nhưng khả năng đáp ứng của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện.

Trong một thời gian dài, ngành Xây dựng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dân dụng, trong khi mảng hạ tầng chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia. Hiện nay, với việc đẩy mạnh đầu tư công, nhiều dự án cầu đường và hạ tầng kỹ thuật được triển khai khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp xây dựng chuyển hướng sang lĩnh vực này.

Thực tế, các gói thầu trong những dự án quy mô lớn thường sẽ có giá trị lớn, cũng như đặt ra yêu cầu cao hơn về năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện những công trình tương tự đối với nhà thầu. Đơn cử, dự án đường sắt tốc độ cao với tổng vốn đầu tư lên tới 67 tỷ USD, bao gồm 23 nhà ga và 1.541km đường ray, là một công trình có quy mô đặc biệt lớn.

Các gói thầu trong dự án này khó có thể chia ra quá nhỏ mà sẽ là các gói thầu lớn, điều đó đồng nghĩa với việc chỉ những nhà thầu có tiềm lực tài chính vững mạnh, hồ sơ năng lực rõ ràng và kinh nghiệm thi công được kiểm chứng mới có thể trúng thầu.

Trước thực trạng này, các doanh nghiệp xây dựng cần chủ động nâng cao năng lực toàn diện đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trong hồ sơ năng lực, qua đó nâng cao vị thế và vai trò của doanh nghiệp nội địa trong chuỗi phát triển hạ tầng quốc gia.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, tăng số lượng doanh nghiệp đầu đàn

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp ngành Xây dựng nên chú trọng vào chiến lược cốt lõi nào để phát triển?

Mỗi doanh nghiệp xây dựng đều có định hướng phát triển riêng, phụ thuộc vào lĩnh vực chuyên môn, năng lực nội tại và mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là doanh nghiệp cần xác định đúng thế mạnh cốt lõi của mình để phát huy và nhanh chóng nắm bắt cơ hội trên thị trường. Ngoài ra, có một số xu hướng mang tính cốt lõi mà doanh nghiệp xây dựng cần đặc biệt quan tâm.

Công nghệ, yếu tố xanh sẽ là tiêu chí cạnh tranh của doanh nghiệp xây dựng- Ảnh 2.

Hoạt động xây dựng dự kiến sẽ tăng trưởng trong năm 2025 và có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2026. Ảnh: Minh Tuệ.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần nắm bắt nhu cầu của thị trường để định hướng phát triển phù hợp, không đi lệch khỏi xu thế chung. Doanh nghiệp phải xác định nhu cầu khách hàng, nghiên cứu lại thị trường, chẳng hạn như định hình hướng phát triển của thị trường trong 5 năm tới để có các chiến lược thích nghi.

Thứ hai, công nghệ, yếu tố xanh và bền vững sẽ trở thành tiêu chí cạnh tranh quan trọng trong thời gian tới. Các doanh nghiệp trong ngành cần chú trọng đến việc giảm phát thải khí carbon, sử dụng các loại vật liệu xây dựng bền vững và áp dụng các giải pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường. Đây sẽ không chỉ là tiêu chí trong hồ sơ mời thầu, mà còn là một phần trong chiến lược phát triển dài hạn.

Thứ ba, liên danh - liên kết để hình thành hệ sinh thái nhà thầu xây dựng. Với nhiều dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp như đường sắt tốc độ cao, những dự án xây cầu, hầm đòi hỏi công nghệ cao và yêu cầu kỹ thuật khắt khe hơn hẳn các công trình truyền thống, việc hợp tác giữa các nhà thầu sẽ giúp nâng cao năng lực và tăng cơ hội trúng thầu.

Theo ông, để thúc đẩy phát triển ngành Xây dựng một cách bền vững, cần có cơ chế, chính sách như thế nào?

Như Tổng Bí thư Tô Lâm từng nói, "cơ chế là điểm nghẽn của các điểm nghẽn", đây cũng là vấn đề mà cả Nhà nước và doanh nghiệp cần cùng nhau tháo gỡ. Do đó, tôi kiến nghị một số đề xuất.

Công nghệ, yếu tố xanh sẽ là tiêu chí cạnh tranh của doanh nghiệp xây dựng- Ảnh 3.

Các doanh nghiệp xây dựng cần nâng cao năng lực toàn diện, nâng cao vị thế và vai trò của doanh nghiệp nội địa trong chuỗi phát triển hạ tầng quốc gia.

Thứ nhất, cần tiếp tục cải tiến hệ thống đơn giá định mức. Hiện nay, chúng ta vẫn đang áp dụng hệ thống đơn giá định mức truyền thống, vốn đã bộc lộ nhiều bất cập. Trong khi đó, với hệ thống đơn giá định mức hiện tại, lợi nhuận thực chất của nhà thầu chỉ khoảng 4-5%, không đủ để tích lũy vốn, dẫn đến quy mô doanh nghiệp khó mở rộng.

Thứ hai, xây dựng cơ chế đặc thù để nhà thầu Việt tham gia các dự án trọng điểm quốc gia. Chẳng hạn, với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, một lĩnh vực hoàn toàn mới tại Việt Nam, nếu không có cơ chế đặc thù, các nhà thầu trong nước sẽ khó có thể tham gia dự án.

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp xây dựng có quy mô lớn và năng lực thực sự không nhiều. Cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ để có thêm nhiều doanh nghiệp đầu đàn trong ngành Xây dựng đáp ứng yêu cầu từ những dự án quy mô lớn.

Thứ ba, đẩy mạnh chính sách khuyến khích và đào tạo nhân lực ngành Xây dựng. Thực trạng, nhiều sinh viên có xu hướng chọn học kinh tế xây dựng thay vì thi công do đặc thù công việc ngoài công trường vất vả, trong khi mức thu nhập chưa thực sự hấp dẫn. Vì vậy, cần có cơ chế liên hoàn, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ theo hình thức xã hội hóa để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xây dựng.

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế bảo vệ nhà thầu trong công tác thanh toán và thay đổi tư duy trong quản lý đấu thầu. Đây là vấn đề tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, bởi tình trạng nợ đọng kéo dài đang bào mòn sức lực của doanh nghiệp xây dựng.

Thực tế cho thấy, nhu cầu đầu tư xây dựng trong thời gian tới rất lớn. Do đó, cải cách cơ chế, chính sách là yếu tố cốt lõi cần được thực hiện quyết liệt, để nền kinh tế Việt Nam phát triển vững mạnh. Việc xây dựng một hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia đồng bộ và hiện đại là yếu tố không thể thiếu.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.