Lo phân tán nguồn lực quốc gia
Góp ý vào dự án luật, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) tập trung vào vấn đề tăng trần nợ vay của ngân sách địa phương.
Cụ thể theo dự thảo, đối với các địa phương không nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, mức dư nợ vay không vượt quá 120% số dự toán thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) góp ý tại hội trường. Ảnh: Media Quốc hội.
Cho rằng "dễ vay thì dày nợ", đại biểu lo ngại sẽ làm phân tán nguồn lực quốc gia nếu tăng trần nợ công cho các địa phương.
Theo ông, hiện nay nhiều địa phương đã có cơ chế đặc thù cho tăng dư nợ vay ngân sách để đầu tư vào các dự án trọng điểm của địa phương nhưng chưa thấy đánh giá tổng kết về hiệu quả thực thi chính sách.
Đại biểu đoàn Bắc Giang quan ngại, việc luật hóa nội dung này, mở rộng áp dụng để nâng tổng thể trần nợ vay tất cả các địa phương, có thể làm phân tán nguồn lực quốc gia vào nhiều dự án nhỏ ở các địa phương mà không còn room vay nợ.
Đồng thời, không tập trung được nguồn lực cho các công trình dự án lớn quốc gia trong thời gian tới.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị kiểm soát, giám sát chặt chẽ khả năng trả nợ vay của địa phương khi tăng trần nợ vay của ngân sách địa phương. Bởi sẽ có tình trạng địa phương không trả nổi khi đã vay, khiến ngân sách trung ương phải bù, làm nợ công tăng cao.
Đại biểu Hoà đề nghị giám sát chặt chẽ việc vay cho đầu tư phát triển như thế nào, lĩnh vực nào phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) góp ý vào dự thảo luật. Ảnh: Media Quốc hội.
Song, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) lại cho rằng, việc điều chỉnh tăng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển trong tình hình mới hiện nay là cần thiết.
"Vừa qua, thực hiện chủ trương của Đảng, chúng ta đã thực hiện sáp nhập 63 tỉnh thành còn 34 địa phương. Vì vậy, rất cần nguồn lực đầu tư để kết nối trong nội thành, kết nối vùng. Tuy nhiên, việc này có thể làm tăng nợ công", ông Ngân nói.
Do đó, đại biểu đề nghị xem xét thêm đối với các địa phương là Hà Nội, TP.HCM do 2 địa phương này đang có nhiều dự án lớn và có thể cân nhắc nâng mức trần dư nợ này lên 150 - 200%.
Nâng trần nợ công nhưng phải kiểm soát được
Phát biểu giải trình tại phiên họp, về vấn đề tăng trần nợ vay cho các địa phương, nhiều đại biểu ủng hộ nhưng cũng có đại biểu băn khoăn.
Làm rõ nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, khi tính toán tăng trần nợ công cho các địa phương, Bộ Tài chính đã nghiên cứu rất kỹ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tiếp thu giải trình. Ảnh: Media Quốc hội.
Hiện nay, trần nợ công Quốc hội cho phép là 60%, thực tế đến hết năm 2024 mới sử dụng khoảng 34,7% GDP, do đó, việc điều chỉnh mức dư nợ của ngân sách địa phương đã được đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở tương quan với các chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định trong giai đoạn 2021-2025.
Giai đoạn 2026-2030, dự kiến đề xuất bội chi ngân sách nhà nước sẽ ở mức 5% và ngân sách địa phương sẽ ở mức 0,7%.
Đồng tình với đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng khẳng định, nâng trần nợ công nhưng phải kiểm soát được hai vấn đề lớn: Kiểm soát nợ công, bội chi trong giới hạn cho phép của Quốc hội và chất lượng vay, chất lượng các dự án sử dụng vốn vay, tránh trường hợp sử dụng không có hiệu quả, dẫn đến gánh nặng cho ngân sách.
"Cũng giống như khoản vay của ngân hàng, khoản vay của ODA, vay nước ngoài của Trung ương, Trung ương phát hành trái phiếu hay những khoản vay của địa phương cũng phải tính toán đến hiệu quả về kinh tế - xã hội và phải đảm bảo hiệu quả về tài chính", Bộ trưởng nêu.
Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu để quy định trong nghị định hướng dẫn nhằm đảm bảo được mục tiêu này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận