Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Thị trường

Đảng bộ Bộ Công thương xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm và 6 đột phá chiến lược

Đảng bộ Bộ Công thương xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm và 6 đột phá chiến lược

17/07/2025, 23:36

Dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 của Bộ Công thương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn giao nhiệm vụ: Ngành Công thương cần tiên phong khai thác những động lực tăng trưởng mới.

Dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công thương lần thứ nhất, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công thương lần thứ nhất diễn ra đúng vào thời điểm đất nước ta đang có những bước chuyển biến lịch sử, khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy; đồng thời triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện bộ tứ trụ cột, bao gồm: Phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân, đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đảng bộ Bộ Công thương xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm và 6 đột phá chiến lược- Ảnh 1.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Bộ Công thương đã phấn đấu "hơn 100% sức lực", đóng góp toàn diện vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội.

Kỳ tích đường dây 500 kV mạch 3

Tại Đại hội, Phó thủ tướng đánh giá cao Đảng bộ Bộ Công thương đã chủ động sớm tổ chức thành công Đại hội ở 38 Đảng bộ và Chi bộ trực thuộc; cơ bản thống nhất với báo cáo chính trị, các văn kiện đã được chuẩn bị một cách bài bản, công phu, bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ trong kỷ nguyên mới.

Cũng theo Phó Thủ tướng, 5 năm qua, ngành Công thương đã đồng sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo, có những đột phá để đóng góp toàn diện vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể ở 6 kết quả:

Thứ nhất, Bộ Công thương đã có thành tích trong đột phá tham mưu xây dựng chính sách với hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp.

Thứ hai, việc thực hiện quy hoạch và phát triển mạng lưới điện và năng lượng quốc gia đạt được nhiều thành tích, tiến bộ vượt bậc. Nổi bật là "kỳ tích" đường dây 500 kV mạch 3 được hoàn thành với nhiều "kỷ lục" về thời gian thi công, khối lượng công việc, huy động nguồn lực, giải quyết vướng mắc; tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; tháo gỡ khó khăn cho các dự án lớn về năng lượng tái tạo.

Thứ ba, với vai trò điều tiết, dẫn dắt của Bộ Công thương, xuất nhập khẩu tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp chủ lực vào tăng trưởng kinh tế. Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 786,29 tỷ USD, tiến gần tới mốc lịch sử 800 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay; đáng chú ý ta xuất siêu năm thứ 9 liên tục với mức thặng dư gần 25 tỷ USD.

Đảng bộ Bộ Công thương xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm và 6 đột phá chiến lược- Ảnh 2.

Cũng theo đánh giá của Phó Thủ tướng, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Bộ Công thương đã "đi vững, đi đều" cả hai mặt công tác chuyên môn và xây dựng Đảng.

Thứ tư, thị trường trong nước tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc ở mức 9% với điểm sáng là thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD năm 2024, tăng trưởng 22% so với năm 2023, chiếm 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam.

Thứ năm, công nghiệp có bước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng gần 10% năm 2024 (so với năm 2023 chỉ dưới 1%), tạo động lực đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Công nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò then chốt, chiếm trên 30% GDP. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 80%, giúp Việt Nam khẳng định vị thế là mắt xích trung tâm của sản xuất khu vực.

Thứ sáu, với phương châm "đi vững, đi đều" cả hai mặt công tác chuyên môn và xây dựng Đảng, Đảng bộ Bộ Công thương đã đạt nhiều kết quả tích cực trong đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng.

Bộ Công thương cũng là cơ quan quyết liệt thực hiện "tinh, gọn, mạnh" bộ máy; đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả bộ máy từ bên trong; sớm kiện toàn tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Phó thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận, trong nhiệm kỳ 2020-2025, hoạt động của Đảng bộ Bộ Công thương vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, như: Chưa kịp thời trong việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của cấp trên vẫn còn những điểm nghẽn trong thể chế, quy hoạch, quản trị, chuyển đổi số; còn hạn chế về hiệu quả tổ chức thực thi, về chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ; xuất khẩu còn phụ thuộc lớn, kéo dài vào khu vực FDI và một số thị trường; tỷ lệ nội địa hóa thấp; công nghiệp phụ trợ còn chưa phát triển. Quản lý thị trường vẫn còn kẽ hở khi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp.

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Đại hội thảo luận, phân tích kỹ các nguyên nhân, xác định giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra để đưa ngành Công thương phát triển toàn diện, vững mạnh.

Đảng bộ Bộ Công thương xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm và 6 đột phá chiến lược- Ảnh 3.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Chính phủ nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Đảng ủy Bộ Công thương nhiệm kỳ 2020-2025, Bộ trưởng Bộ Công thương được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ Công thương nhiệm kỳ 2025-2030.

Cần tiên phong khai thác những động lực tăng trưởng mới

Thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và 6 đột phá nhiệm kỳ tới được nêu trong Báo cáo chính trị, Phó Thủ tướng gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ chính trị trong quản lý nhà nước của ngành, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng XIV; phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, đạt và vượt các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, có năng lực cạnh tranh thuộc nhóm dẫn đầu ASEAN, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, duy trì vị thế Top 20 về xuất khẩu và top 30 về thị trường bán lẻ toàn cầu, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, năng lượng; phát triển hạ tầng năng lượng, thương mại, logistics hiện đại, tiệm cận nhóm đầu ASEAN.

Đồng thời, tập trung triển khai tốt 4 quy hoạch trọng điểm quốc gia của ngành trong giai đoạn tới (gồm: Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch điện, Quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu khí đốt quốc gia và Quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản, với khoảng 50 nghìn dự án và tổng mức đầu tư lên tới hàng triệu tỷ đồng).Hai là, định hình một tầm nhìn mới trong thời đại mới, quyết tâm đổi mới tư duy, xác lập bản sắc kinh tế mới dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bộ Công thương cần giữ vai trò tiên phong trong chủ động khai thác các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, thân thiện môi trường, phát triển công nghiệp nền tảng. Triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận công nghệ mới…

Ba là, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững thị trường năng lượng. Thực hiện tốt Quy hoạch điện VIII, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm cân bằng giữa an ninh năng lượng và mục tiêu giảm phát thải. Cơ cấu lại thị trường điện cạnh tranh minh bạch, tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.

Bốn là, phát triển thương mại hiện đại, bền vững, gắn với xuất khẩu giá trị cao, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách của các nước lớn về thuế quan. Đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, giảm dần phụ thuộc vào nguyên liệu thô và gia công. Mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ sinh thái logistics và thương mại số, phù hợp với xu thế chung của thế giới và khu vực.

Đảng bộ Bộ Công thương xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm và 6 đột phá chiến lược- Ảnh 4.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2025-2030 Nguyễn Hồng Diên phát biểu tiếp thu những ý kiến chỉ đạo.

Năm là, bảo vệ thị trường trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Phát triển mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" gắn với đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hoàn thiện hệ thống phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước trước các hành vi, nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài. Nâng cao năng lực điều tiết thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Sáu là, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện tốt các cam kết, thỏa thuận thương mại quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Chủ động tham gia xây dựng "luật chơi" thương mại mới, bảo vệ lợi ích quốc gia trong đàm phán thương mại song phương, đa phương. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trong thực thi cam kết FTA. Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội, vượt rào cản kỹ thuật và phi thuế quan khi xuất khẩu.

Bảy là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thể chế ngành Công thương. Rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật ngành Công thương phù hợp với yêu cầu chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại số. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ trong quản lý ngành. Phối hợp với các trường đại học, doanh nghiệp để đào tạo nhân lực có kỹ năng công nghệ cao phục vụ cho công nghiệp 4.0 và logistics thông minh.

Tám là, về công tác xây dựng Đảng, thực hiện hiệu quả quan điểm chỉ đạo "xây dựng Đảng là then chốt", trong đó: Tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, tập trung xây dựng Đảng về đạo đức.

"Tôi tin tưởng Đảng bộ Bộ Công thương nhiệm kỳ 2025-2030 sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu xây dựng ngành Công thương vững mạnh toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030; vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, vì hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đột phá chiến lược quyết tâm vì đất nước hùng cường

Với chủ đề "Đổi mới tổ chức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; phát huy vai trò nòng cốt, trụ cột của ngành Công thương trong phát triển kinh tế đất nước; vững bước tiến vào kỷ nguyên mới", Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 của Bộ Công thương có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Công thương nhiệm kỳ 2020-2025; rút ra các bài học kinh nghiệm và quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, mang tính đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo ngành Công thương tiếp tục phát triển bền vững trong 5 năm tới; đồng thời, thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ Chính phủ nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Đảng bộ Bộ Công thương xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm và 6 đột phá chiến lược- Ảnh 5.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công thương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030.

Báo cáo chính trị tại Đại hội nêu rõ: Nhiệm kỳ 2020-2025, trong bối cảnh nhiều biến động lớn của tình hình kinh tế thế giới và khu vực, Đảng bộ Bộ Công thương đã phát huy tinh thần đoàn kết, bản lĩnh chính trị vững vàng, trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ trước. Toàn Đảng bộ đã nỗ lực thực hiện tốt vai trò hạt nhân chính trị, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Chính phủ triển khai đồng bộ nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực then chốt của Ngành; dẫn dắt ngành Công thương hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch, đóng góp thiết thực và quan trọng trong các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế vĩ mô của đất nước.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ 2025-2030, Đảng bộ Bộ Công thương xác định rõ phương hướng hoạt động đó là việc tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng toàn diện, tạo chuyển biến rõ nét, xây dựng Đảng bộ Bộ Công thương trong sạch, vững mạnh. Lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển ngành, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Hiện thực hóa phương hướng trên, ngành Công thương đã xác lập 7 nhiệm vụ trọng tâm, 6 đột phá chiến lược để góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

7 nhiệm vụ trọng tâm

Một là, xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện, giữ vai trò hạt nhân đoàn kết, gương mẫu, đủ năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong hệ thống chính trị;

Hai là, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh gọn, rõ chức năng - nhiệm vụ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, điều hành; Nâng cao chất lượng tham mưu chiến lược, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số;

Ba là, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển ngành, khơi thông nguồn lực;

Bốn là, ưu tiên xây dựng hệ thống pháp luật về công nghiệp thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và các ngành, lĩnh vực trọng điểm.

Năm là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng nội địa trong sản xuất công nghiệp và hàng hóa xuất nhập khẩu, phát triển hạ tầng công nghiệp, năng lượng, thương mại hiện đại và cạnh tranh.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cấp và ký kết các FTA mới, mở rộng hợp tác quốc tế về công nghiệp, thương mại, năng lượng.

Bảy là, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước theo hướng bền vững, cạnh tranh toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị, hình thành các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu, năng lượng, phân phối, logistics.

Đảng bộ Bộ Công thương xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm và 6 đột phá chiến lược- Ảnh 6.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công thương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030.

6 đột phá chiến lược

Đại hội cũng xác định 6 đột phá chiến lược, bao gồm:

Một là, đột phá về hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đồng bộ, hiện đại cho lĩnh vực công nghiệp và thương mại, tạo nền tảng giải phóng mọi nguồn lực phát triển ngành.

Hai là, đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng hạ tầng năng lượng, công nghiệp, thương mại hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và năng suất ngành.

Ba là, đột phá về phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp, ưu tiên hình thành các tập đoàn tư nhân và Nhà nước có năng lực cạnh tranh toàn cầu, làm chủ các chuỗi giá trị khu vực và quốc tế.

Bốn là, đột phá về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, gắn với chuyển đổi số toàn diện trong công tác đảng, từng bước xây dựng mô hình tổ chức Đảng hiện đại, linh hoạt, thích ứng với thời đại số.

Năm là, đột phá trong công tác cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cấp ủy và kế cận có bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, khát vọng cống hiến; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Sáu là, đột phá về cải cách hành chính trong Đảng, tinh gọn tổ chức, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả phối hợp và điều hành; đẩy mạnh phân cấp gắn với kiểm soát quyền lực và quy trình làm việc thông minh, liên thông.

Tại Đại hội, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi đóng góp vào Báo cáo Chính trị, Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025; Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030.

Đại hội cũng đã công bố các quyết định của Đảng ủy cấp trên chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng bộ Bộ Công thương nhiệm kỳ 2025-2030 và đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030.

Theo đó, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025-2030; đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công thương giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Công thương nhiệm kỳ 2025-2030; đồng chí Phan Văn Bản giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy chuyên trách Bộ Công thương nhiệm kỳ 2025-2030.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.