Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Giáo dục

Đề xuất dành 91.000 tỷ đồng cho 100% trẻ mẫu giáo được đến trường

Đề xuất dành 91.000 tỷ đồng cho 100% trẻ mẫu giáo được đến trường

09/04/2025, 20:25

Đó là nội dung quan trọng trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xây dựng, lấy ý kiến nhân dân.

Với mục tiêu được công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030, Dự thảo Nghị quyết đưa ra ba nhóm giải pháp:

Đề xuất dành 91.000 tỷ đồng cho 100% trẻ mẫu giáo được đến trường- Ảnh 1.

Đề xuất bổ sung chính sách ưu đãi cho trẻ em mẫu giáo vùng khó khăn (Ảnh: Phượng Nguyễn).

Nhóm thứ nhất bao gồm các chính sách ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo ở vùng khó khăn trong độ tuổi thực hiện phổ cập, nhằm đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) để được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo Chương trình GDMN. Cụ thể, bộ đề xuất hỗ trợ kinh phí học tập (miễn phí) đối với trẻ 3 - 5 tuổi, có cha, mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hợp pháp là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp mà doanh nghiệp đã ký hợp đồng lao động.

Theo quy định hiện nay, học phí của nhóm này ở các địa phương dao động từ 10.000 - 200.000 đồng mỗi tháng. Đồng thời, Bộ cũng đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa so với quy định hiện hành cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi.

Nhóm thứ hai sẽ tập trung vào các chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Cụ thể, Bộ sẽ quy định các chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ và thu hút giáo viên mầm non, bao gồm việc chi trả một lần tối thiểu bằng 12 tháng lương cơ sở. Nngười được tuyển dụng phải cam kết công tác ít nhất trong 5 năm.

Đề xuất dành 91.000 tỷ đồng cho 100% trẻ mẫu giáo được đến trường- Ảnh 2.

Đề xuất quy định các chính sách đặc thù để hỗ trợ và thu hút giáo viên mầm non (Ảnh: Phượng Nguyễn).

Ngoài ra, cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non (không gồm các cơ sở liên kết đào tạo với nước ngoài hoặc vốn đầu tư nước ngoài) cũng sẽ được hỗ trợ kinh phí nhằm thực hiện nhiệm vụ phổ cập.

Cuối cùng, nhóm thứ ba sẽ chú trọng đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp, đáp ứng yêu cầu phổ cập, trong đó ưu tiên đầu tư cho vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cùng với vùng biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Cũng theo dự thảo, tổng kinh phí thực hiện sẽ lên tới 91.000 tỷ đồng, từ năm 2026 - 2035. Số tiền này bao gồm ngân sách Nhà nước, xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác. Dự thảo này dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 7 năm nay.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hằng năm, có trên 5,1 triệu trẻ mầm non (trong đó có 4,5 triệu trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi) được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; khoảng 15.000 trường mầm non và hơn 17.000 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ đạt 34,6%, mẫu giáo đạt 93,6%.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.