Hạn chế xáo trộn hoạt động tàu thuyền khi đến cảng biển Việt Nam
Hiện nay, cả nước có 18 cảng vụ hàng hải, trong đó có 15 cảng vụ chịu ảnh hưởng bởi việc hợp nhất các tỉnh (trừ 3 Cảng vụ hàng hải: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An). Mỗi cảng vụ quản lý một hoặc nhiều khu vực hàng hải và quản lý các tuyến đường thủy nội địa quốc gia trên địa bàn được giao.

Việc sắp xếp các cảng vụ hàng hải trên nguyên tắc bảo đảm tính ổn định trong hoạt động và phù hợp với thông lệ quốc tế (Ảnh minh họa).
Theo Cục Hàng hải và Đường thủy VN, việc sắp xếp các cảng vụ hàng hải theo nguyên tắc bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội theo địa giới hành chính, phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, cũng như bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải.
Trong đó, việc sắp xếp, tổ chức cảng vụ hàng hải phải xét tới quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 đã được phê duyệt. Đồng thời, cần căn cứ vào sự phát triển các cảng biển trọng điểm, khu kinh tế ven biển và logistics, phù hợp định hướng phát triển kinh tế biển của từng địa phương.
Đặc biệt, để bảo đảm tính ổn định trong hoạt động và phù hợp với thông lệ quốc tế trong việc đặt tên cảng vụ hàng hải, Cục Hàng hải và Đường thủy VN đề xuất sau khi hợp nhất các tỉnh, tên gọi của các cảng vụ hàng hải sẽ theo tên gọi hiện hữu nhằm hạn chế sự thay đổi, gây xáo trộn cho hoạt động tàu thuyền khi đến cảng biển Việt Nam.
Trường hợp tỉnh mới thành lập sau hợp nhất từ 2-3 tỉnh trước đó đã có tên các cảng vụ hàng hải (từ 2 cảng vụ trở lên), đề xuất lấy tên cảng vụ hàng hải hiện hữu, tầm ảnh hưởng của cảng vụ với hoạt động hàng hải quốc tế lớn, thời gian hoạt động nhiều hơn.
Tổ chức lại một số cảng vụ
Sắp xếp lại hệ thống cảng vụ hàng hải sau hợp nhất tỉnh: Tránh chồng chéo, nâng cao hiệu quả quản lý
Theo đánh giá, việc hợp nhất các tỉnh có tác động trực tiếp đến địa bàn hoạt động của nhiều cảng vụ hàng hải.
Trong trường hợp tỉnh, thành phố có biển được hợp nhất với tỉnh, thành phố không có biển, phạm vi quản lý hàng hải về cơ bản không thay đổi, chỉ điều chỉnh tên gọi đơn vị hành chính. Do đó, khối lượng công việc và phạm vi quản lý của các cảng vụ hàng hải tương ứng nhìn chung không bị xáo trộn.
Tuy nhiên, nếu hai tỉnh, thành phố đều có biển được hợp nhất (như Quảng Bình và Quảng Trị, thành tỉnh Quảng Trị với chiều dài bờ biển 191km; Ninh Thuận và Khánh Hòa, thành tỉnh Khánh Hòa với bờ biển dài 400km…), thì sẽ nảy sinh tình huống một cảng vụ quản lý vùng nước thuộc nhiều tỉnh mới, hoặc một tỉnh mới có hai cảng vụ cùng hoạt động.
Cần rà soát, điều chỉnh để tránh chồng chéo Cục Hàng hải và Đường thủy nội địa Việt Nam nhấn mạnh: “Những trường hợp này đòi hỏi phải rà soát, điều chỉnh hệ thống tổ chức để tránh chồng chéo trong công tác quản lý Nhà nước về hàng hải".
Từ đó, Cục đề xuất phương án sắp xếp lại các cảng vụ hàng hải, trong đó giữ nguyên cơ cấu tổ chức và tên gọi đối với các cảng vụ: Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Đồng Nai, Cần Thơ, Kiên Giang.
Đặc biệt, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận được đề xuất giữ nguyên tổ chức và tên gọi, đồng thời quản lý hoạt động hàng hải trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng mới (sau khi hợp nhất Bình Thuận và Lâm Đồng), cùng một phần địa bàn tỉnh Khánh Hòa, với tổng chiều dài bờ biển 222km. Việc này nhằm phát huy lợi thế địa lý, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý tổng thể.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã hợp nhất Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị và Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế thành Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế. Với việc sắp xếp tỉnh thành mới, Cục Hàng hải và Đường thủy VN đề xuất thành lập Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị trên cơ sở tổ chức lại Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh và Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế.
Nguyên nhân, sau khi hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị mới, quy mô phát triển kinh tế biển tại khu vực lớn hơn với nhiều tiềm năng và cơ hội mới. Đặc biệt, trong chuyến thăm và làm việc tại 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị ngày 25/6/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, tỉnh mới có điều kiện định hình mô hình phát triển kinh tế mở, hiện đại, gắn với các trục hành lang kinh tế Đông - Tây, Bắc - Nam với bờ biển dài gần 200km.Việc hợp nhất sẽ tạo điều kiện hình thành các chuỗi giá trị liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, tận dụng hiệu quả hạ tầng cảng biển nước sâu Hòn La, Mỹ Thủy, các khu kinh tế ven biển và vùng nguyên liệu dọc hành lang Đông - Tây.
Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển các trung tâm logistics, công nghiệp phụ trợ, trung chuyển hàng hóa và năng lượng tái tạo trên hành lang Đông - Tây và Bắc - Nam. Chưa kể, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có công văn đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, nghiên cứu thành lập mới Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị nhằm phát huy những thế mạnh vốn có của tỉnh, khắc phục được những khó khăn, bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý vùng nước.
Giữ ổn định Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai, phục vụ thống nhất quản lý tuyến luồng Đối với Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai, đơn vị này sẽ tiếp tục quản lý hoạt động hàng hải trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mới (hợp nhất Đồng Nai và Bình Phước) và một phần TP.HCM. Lý do là Cảng Bình Dương - cảng biển duy nhất của tỉnh Bình Dương (nay thuộc địa bàn TP.HCM) - nằm trên tuyến luồng sông Đồng Nai do Cảng vụ Đồng Nai quản lý.
Việc duy trì cơ chế quản lý tập trung tại Cảng vụ Đồng Nai sẽ tạo thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính, kiểm tra, giám sát và điều phối tàu thuyền giữa các cảng trên cùng tuyến luồng. Đồng thời, tránh phân tán, chồng chéo thẩm quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng chuyên ngành, góp phần cải thiện chỉ số logistics và năng lực cạnh tranh khu vực.
Đề xuất bổ sung, hợp nhất một số cảng vụ Cục Hàng hải và Đường thủy cũng đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, phê duyệt Đề án thành lập Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị (trên cơ sở tổ chức lại Cảng vụ Hà Tĩnh và Cảng vụ Thừa Thiên - Huế); Đề án hợp nhất Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng và Cảng vụ Quảng Nam thành Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng; Đề án hợp nhất Cảng vụ Hàng hải TP.HCM và Cảng vụ Vũng Tàu thành Cảng vụ Hàng hải TP.HCM.
Đồng thời, cơ quan này kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến tổ chức lại hệ thống cảng vụ hàng hải sau khi các đề án được phê duyệt nhằm đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả trong công tác quản lý và phát triển lĩnh vực hàng hải quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận