Fed trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất
Trong tuần này, Tổng thống Donald Trump dường như đã cân nhắc sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell, nhưng cuối cùng rút lại ý định do lo ngại về sự xáo trộn trên thị trường. Dù vậy, triển vọng lãi suất chính sách của Fed gần như không thay đổi bất chấp những tranh cãi này.

Fed dự kiến giữ nguyên kế hoạch trì hoãn cắt giảm lãi suất.
Các quan chức Fed không đề cập đến việc tăng lãi suất, nhưng các tiêu đề về khả năng sa thải ông Powell đã khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt - điều trái ngược với mong muốn của Tổng thống Donald Trump về nguồn tài chính rẻ hơn để bù đắp thâm hụt liên bang lớn.
Vào ngày thứ Sáu, Tổng thống Donald Trump tiếp tục chỉ trích ông Powell và cho rằng lãi suất chính sách của Fed nên ở mức 1%, một mức thấp thường được sử dụng để kích thích nền kinh tế yếu, thay vì kiềm chế lạm phát bằng chính sách tiền tệ thắt chặt như Fed đang thực hiện.
Fed được dự đoán sẽ giữ lãi suất chuẩn trong khoảng 4,25%-4,50% tại cuộc họp ngày 29-30/7, một mức mà các nhà hoạch định chính sách coi là đủ để hạn chế lạm phát. Fed đã cắt giảm lãi suất lần cuối vào tháng 12, khi các nhà hoạch định bắt đầu đánh giá tác động của các mức thuế nhập khẩu mà ông Trump nhanh chóng áp dụng sau khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1.
Việc cắt giảm lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục vào cuối năm nay, với các nhà đầu tư dự đoán giảm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 9. Tuy nhiên, khả năng này đã giảm xuống gần 50-50 trong tuần này sau khi Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) cho thấy lạm phát tăng lên 2,7% trong tháng Sáu, từ 2,4% của tháng trước. Xu hướng giảm giá hàng hóa đang đảo chiều, làm gia tăng lạm phát tổng thể, cho thấy các doanh nghiệp có thể đã bắt đầu chuyển một phần chi phí thuế quan sang người tiêu dùng.
Ông Powell và các quan chức Fed khác cho biết họ dự đoán giá cả sẽ tăng nhanh hơn vào mùa hè. Họ ngần ngại cắt giảm lãi suất cho đến khi rõ ràng mức độ lạm phát, thời gian kéo dài và liệu nền kinh tế có chậm lại đủ để giảm áp lực giá cả hay không.
Các nhà hoạch định chính sách Fed sẽ nhận thêm hai tháng dữ liệu về việc làm và lạm phát trước cuộc họp tháng 9 và các nhà đầu tư - cũng như quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump - sẽ lắng nghe kỹ lưỡng cuộc họp báo sau họp của ông Powell vào ngày 30/7 để tìm dấu hiệu về khả năng cắt giảm lãi suất.
Trong những bình luận cuối cùng trước khi các nhà hoạch định bước vào giai đoạn "im lặng" trước cuộc họp, trọng tâm vẫn là lạm phát và cách mà mức tăng trong tháng 6 cho thấy giá cả tăng trên nhiều loại hàng hóa nhập khẩu.
Thống đốc Fed Adriana Kugler hôm thứ Năm cho rằng các vấn đề thương mại và thuế quan hiện là "yếu tố chính chi phối triển vọng kinh tế Mỹ". Bà nói thêm rằng với áp lực giá cả đang gia tăng, Fed cần giữ lãi suất ổn định "trong một thời gian" để kiềm chế lạm phát và tâm lý lạm phát.
"Tôi thấy áp lực lạm phát gia tăng từ các chính sách thương mại và tôi dự đoán giá cả sẽ tiếp tục tăng vào cuối năm nay", bà Kugler nói. Việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt hiện tại "là cần thiết để giữ kỳ vọng lạm phát dài hạn ổn định".
Thời điểm chuyển tiếp
Thống đốc Fed Christopher Waller, người được nhắc đến như một ứng viên thay thế ông Powell, lại không đồng ý trong phát biểu sau đó vào thứ Năm. Ông lặp lại lời kêu gọi cắt giảm lãi suất tại cuộc họp trong hai tuần tới, viện dẫn một nền kinh tế sắp chậm lại và khả năng tác động của thuế quan lên lạm phát sẽ không kéo dài.

Tổng thống Donald Trump muốn thay thế Chủ tịch Fed Jerome Powell.
"Với lạm phát gần mục tiêu và rủi ro lạm phát tăng cao bị hạn chế, chúng ta không nên đợi đến khi thị trường lao động xấu đi mới cắt giảm lãi suất", ông Waller nói trong bài phát biểu tại Money Marketeers của Đại học New York.
Fed đã sử dụng đợt tăng lãi suất nhanh chóng trong lịch sử vào năm 2022 để kiểm soát lạm phát tăng vọt sau đại dịch COVID-19. Đến mùa thu năm ngoái, các quan chức Fed đủ tự tin rằng lạm phát đang giảm về mục tiêu 2% để bắt đầu cắt giảm lãi suất, thực hiện ba lần cắt trong bốn tháng cuối năm.
Tổng thống Donald Trump đã biến việc chỉ trích lạm phát cao thành trọng tâm của chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, cam kết rằng giá cả sẽ giảm dưới sự lãnh đạo của ông, đồng thời hứa tăng thuế quan. Khi ông Trump nhậm chức, nền kinh tế vẫn tăng trưởng trên mức xu hướng và thị trường lao động vẫn căng thẳng. Các quan chức và nhân viên Fed lo ngại rằng, dù thuế quan về lý thuyết chỉ gây tác động một lần lên giá cả, nhưng trong điều kiện hiện tại kết hợp với lạm phát cao gần đây, vấn đề có thể kéo dài hơn.
Trọng tâm về thuế quan như nguồn gốc của lạm phát và lý do trì hoãn cắt giảm lãi suất đã khiến Tổng thống Donald Trump bất mãn với ông Powell. Dù vậy, các quan chức Fed tuần này cho rằng dữ liệu CPI tháng 6 giải thích tại sao họ lo ngại, với lạm phát vẫn trên mục tiêu và có thể tăng cao hơn.
Bà Kugler ước tính dữ liệu sắp tới sẽ cho thấy Chỉ số Giá Tiêu dùng Cá nhân (PCE) mà Fed sử dụng cho mục tiêu lạm phát tăng 2,5% trong tháng 6, trong khi chỉ số "lõi" (loại trừ thực phẩm và năng lượng) tăng 2,8%, cao hơn so với tháng 5.
"Chúng ta có thể đang ở một điểm chuyển tiếp về lạm phát", Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic nói với Fox Business một ngày sau khi công bố CPI. Gần một nửa số hàng hóa có mức tăng giá quy đổi hàng năm từ 5% trở lên, gấp đôi tỷ lệ vào tháng 1, theo tỷ lệ ông dùng để theo dõi mức độ lan rộng của lạm phát trong đại dịch.
"Con số chính thức đang đi xa mục tiêu của chúng ta, không tiến gần hơn… Chúng ta đang chứng kiến mức tăng giá lớn nhất trong năm. Có những dấu hiệu trong nền kinh tế cho thấy áp lực lạm phát đang tăng… Áp lực giá cả là có thật", Chủ tịch Fed Atlanta nói.
Trong dự báo kinh tế tháng 6, các quan chức Fed dự đoán lạm phát PCE sẽ đạt 3% vào cuối năm nay nhưng vẫn kỳ vọng có thể cắt giảm lãi suất nửa điểm phần trăm.
"Điều quan trọng là vẫn còn sớm để đánh giá tác động đầy đủ của thuế quan, vốn cần thời gian để phát huy hết hiệu lực. Dù dữ liệu hiện tại chỉ cho thấy tác động tương đối nhỏ của thuế quan, tôi kỳ vọng tác động này sẽ tăng trong vài tháng tới", Chủ tịch Fed New York John Williams nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận