Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Giao thông

Giao thông mở đường cho siêu đô thị TP.HCM bứt phá

Giao thông

Giao thông mở đường cho siêu đô thị TP.HCM bứt phá

12/07/2025, 18:17

Sau sáp nhập, TP.HCM đối mặt bài toán về giao thông để kết nối ba cực kinh tế. Các chuyên gia khẳng định, hệ thống hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là đường sắt đô thị và các tuyến cao tốc liên vùng sẽ là yếu tố then chốt tạo động lực phát triển đột phá.

Gỡ bỏ điểm nghẽn giao thông cũ

Từ ngày 1/7, TP.HCM chính thức sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, hình thành một siêu đô thị đặc biệt với quy mô gấp ba lần trước đây. Không gian đô thị được mở rộng, hệ thống hành chính bao phủ cả ba vùng kinh tế phát triển năng động nhất phía Nam (TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu). Dân số gia tăng nhanh chóng kéo theo nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, hành khách và kết nối logistics tăng theo cấp số nhân.

Giao thông mở đường cho siêu đô thị TP.HCM bứt phá- Ảnh 1.

Sơ đồ sáp nhập của TP.HCM và hai tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (Nguồn: TS.Phạm Trần Hải).

Tuy nhiên, quá trình sáp nhập cũng đặt ra áp lực lớn đối với hạ tầng giao thông và công tác quy hoạch đô thị. Trước đây, mỗi địa phương vận hành theo mô hình riêng, nên khi hợp nhất, việc quy hoạch tổng thể, thống nhất là điều tất yếu nhằm khắc phục những điểm nghẽn hạ tầng do sự chia cắt hành chính để lại. Bên cạnh đó, bài toán cấp thiết hiện nay là tái cấu trúc và nâng cấp toàn diện mạng lưới giao thông đô thị và liên vùng.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, việc hợp nhất đã mang lại nhiều lợi ích rõ rệt. Ông dẫn chứng dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 nối TP.HCM với tỉnh Bình Dương cũ: trước đây, đoạn qua Bình Dương đã cơ bản hoàn thiện, trong khi đoạn thuộc TP.HCM vẫn chưa thể triển khai do nhiều vướng mắc, khiến dự án không phát huy được hiệu quả đồng bộ.

"Ranh giới địa chính sẽ không còn là rào cản trong việc bổ sung vốn, điều chỉnh dự án hay phối hợp thi công như trước. Đây là điều kiện rất thuận lợi, một sự đột phá về cơ chế, giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông và huy động thêm nguồn lực mạnh mẽ cho phát triển thời gian tới", ông Phúc nói.

Giao thông mở đường cho siêu đô thị TP.HCM bứt phá- Ảnh 2.

Quốc lộ 13 quá tải, thường xuyên ùn ứ nhưng chưa được nâng cấp mở rộng (Ảnh: Mỹ Quỳnh).

Ông Phúc cũng cho biết, việc hợp nhất đang tạo điều kiện thuận lợi để TP.HCM đẩy nhanh triển khai các dự án huyết mạch như Vành đai 3, Vành đai 4. Đồng thời, hàng loạt dự án giao thông kết nối ba trung tâm hành chính của TP.HCM mới cũng đang được thúc đẩy nhanh tiến độ. Điển hình là tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, khởi công vào tháng 2/2025, dự kiến hoàn thành năm 2027, sẽ trực tiếp kết nối vùng lõi TP.HCM với trung tâm hành chính của Bình Dương, Đồng Nai và khu vực Tây Nguyên.

Ưu tiên đường sắt và cao tốc liên vùng

KTS Ngô Anh Vũ, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng TP.HCM, phân tích rằng khi không gian đô thị được mở rộng, dân số và GDP tăng mạnh thì việc số lượng dự án giao thông gia tăng là điều tất yếu.

Theo ông, toàn bộ các tuyến cao tốc, vành đai, đường sắt, đường thủy, đường hàng không... đều cần được mở rộng. Đặc biệt, khi diện tích đô thị tăng nhanh, hệ thống đường nội đô cũng buộc phải nâng cấp. Điều này dẫn đến áp lực lớn về vốn đầu tư, kỹ thuật và tiến độ triển khai. Tuy nhiên, điểm tích cực là trước khi sáp nhập, ba địa phương đã có sự chuẩn bị nhất định cho hạ tầng.

Giao thông mở đường cho siêu đô thị TP.HCM bứt phá- Ảnh 3.

Phát triển metro là ưu tiên hàng đầu để giải quyết bài toán giao thông tại siêu đô thị TP.HCM (Ảnh: Mỹ Quỳnh).

Hiện nay, nhiệm vụ cấp thiết của TP.HCM (mới) là rà soát và cân đối lại các kế hoạch phát triển, đồng thời ưu tiên triển khai những dự án quan trọng, mang tính cấp bách. Theo KTS Ngô Anh Vũ, quá trình này đòi hỏi phải điều chỉnh tư duy quy hoạch, tuy nhiên không nên xóa bỏ hoàn toàn để làm lại từ đầu, mà cần đánh giá, rà soát một cách khẩn trương nhằm tránh tạo ra khoảng trống pháp lý.

Ông Vũ nêu, với một siêu đô thị có quy mô dân số lên đến 14 triệu người, việc phát triển hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn, đặc biệt là metro, là yêu cầu hết sức cấp bách. TP.HCM hiện đã có quy hoạch và lộ trình phát triển metro rõ ràng, tương tự như Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Vì vậy, sau khi sáp nhập, TP.HCM mới cần đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu cho hệ thống metro.

"Hiện nay, phương tiện cá nhân không còn đáp ứng được nhu cầu lưu thông. Giải pháp phù hợp chính là đường sắt - một loại hình vận tải có lưu lượng lớn, tốc độ cao, kết nối hiệu quả với hệ thống đường bộ, thậm chí đi ngầm nên không bị ảnh hưởng bởi tình trạng kẹt xe," ông Vũ phân tích.

Bên cạnh metro, ông Vũ cũng cho rằng cần tập trung phát triển các tuyến cao tốc liên kết vùng. Bởi lẽ, không gian đô thị mở rộng đòi hỏi khả năng kết nối xa hơn, vươn ra ngoài địa giới hành chính TP.HCM mới, tạo lợi thế cạnh tranh với các khu vực khác trong và ngoài nước.

Giao thông mở đường cho siêu đô thị TP.HCM bứt phá- Ảnh 4.

Các dự án liên kết vùng sẽ đưa TP.HCM vươn cao hơn, đi xa hơn (Ảnh: Mỹ Quỳnh).

Liên quan đến giao thông nội đô, ông Vũ cho rằng chưa phải ưu tiên cấp thiết so với việc phát triển hệ thống metro và hạ tầng kết nối vùng. Theo ông, khi mạng lưới metro và các tuyến liên vùng được đầu tư đồng bộ, mật độ dân cư trong khu vực trung tâm sẽ dần giãn ra, kéo theo sự thay đổi trong thói quen đi lại, từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng. Khi đó, áp lực giao thông nội đô sẽ tự nhiên được giảm thiểu.

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nhận định việc hợp nhất ba địa phương gồm TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là bước ngoặt quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là TP.HCM mới.

Với vai trò tham mưu cho UBND và Thành ủy về quản lý hạ tầng giao thông, đô thị, Sở Xây dựng nhận thức rõ trách nhiệm cũng như những thách thức đặt ra trong quản lý đô thị, từ giao thông, trật tự xây dựng, môi trường đến các vấn đề tác động trực tiếp đến đời sống người dân và hoạt động doanh nghiệp.

Để đối mặt với những thách thức này, TP.HCM cần xây dựng hệ thống quản lý thông minh, hiện đại hơn, đồng thời tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ và giải pháp số. Hiện thành phố đang triển khai các hoạt động nghiên cứu, hợp tác phát triển đô thị cùng các trường đại học, chuyên gia và tổ chức khoa học. Sở Xây dựng cũng đã và đang đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật phục vụ điều hành giao thông đô thị.

Về dài hạn, Sở Xây dựng sẽ xây dựng lộ trình cụ thể nhằm nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ và sản phẩm mới trên toàn địa bàn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững TP.HCM mới.

"Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần được thực hiện bài bản, có kế hoạch rõ ràng và sự tham gia tích cực của các phòng, ban chuyên môn", ông Ngân nhấn mạnh.

Chủ tịch TP.HCM kiểm tra bộ máy hành chính sau sáp nhập tại Bình Dương cũChủ tịch TP.HCM kiểm tra bộ máy hành chính sau sáp nhập tại Bình Dương cũ

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cùng đoàn công tác kiểm tra tại phường Phú An (tỉnh Bình Dương cũ) về hoạt động bộ máy cấp phường mới, trong đó có hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.