Người dân đồng thuận dỡ nhà, bàn giao những mét mặt bằng cuối cùng của dự án 1.800 tỷ đồng. Video: Ngọc Hùng

Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) dài gần 40km, tổng vốn hơn 1.800 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành trong năm 2024, nhưng đến nay mới đạt gần 85% sản lượng thi công, chậm tiến độ do còn vướng 113m mặt bằng đầu tuyến.

Ông Đặng Thọ Dần, Trưởng phòng Điều hành dự án giao thông (Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Hiện dự án chỉ còn vướng 113m tại nút giao với đường Hồ Chí Minh chưa được giải tỏa. Đây là nút thắt cuối cùng gây chậm tiến độ và khiến người dân bức xúc do đi lại khó khăn.

Theo ông Dần, sau khi triển khai đồng bộ giữa chính quyền hai cấp, chủ đầu tư cùng UBND xã Cuôr Đăng và Trung tâm Phát triển quỹ đất đã nỗ lực đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận, tháo gỡ nút thắt cuối cùng của dự án.

“Toàn bộ nút giao dài 113m vướng 38 hộ dân, trong đó 33 hộ đã được phê duyệt phương án bồi thường. Chúng tôi đã vận động được 24 hộ nhận tiền và bàn giao mặt bằng, hiện còn 5 hộ chưa phê duyệt. Trong đó, hai hộ nằm trên tuyến chính, ba hộ ở vị trí mương thoát nước, hiện đang lập phương án giải tỏa", ông Dần cho biết.





Theo ghi nhận của phóng viên, ngay sau khi người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng, chủ đầu tư đã phối hợp nhà thầu hỗ trợ phương tiện, nhân công giúp di dời tài sản. Đồng thời, các hộ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ từ 5 - 20 triệu đồng để thuê nhà và tạm ổn định cuộc sống.

Ông Trần Xuân Định (xã Cuôr Đăng, Đắk Lắk) chia sẻ: “Gia đình tôi bị thu hồi 420m² đất cùng ngôi nhà hai tầng, được đền bù 4,8 tỷ đồng. Với mức này, chúng tôi không thể mua nổi 168m² đất tái định cư, chưa kể chi phí xây nhà mới để ổn định cuộc sống. Dù thiệt hại lớn, nhưng vì lợi ích chung, gia đình vẫn chấp nhận tháo dỡ nhà, bàn giao mặt bằng cho dự án”.

Ông Hoàng Viết Cát, Chủ tịch UBND xã Cuôr Đăng cho biết: “Sau khi chính quyền xã chính thức hoạt động theo mô hình hai cấp, UBND xã đã phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và Trung tâm Phát triển quỹ đất rà soát toàn bộ phương án bồi thường. Chúng tôi đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ trách nhiệm trong công tác giải phóng mặt bằng, từ đó đồng thuận bàn giao cho thi công”.

Ông Cát nhấn mạnh: “Đến nay, phần lớn người dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ còn vướng mắc về quyền lợi. UBND xã sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đơn vị bồi thường và chủ đầu tư để từng bước tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân và sớm hoàn tất bàn giao toàn bộ mặt bằng”.

Ông Dần cho biết: “Với các hộ còn lại, tuần tới Ban sẽ phối hợp lập và phê duyệt phương án bồi thường. Nếu người dân chưa đồng thuận, họ có quyền tiếp tục kiến nghị. Chủ đầu tư sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền theo đúng quy định. Trường hợp vẫn không thống nhất, sẽ tiến hành cưỡng chế để đảm bảo tiến độ thi công".

“Hiện đơn vị thi công đã tập kết đầy đủ vật liệu, thiết bị. Sau khi hoàn tất di dời, nếu thời tiết thuận lợi, chúng tôi cam kết chỉ đạo nhà thầu thi công liên tục ngày đêm, hoàn thành trong vòng một đến 1,5 tháng. Dự án sẽ được xử lý dứt điểm, không để tiếp tục kéo dài như trước", Trưởng Phòng Điều hành dự án giao thông khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận