Phát triển đô thị hai bên sông Hồng
Thưa ông, trong quy hoạch Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2024, vị trí, vai trò của sông Hồng được xác định như thế nào?
Trong quy hoạch Thủ đô, sông Hồng được xác định là trục cảnh quan trung tâm, trục động lực phát triển công nghiệp văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch và là không gian xanh của Hà Nội.

GS.TS Hoàng Văn Cường thảo luận tại nghị trường Quốc hội về quy hoạch Thủ đô, hồi tháng 6/2024.
Hà Nội được định hướng phát triển hai bên sông Hồng, phía Nam sông Hồng gắn với khu phố cổ, phố cũ, sẽ hình thành "con đường di sản". Ở đây bố trí không gian để có thể tổ chức các hoạt động thương mại dịch vụ, văn hóa, du lịch, giải trí, lễ hội nhằm thu hút du khách.
Các không gian này "kể" câu chuyện văn hóa, lịch sử hào hùng của Hà Nội như 60 ngày đêm "Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh"; tái hiện văn hóa, lịch sử hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Khách du lịch đi dạo dọc tuyến đường di sản ven sông sẽ được hòa mình vào trong không gian văn hóa, lịch sử và sử dụng các dịch vụ ăn uống, vui chơi, mua sắm đồ lưu niệm...
Việt Nam có nhiều lễ hội. Nếu mỗi địa phương, mỗi năm một lần tổ chức lễ hội quảng bá về văn hóa, lịch sử tại Thủ đô Hà Nội thì tuần nào trên "con đường di sản" bên sông Hồng cũng đều có lễ hội. Khi đó, sông Hồng - không gian phát triển công nghiệp văn hóa, kết nối với khu vực phố cổ sẽ trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch và phát triển kinh tế ban đêm.
Các khu vực bãi Nhật Tân, Tứ Liên… quy hoạch thành khu vực nông nghiệp cảnh quan, sinh thái, duy trì trồng quất, trồng đào… là những sản phẩm truyền thống, đặc trưng của Hà Nội.
Phía Bắc sông Hồng, có thể bố trí không gian cho các tỉnh, thành trong cả nước tái hiện không gian văn hóa, thắng cảnh đặc trưng, đặc sắc của mỗi địa phương như cột cờ Lũng Cú của Hà Giang; vịnh Hạ Long của Quảng Ninh; động Phong Nha - Kẻ Bàng của Quảng Bình…
Khi du khách đi dọc ven sông Hồng có thể thưởng ngoạn tất cả những danh lam, thắng cảnh, giống như đi dạo qua đất nước Việt Nam thu nhỏ. Bị cuốn hút, thôi thúc, du khách có thể tìm đến các thắng cảnh đó trên thực tế để du lịch, trải nghiệm.
Mô hình phát triển các hoạt động kinh tế, du lịch, dịch vụ đô thị hai bên sông này giống nhiều nước trên thế giới, khi có sông chảy qua thành phố. Quy hoạch Thủ đô xác định rõ Hà Nội phải "quay mặt ra sông", đô thị hướng phát triển dọc hai bên sông Hồng. Để hiện thực hóa chủ trương này, phải triển khai quy hoạch sông Hồng đảm bảo cân bằng những yếu tố về tự nhiên…

Nước sông Hồng lên cao vào mùa lũ.
Xây dựng đập thông minh ở lưu vực sông Hồng
Thưa ông, lâu nay Hà Nội vẫn luôn mong muốn chỉnh trị sông Hồng. Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn nhất là lưu lượng nước sông Hồng chênh lệch lớn giữa mùa cạn và mùa lũ. Vấn đề này được đề cập trong quy hoạch Thủ đô như thế nào?
Vào mùa khô, mực nước sông Hồng xuống rất thấp. Hằng năm, nhà máy thủy điện Hòa Bình phải xả hàng tỷ mét khối nước phục vụ tưới tiêu vùng hạ lưu. Cách xả nước cứu hạn này khiến một lượng nước lớn bị trôi ra biển. Để rồi, vào cuối mùa khô, thủy điện Hòa Bình thiếu nước phát điện. Điều này gây lãng phí tài nguyên nước rất lớn.
Nếu mùa khô cạn trơ cả đáy thì ngược lại, vào mùa lũ, nước sông Hồng lên rất cao. Trong quy hoạch Thủ đô đề nghị khởi động phương án xây dựng hai đập thông minh trên lưu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội như quy hoạch Thủy lợi đã dự kiến tại Long Tửu và Xuân Quang. Đập này có thể dùng sức nước tự động dựng thanh chắn đập lên và hạ xuống khi cần thiết.
Vào mùa cạn này, đập thông minh sẽ dựng thanh chắn lên. Lúc này, khu vực sông Hồng chảy qua Hà Nội sẽ trở thành một hồ nước chảy lưu thông qua đập tràn và phải xây dựng âu thuyền để nâng, hạ phương tiện vận tải thủy qua lại. Nước vận hành thủy điện Hòa Bình sẽ được giữ lại trong "lòng hồ nhân tạo trên sông".
Khi nước "lòng hồ" dâng cao sẽ tự động chảy tràn vào hệ thống sông, kênh hai bên sông Hồng như hệ thống Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy… vừa tạo dòng chảy, làm sống lại các dòng sông, kênh này, vừa cung cấp đủ nước tưới tiêu cho vùng hạ lưu. Thủy điện Hòa Bình không còn phải xả nước lãng phí như bao lâu nay nữa.
Mùa lũ thì đập thông minh hạ xuống, để nước lũ thoát tự nhiên. Phương án đập thông minh được tính toán trong quy hoạch thủy lợi và đã được tích hợp vào quy hoạch Thủ đô.
Nếu làm được như quy hoạch thì lưu lượng nước sông Hồng giữa mùa cạn và mùa lũ gần như không thay đổi. Sông Hồng có mặt nước, cảnh quan ổn định, phục vụ hiệu quả việc phát triển thương mại dịch vụ, du lịch hai bên sông.

Bãi sông Hồng mùa cạn là địa điểm vui chơi của những người yêu thích thiên nhiên.
Thưa ông, việc khai thác bãi nổi do phù sa bồi đắp nhiều năm, nằm giữa sông Hồng, trên địa bàn các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên, lên tới hơn 300ha, được đề cập trong quy hoạch Thủ đô như thế nào?
Quy hoạch Thủ đô không định hướng hoạt động xây dựng trên bãi nổi sông Hồng. Đây là một bãi bồi tự nhiên, là một không gian cảnh quan xanh, được quy hoạch để phát triển các hoạt động du lịch, dịch vụ, thể thao ngoài trời, phục vụ mọi người dân và khách du lịch. Mùa nước lũ lên, khu vực này trở thành đảo, do vậy không nên xây dựng bất cứ công trình gì trên các bãi nổi, tránh cản trở thoát lũ, vừa làm mất không gian cảnh quan.
Khai thác hiệu quả quỹ đất được hình thành bởi hệ thống đê mới
Luật Thủ đô cho phép xây dựng các tuyến đê mới dọc theo hành lang thoát lũ để khai thác hiệu quả quỹ đất xây dựng. Nội dung này được đề cập trong quy hoạch Thủ đô như thế nào, thưa ông?
Khi xây dựng đập thông minh giữ nước, chúng ta sẽ biết được sông Hồng cần duy trì không gian nào là không gian dòng chảy thường xuyên, không gian nào là không gian thoát lũ khi vào mùa mưa lũ.
Dòng chảy thường xuyên phải là không gian thông suốt cả về bề mặt và chiều sâu, bị vướng chỗ nào, phải khai thông chỗ đấy. Không gian thoát lũ được sử dụng mặt bãi vào mùa cạn và không gian trên cao vào mùa lũ với các hình thức "cầu cạn", để không gian mặt bãi thành dòng chảy thoát lũ.
Tôi cho rằng, hiện nay ở nhiều chỗ, sông Hồng bị thắt lại. Hai bên sông, người dân sinh sống và xây dựng công trình san sát. Do vậy, cần phải triển khai khảo sát, quy hoạch để biết những khu vực này có cản trở dòng chảy hay không…?
Ngược lại, có những chỗ dòng chảy sông Hồng rộng mênh mông, có thể tới 5 - 7 cây số. Hai bên sông là những quỹ đất rất lớn, đang đóng vai trò như một vùng dự trữ để chứa nước vào mưa lũ (do phía dưới dòng chảy bị thắt lại, không chảy kịp, dồn nước dâng cao).
Luật Thủ đô cho phép xây dựng các tuyến đê mới dọc theo hành lang thoát lũ để khai thác hiệu quả quỹ đất xây dựng. Trong khu vực hành lang thoát lũ được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ được duyệt.
Tôi nhấn mạnh là việc điều chỉnh đê chỉ được nghiên cứu ở một số khu vực mà hai bên đê cũ rất rộng, bãi đất lớn chỉ đóng vai trò như nơi chứa nước vào mùa lũ, không ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ, chứ không phải tất cả các khu vực hai bên sông đều được điều chỉnh và hình thành đê mới.

Theo quy hoạch Thủ đô, không xây dựng bất cứ công trình gì trên bãi nổi sông Hồng, tránh cản trở thoát lũ.
Vậy những quỹ đất có được sau khi hình thành bởi đê mới, sẽ được định hướng khai thác sử dụng như thế nào, thưa ông?
Những khu vực đất hình thành khi có đê mới sẽ được chủ động quy hoạch phát triển đô thị. Theo đó, những khu đẹp nhất như ven sông, sát mặt nước được ưu tiên cho phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa, thể thao… để nhiều người được tiếp cận, hưởng thụ.
Còn những khu vực rất sâu, không nằm cạnh sông, không thuận lợi để phát triển thương mại, dịch vụ thì mới xem xét quy hoạch phát triển khu đô thị, nhà ở.
Quy hoạch Thủ đô chỉ có vai trò định hướng như thế. Quy hoạch chung Thủ đô xác định những không gian, ranh giới cho từng không gian cụ thể hơn. Quy hoạch phân khu sẽ xác định cụ thể hơn về mốc giới cho từng chức năng để có thể nghiên cứu triển khai các dự án đầu tư.
Quy hoạch phân khu sẽ xác định chính xác chức năng từng khu vực phát triển đô thị; Xác định phát triển đô thị cách mặt nước như thế nào? Khu vực nào cần chuyển đổi từ nhà ở hiện hữu thành không gian thương mại, dịch vụ, văn hóa, du lịch? Khu vực nào tiếp tục phát triển nông nghiệp sinh thái?
Quy hoạch phân khu sông Hồng đã được phê duyệt năm 2022, trước khi quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô được thông qua. Do vậy, những nội dung nào xác định trong quy hoạch phân khu sông Hồng chưa phù hợp với quy hoạch Thủ đô; Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô phải điều chỉnh ngay, phải đưa vào trong kế hoạch thực hiện quy hoạch Thủ đô.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận