Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Quản lý đô thị

Hà Nội đẩy nhanh cấm xe máy xăng ở nội đô, kỳ vọng thay đổi chất lượng không khí

Hà Nội đẩy nhanh cấm xe máy xăng ở nội đô, kỳ vọng thay đổi chất lượng không khí

18/07/2025, 18:02

"Các nghiên cứu thống kê đã chỉ rõ rằng xe máy là nguồn phát thải chính tại đô thị" đây là phát biểu được ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến do UBND TP Hà Nội tổ chức vào sáng nay (18/7).

Xe máy là nguồn phát thải chính trong đô thị

Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh", ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố hiện có khoảng 6,9 triệu xe máy và gần 1,5 triệu xe máy từ các tỉnh khác thường xuyên lưu thông. Trong đó, 70% là xe cũ. Mô tô, xe máy chiếm đến 95% tổng lượng phương tiện cơ giới.

Hà Nội đẩy nhanh cấm xe máy xăng ở nội đô, kỳ vọng thay đổi chất lượng không khí- Ảnh 1.

Vành đai 1 sẽ cấm xe máy xăng vào năm 2026. Ảnh minh hoạ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy xe máy là nguồn phát thải chính trong đô thị, chiếm tới 94% lượng hydrocarbon (HC), 87% khí CO, 57% NOx và 33% bụi mịn PM10 từ hoạt động giao thông. Theo tính toán của Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, mỗi năm xe máy phát thải khoảng 470.000 tấn CO và 38.000 tấn HC, tương đương khối lượng của hàng chục nghìn xe buýt lớn.

Ông Long đánh giá, việc sử dụng hàng triệu xe máy cũ không chỉ gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Đây là cơ sở quan trọng để Hà Nội thúc đẩy chính sách vùng phát thải thấp, tiến tới chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh. Việc thay thế xe cũ bằng xe điện hoặc xe đạt chuẩn có thể giúp giảm 35-40% lượng khí CO và HC, đồng thời cải thiện chất lượng không khí và tiết kiệm năng lượng.

Ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Tài chính - Đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Nghị quyết 04/2017 của HĐND TP là văn bản nền tảng, định hướng dài hạn cho chiến lược phát triển giao thông bền vững. Ngay sau đó, UBND TP ban hành Kế hoạch 212 với 45 nhóm nhiệm vụ tổng thể, hướng đến mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030.

Các nhiệm vụ trọng tâm gồm: phát triển hạ tầng giao thông; tăng cường vận tải công cộng; ứng dụng công nghệ quản lý điều hành giao thông; chuyển đổi phương tiện sang năng lượng sạch; và hoàn thiện thể chế.

Theo ông Thành, sau gần 8 năm triển khai, nhiều chỉ tiêu đã đạt kết quả rõ nét. Tỷ lệ đất dành cho giao thông tăng từ 9,08% (năm 2017) lên 12,15%; số tuyến buýt tăng từ 109 lên 154, cùng hai tuyến đường sắt đô thị được đưa vào vận hành. Hiện có 26 tuyến buýt sử dụng năng lượng sạch, trong khi năm 2017 chưa có tuyến nào. Gần 8.000 trong tổng số 19.000 xe taxi tại Hà Nội đã chuyển sang chạy điện, đạt tỷ lệ gần 50%.

Cùng với đó, Hà Nội đã đưa vào sử dụng gần 600 cụm camera AI (mắt thần) để điều hành giao thông và vận hành trung tâm điều hành giao thông TOC. Đề án giao thông thông minh và quy hoạch lại mạng lưới xe buýt cũng đã được thành phố phê duyệt.

Cần sự đồng hành của người dân và doanh nghiệp

Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đào Việt Long nhấn mạnh, để triển khai việc cấm xe máy xăng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ba bên: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đây là các yếu tố then chốt quyết định sự thành công của chính sách.

Theo ông Long, Sở Xây dựng đã làm việc với nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, trong đó gần đây Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với Hiệp hội Mô tô, Xe gắn máy Việt Nam. Hiệp hội bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương chuyển đổi phương tiện của thành phố.

Các doanh nghiệp cũng được kêu gọi đồng hành bằng nhiều chính sách riêng như thu mua xe cũ, hỗ trợ lệ phí trước bạ, trợ giá mua xe mới, hoặc hỗ trợ dài hạn về bảo trì, thay pin… Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục lấy ý kiến và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng các chính sách phù hợp với từng giai đoạn thực hiện.

Về kỳ vọng chuyển đổi xanh, ông Long cho biết mục tiêu hàng đầu là giải quyết vấn đề môi trường, đồng thời hướng tới phát triển đô thị bền vững, phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội. Thành phố cũng đang tính đến việc chuyển đổi năng lượng cho các loại phương tiện khác như xe bưu chính, xe thu gom rác, với kế hoạch đưa vào sử dụng xe điện trong thời gian tới.

"Với quyết tâm cao, chúng tôi sẽ đưa ra các giải pháp linh hoạt, sát thực tế và phù hợp, để nhận được sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp. Mong muốn lớn nhất là tiếp tục được lắng nghe và đồng hành cùng cộng đồng", ông Long nói.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, ông Nguyễn Anh Quân cũng khẳng định, Chỉ thị 20 của Thủ tướng về giảm phát thải từ giao thông là chỉ đạo kịp thời, cấp thiết. Ngay sau khi tiếp thu chỉ thị, thành phố đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể, với tiêu chí, giải pháp và lộ trình rõ ràng. Dự thảo này đã hoàn thiện về cơ bản và dự kiến sẽ trình UBND thành phố trước ngày 25/7.

"Chủ tịch UBND TP và các lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao để bảo đảm chính sách phù hợp, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi tin rằng với sự đồng thuận này, Hà Nội sẽ đạt mục tiêu Thủ tướng giao là đến 1/7/2026, trong khu vực Vành đai 1 sẽ không còn xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông", ông Quân nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.