Theo Sở Xây dựng Hà Nội, bão số 3 kèm theo mưa lớn đã gây thiệt hại đáng kể về hạ tầng đô thị trên địa bàn. Cụ thể, toàn thành phố ghi nhận 228 cây xanh bị gãy, đổ, trong đó có 118 cây đổ và 110 cành gãy. Tính đến sáng 23/7, các đơn vị đã xử lý được 39/118 cây đổ và 42/110 cành gãy.

Nhiều cây gãy đổ ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân (Ảnh minh họa).
Hệ thống chiếu sáng công cộng cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, với 407 sự cố được ghi nhận, bao gồm: 46 cột đèn bị gãy, nghiêng, đổ; 114 đèn rơi, vỡ; 17 sự cố đứt cáp cấp nguồn; 87 sự cố chạm chập gây mất điện và 143 sự cố nhỏ lẻ khác.
Ngoài ra, ngành xây dựng cũng đã xử lý 43 sự cố về hạ tầng giao thông, chủ yếu là các hư hỏng nhỏ như trụ đảo mũi tên xô lệch, biển báo nghiêng, hàng rào dải phân cách bị đổ...
Đáng lo ngại, tại huyện Quốc Oai đã xuất hiện hai sự cố đê điều nghiêm trọng. Tại xã Đa Phúc, tuyến đê Hữu Cầu đoạn từ K25+630 đến K25+680 xuất hiện vết nứt dọc mặt đê dài 20m, rộng trung bình khoảng 2cm; mái đê phía hạ lưu bị lún 30cm với chiều dài khoảng 80m, có xu hướng tiếp tục phát triển.
Tại xã Phúc Lộc, tuyến đê Hữu Hồng ghi nhận tổng chiều dài vết nứt dọc lên tới 631m, độ rộng từ 0,1-5,0cm, độ lún từ 0,1-5,0cm, chiều sâu khe nứt đến 8,0cm, hiện trạng mặt đê ở cao trình +17,5m. Các dấu hiệu cho thấy sự cố có xu hướng lan rộng nếu không được xử lý kịp thời.
Sở Xây dựng cho biết, đến trưa 23/7, các sự cố về cây xanh và hệ thống chiếu sáng đã cơ bản được khắc phục. Riêng hai sự cố đê điều tại xã Đa Phúc và xã Phúc Lộc đã được xử lý bước đầu; chính quyền địa phương đang tổ chức cấm phương tiện qua khu vực sự cố và thông báo rộng rãi cho người dân để phòng tránh rủi ro.
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, hiện đang là cao điểm mùa mưa, bão, lũ năm 2025, thời tiết còn diễn biến bất thường, nước trên các triền sông đang lên. Các sở, ngành và địa phương được yêu cầu tiếp tục chủ động phòng, chống và ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các công điện, chỉ đạo của Trung ương và thành phố, các địa phương phải duy trì chế độ trực ban nghiêm túc, theo dõi sát tình hình thời tiết, thiên tai; chủ động triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại sau thiên tai.
Ban Chỉ huy cũng đề nghị tăng cường kiểm tra, tuần tra, canh gác, bảo vệ hệ thống đê điều, hồ đập, nhất là tại các vị trí sát sông, có dấu hiệu sạt lở, công trình đang thi công dang dở hoặc chưa được xử lý triệt để. Mục tiêu là phát hiện sớm và xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu, bảo đảm an toàn công trình và tính mạng người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận