Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Đường bộ

Hạ tầng giao thông hiện đại thúc đẩy phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

26/07/2025, 12:49

Khi các tuyến cao tốc trọng điểm của ĐBSCL hoàn thành sẽ nối liền TP.HCM đến Cà Mau, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các tỉnh, mở ra không gian phát triển mới, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa, đặc biệt là nông sản.

Tháo gỡ điểm nghẽn giao thông trong vùng

Theo quy hoạch, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ hình thành sáu tuyến đường bộ cao tốc gồm ba tuyến trục dọc và ba tuyến trục ngang.

Hạ tầng giao thông hiện đại thúc đẩy phát triển Đồng bằng sông Cửu Long- Ảnh 1.

Những công trình giao thông quan trọng sẽ hình thành mạng lưới cao tốc và quốc lộ được nâng cấp tạo nên "đường cao tốc nông sản" cho cả vùng. Trong ảnh: Cầu Mỹ Thuận 2 kết nối cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Đến năm 2026, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác bốn tuyến cao tốc quan trọng như: cao tốc Cần Thơ – Cà Mau kết nối với cao tốc Cần Thơ - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Trung Lương, Trung Lương - TP.HCM tạo thành một tuyến cao tốc liền mạch từ TP.HCM đến Cà Mau. 

Cao tốc Cao Lãnh – Lộ Tẻ - Rạch Sỏi kết nối từ phường Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đến phường Rạch Giá – trung tâm hành chính của tỉnh An Giang mới. Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và cao tốc An Hữu – Cao Lãnh.

Với sự đầu tư mạnh mẽ cho kết cấu hạ tầng giao thông, các nút thắt điểm nghẽn về giao thông của vùng ĐBSCL sẽ từng bước được tháo gỡ, việc đi lại của người dân cũng thuận lợi, dễ dàng hơn, nhất là rút ngắn thời gian di chuyển từ tỉnh này đến tỉnh khác sau sáp nhập các tỉnh, thành phố.

Anh Dương Trần Duy nhà ở phường Long Xuyên, tỉnh An Giang, tài xế xe dịch vụ thường xuyên chở khách từ các phường ở khu vực TP Long Xuyên cũ đến Rạch Giá – trung tâm hành chính tỉnh An Giang sau sáp nhập hai tỉnh An Giang và Kiên Giang.

Hạ tầng giao thông hiện đại thúc đẩy phát triển Đồng bằng sông Cửu Long- Ảnh 2.

Khi các tuyến cao tốc trọng điểm của ĐBSCL hoàn thành kết nối liền từ TP.HCM đến Cà Mau, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các tỉnh, mở ra không gian phát triển mới. Trong ảnh: Nút giao điểm đầu cao tốc Mỹ Thuân – Cần Thơ, thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long.

Trước đây, tuyến đường anh thường lựa chọn di chuyển là quốc lộ 80 nhưng đường khá hẹp, lưu lượng phương tiện rất đông nên dẫu chỉ khoảng hơn 70km nhưng thường mất khoảng 2,5 giờ lái ô tô.

"Bây giờ tôi thường chọn tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi để di chuyển, rút ngắn thời gian được gần một tiếng đồng hồ. 

Mặc dù hiện nay tuyến đường này đang trong giai đoạn sửa chữa, nâng cấp, còn nhiều mố cầu chưa láng nhựa nhưng những đoạn đã thảm xong nhựa mới đi rất êm, tốc độ 80km/h. 

Tuyến đường này sau khi hoàn thành nâng cấp sẽ rút ngắn thời gian từ Long Xuyên đến Rạch Giá và là một trong những lựa chọn ưu tiên của các lái xe", anh Duy chia sẻ.

Còn anh Trần Thanh Nam chuyên lái xe tải vận chuyển hàng hoá từ TP Cần Thơ đến chợ đầu mối trái cây Mỹ Hiệp, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cũ. 

Anh Nam cho biết, từ khi có cao tốc Cần Thơ – Mỹ Thuận anh luôn lựa chọn cung đường này và chỉ mất khoảng 20 phút là đi hết địa phận tỉnh Vĩnh Long, kết nối với cầu Mỹ Thuận 2, sau đó ra quốc lộ 30 di chuyển tiếp.

"Quốc lộ 30 đoạn từ An Thái Trung đến chợ đầu mối trái cây Mỹ Hiệp còn khá hẹp, mặt đường không tốt nên di chuyển tốn nhiều thời gian. 

Tuy nhiên, cuối năm nay thông xe cao tốc thành phần 1 An Hữu – Cao Lãnh thì sẽ chia sẽ áp lực phương tiện với quốc lộ 30, kết nối với phường Cao Lãnh và các địa phương lân cận của tỉnh Đồng Tháp mới dễ dàng, nhanh chóng hơn", anh Nam nói.

Hạ tầng giao thông hiện đại thúc đẩy phát triển Đồng bằng sông Cửu Long- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Hoà – Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, với vị trí trung tâm vùng nên trong quy hoạch 6 tuyến cao tốc đường bộ của vùng ĐBSCL thì có đến 5 tuyến đi qua địa bàn TP Cần Thơ, là cơ hội rất lớn, là động lực then chốt để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Còn TS Trần Hữu Hiệp – chuyên gia kinh tế tại ĐBSCL đánh giá: "Những công trình giao thông quan trọng sẽ hình thành mạng lưới cao tốc và quốc lộ được nâng cấp tạo nên "đường cao tốc nông sản" cho cả vùng. 

Trước hết, vận tải nội vùng sẽ linh hoạt, chủ động hơn nhờ tuyến cao tốc trục ngang chạy qua "lục tỉnh mới" góp phần giải tỏa ách tắc cục bộ, giảm gánh nặng cho quốc lộ 1".

Mở ra không gian phát triển mới

Theo TS Trần Hữu Hiệp, ĐBSCL là vùng nông nghiệp, thủy sản quan trọng nhất của quốc gia, nhưng điểm yếu lớn nhất trong phát triển vùng là cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém.

Thời gian qua, Trung ương và các địa phương đã quan tâm đầu tư, bước đầu thay đổi diện mạo giao thông vùng với nhiều công trình trọng điểm: trục dọc, đường ngang, cầu vượt sông lớn, đường ven biển phía Đông, phía Tây, các cảng biển, cảng sông, sân bay quốc tế Phú Quốc, Cần Thơ, sân bay Rạch Giá, Cà Mau được nâng cấp, kết nối các đường bay.

Việc hoàn thiện dải cao tốc trục dọc từ TP.HCM đến Cà Mau, cùng loạt tuyến ngang như Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, An Hữu – Cao Lãnh, Cao Lãnh – Lộ Tẻ, Lộ Tẻ – Rạch Sỏi… đã, đang và sẽ mở ra không gian phát triển, tạo động lực phát triển toàn vùng.

Hạ tầng giao thông hiện đại thúc đẩy phát triển Đồng bằng sông Cửu Long- Ảnh 4.

Những công trình giao thông quan trọng sẽ hình thành mạng lưới cao tốc và quốc lộ được nâng cấp tạo nên "đường cao tốc nông sản" cho cả vùng.

Hạ tầng hoàn chỉnh sẽ giảm mạnh chi phí logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển nông, thủy sản từ vườn, ruộng tới cảng biển, khu công nghiệp; nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản ĐBSCL. 

Kết nối liên tỉnh, liên vùng tạo điều kiện thu hút vốn FDI vào các cụm công nghiệp, chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái; giải phóng tiềm năng của các trung tâm như Cần Thơ, An Giang, Cà Mau…

"Giao thông thông suốt góp phần hình thành bốn "hành lang phát triển" – dọc sông Tiền, sông Hậu, ven biển Đông và biên giới Tây Nam, từ đó hình thành "tứ giác tăng trưởng" thúc đẩy liên kết vùng. 

Đây chính là cơ hội vàng để chuyển đổi ĐBSCL thành cực tăng trưởng mới, bền vững và hội nhập sâu rộng hơn", TS Trần Hữu Hiệp nói.

Ông Nguyễn Văn Hoà, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, với vị trí trung tâm vùng nên trong quy hoạch 6 tuyến cao tốc đường bộ của vùng ĐBSCL thì có đến năm tuyến đi qua địa bàn TP Cần Thơ (trừ tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh không đi qua nhưng TP Cần Thơ nằm trong vùng bán kính phục vụ của dự án). 

Đây là cơ hội rất lớn, là động lực then chốt để phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, đặc biệt là TP Cần Thơ.

"Hạ tầng giao thông hoàn chỉnh sẽ gắn kết chặt chẽ liên kết vùng, thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực; tạo điều kiện hình thành và phát triển các trung tâm logistics, các khu, cụm công nghiệp tập trung quy mô lớn. 

Từ đó góp phần phát triển kinh tế của TP Cần Thơ nói riêng, vùng ĐBSCL và cả nước trong thời gian tới", ông Nguyễn Văn Hoà khẳng định.


Hạ tầng giao thông hiện đại thúc đẩy phát triển Đồng bằng sông Cửu Long- Ảnh 5.

TS Trần Hữu Hiệp - Chuyên gia kinh tế tại ĐBSCL.

Theo TS Trần Hữu Hiệp, khi các tuyến cao tốc hoàn thiện và đưa vào khai thác còn thúc đẩy giao thương quốc tế, hàng hóa xuất khẩu nông sản, trái cây, thủy sản ĐBSCL sẽ nhanh chóng tiếp cận thị trường ASEAN, Trung Quốc, rồi sang châu Âu, Mỹ qua cảng biển sâu. Đồng thời đón dòng vốn đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu, khu chế xuất, vùng kinh tế biên giới.

Nhờ vậy, ĐBSCL không chỉ là trung tâm lương thực – thủy sản mà còn trở thành "cửa ngõ ASEAN" về logistics, góp phần cân bằng phát triển, giảm áp lực lên hạ tầng đô thị lớn, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.