"Kiềng ba chân" vững chắc
Trong nhiều thập kỷ, Việt Nam đã khẳng định vị thế là một trung tâm sản xuất quan trọng của thế giới. Những container hàng hóa mang nhãn "Made in Vietnam" vẫn đều đặn rời cảng, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu hàng trăm tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, sân chơi toàn cầu đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Phương thức giao thương B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) truyền thống tuy vẫn là trụ cột nhưng đã không còn là con đường duy nhất. Một "xa lộ" mới, năng động và trực tiếp hơn đã hình thành - đó chính là thương mại điện tử xuyên biên giới.

Hành trình đưa hàng Việt vươn ra biển lớn vẫn còn nhiều chông gai, đòi hỏi sự bền bỉ, trí tuệ và một tinh thần không ngừng học hỏi.
Vậy, đâu là công thức để một doanh nghiệp Việt, dù lớn hay nhỏ, có thể đứng vững và thành công trên "xa lộ" này?
Chia sẻ tại Hội nghị bứt phá xuất khẩu 2025 thương hiệu Việt cất cánh toàn cầu vừa tổ chức, ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc của Amazon Global Selling Việt Nam, gợi ý mô hình "kiềng ba chân".
"Thành công của một nhà bán hàng trên Amazon được quyết định bởi ba yếu tố cốt lõi: Thấu hiểu khách hàng, phát triển sản phẩm, và xây dựng thương hiệu. Thiếu một trong ba chân, chiếc kiềng sẽ không thể đứng vững", ông Toàn nói.
Cụ thể, theo ông Toàn, chân kiềng thứ nhất đó là thấu hiểu khách hàng. Đây là bước đi đầu tiên và mang tính quyết định. Doanh nghiệp không thể mang nguyên xi một sản phẩm thành công ở thị trường nội địa để bán ra thế giới. Cần phải nghiên cứu sâu sắc về thị hiếu, văn hóa tiêu dùng, các quy định và xu hướng của thị trường mục tiêu.
"Khách hàng Mỹ cần gì? Người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng mẫu mã nào? Amazon cung cấp các công cụ dữ liệu để giúp doanh nghiệp trả lời những câu hỏi này, biến phỏng đoán thành những quyết định dựa trên số liệu", ông Toàn giải thích.
Chân kiềng thứ hai đó là phát triển sản phẩm. Từ sự thấu hiểu khách hàng, doanh nghiệp phải liên tục cải tiến, "may đo" sản phẩm của mình cho phù hợp. Đó có thể là thay đổi bao bì, điều chỉnh hương vị, hoặc thậm chí là tạo ra một dòng sản phẩm hoàn toàn mới. Đây là quá trình biến một sản phẩm tốt thành một sản phẩm được khao khát.
Chân kiềng thứ ba: Xây dựng thương hiệu. Đây là yếu tố tạo nên sự khác biệt bền vững. Trong một "đại dương" sản phẩm, thương hiệu chính là ngọn hải đăng giúp khách hàng nhận ra bạn. Một thương hiệu mạnh không chỉ bán sản phẩm, nó bán một câu chuyện, một giá trị, một niềm tin.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - ngành kinh tế xương sống với kim ngạch xuất khẩu gần 44 tỷ USD, cho rằng: Sức mạnh ở sự linh hoạt, nhưng thách thức nằm ở khả năng tiếp cận vốn, thị trường và đặc biệt là năng lực xây dựng thương hiệu. Do vậy, thương mại điện tử chính là đòn bẩy quan trọng để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể trực tiếp tiếp cận người tiêu dùng cuối cùng, vượt qua các khâu trung gian và tự mình kể câu chuyện về sản phẩm.
"Đây không chỉ là một kênh bán hàng, mà là một cuộc cách mạng về tư duy kinh doanh, phù hợp với chủ trương chuyển đổi số quốc gia", ông Cẩm nhấn mạnh.
Không chỉ bán hàng, mà còn kể chuyện
Ông Trần Lam Sơn, nhà sáng lập thương hiệu Green Mê Kông, đã mang đến một câu chuyện đầy cảm hứng. Xuất thân từ một người nông dân theo học ngành trồng trọt, ông Sơn đã có hơn 20 năm kinh nghiệm xuất khẩu gỗ theo mô hình B2B. Nhưng ông nhận ra rằng, giá trị lớn nhất nằm ở việc xây dựng một thương hiệu của riêng mình. Green Mê Kông ra đời không chỉ để bán đồ gỗ, mà để kể câu chuyện về rừng trồng Việt Nam, về cây keo, cây tràm, về trách nhiệm với môi trường và xã hội.
"Điểm mạnh của chúng ta là tỷ lệ nội địa hóa lên tới 80-90%. Nhưng thách thức lớn nhất là logistics. Làm sao để đưa một món đồ gỗ cồng kềnh đến tận tay người tiêu dùng ở Mỹ với chi phí hợp lý? Đó là bài toán chúng tôi đã và đang giải quyết cùng Amazon", ông Sơn trăn trở.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Dũng, nhà sáng lập Dh Foods, lại mang đến một góc nhìn khác từ ngành gia vị. "Chiến thắng và Đổi mới sáng tạo" đó là hai từ khóa ông Dũng tâm đắc. Ai cũng biết ẩm thực Việt Nam nổi tiếng thế giới, nhưng làm sao để gói ghém hương vị quê nhà vào một lọ gia vị và chinh phục căn bếp của hàng triệu gia đình quốc tế?
"Chúng tôi phải đối mặt với những rào cản khổng lồ về chứng chỉ, quy định an toàn thực phẩm ở từng thị trường. Mỗi quốc gia một yêu cầu", ông Dũng chia sẻ.
Nhưng Dh Foods đã biến thách thức thành cơ hội. Họ không chỉ bán muối tôm Tây Ninh hay tiêu Phú Quốc, họ đang kể câu chuyện về văn hóa ẩm thực Việt.
"Khi người tiêu dùng nghĩ đến phở, họ sẽ cần một bộ gia vị hoàn chỉnh. Chúng tôi cung cấp giải pháp đó. Chúng tôi phải vừa giữ gìn sự truyền thống trong hương vị, vừa phải sáng tạo trong cách tiếp cận và bao bì sản phẩm để phù hợp với người dùng toàn cầu", ông Dũng nói.
Thành công của những Green Mê Kông hay Dh Foods không phải là nỗ lực đơn lẻ. Nó đến từ sự cộng hưởng của cả một hệ sinh thái, nơi các hiệp hội, các cơ quan nhà nước và các nền tảng như Amazon cùng chung tay hỗ trợ. Các hiệp hội như VITAS hay HAWA đóng vai trò định hướng, kết nối và đào tạo, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực. Nền tảng Amazon không chỉ là một kênh phân phối, mà còn cung cấp một cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh từ lưu kho, vận chuyển (Fulfillment by Amazon - FBA), phân tích dữ liệu đến các công cụ xây dựng thương hiệu.
Chia sẻ về hai yếu tố then chốt nhất để thành công, theo ông Trương Văn Cẩm (VITAS) đó là: Năng lực và Chuyển đổi số. Doanh nghiệp phải có năng lực sản xuất, năng lực thấu hiểu thị trường, và phải quyết liệt chuyển đổi số trong toàn bộ quy trình.
Với ông Trần Lam Sơn (Green Mê Kông), đó là: Nguồn và Cảm hứng. "Nguồn" ở đây bao gồm cả nguồn nhân lực và nguồn nguyên liệu bền vững. "Cảm hứng" là khả năng thổi hồn vào sản phẩm, biến nó từ một vật vô tri thành một tác phẩm có câu chuyện.
Với ông Nguyễn Trung Dũng (Dh Foods): Truyền thống và Sáng tạo. Phải biết chắt lọc tinh hoa từ truyền thống và làm mới nó bằng tư duy sáng tạo để chinh phục thế giới.
Còn theo ông Trịnh Khắc Toàn (Amazon), đó là: Sản phẩm và Thương hiệu. Một sản phẩm ưu việt kết hợp với một thương hiệu mạnh mẽ sẽ là "song kiếm hợp bích" không thể cản phá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận