Theo ghi nhận của PV Báo Xây dựng, đến cuối tháng 5 cầu Phước An có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á đang dần thành hình sau gần 2 năm khởi công. Trên công trường, những trụ cầu cao sừng sững đã vươn mình vững chãi giữa dòng Thị Vải nối đôi bờ Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hiện nay, công nhân đang tập trung thi công trụ cầu, các nhịp, bản mặt cầu. Một số vị trí đang hoàn thiện các đốt thân tháp nền móng, đào đắp, san lấp… Khung cảnh thi công trên sôi động từ tờ mờ sáng đến đêm khuya, có những thời điểm phải thi công xuyên đêm liên tục để tăng sản lượng công việc.
Video: Toàn cảnh thi công cầu Phước An nối Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu
Theo Ban QLDA Giao thông khu vực và chuyên ngành nông nghiệp dự án này được chia thành 5 gói thầu chính, tiến độ tổng thể đang được kiểm soát tốt, đảm bảo theo kế hoạch. Ở gói thầu số 38 và 39, công nhân đang đẩy nhanh lắp dầm, thi công tháp cầu. Tới nay, nhiều tháp trụ cầu chính đã vươn mình ra giữa sông. Tổng sản lượng hai gói thầu quan trọng này đã đạt hơn 52%.


Trong đó, gói thầu số 38 từ đầu tuyến đến trụ T36-T37 nhà thầu đã hoàn thành 100% cọc bê tông cốt thép, cọc khoan nhồi, modul tường chắn và thi công xong 26 trụ/mố cầu. Trên công trường, các nhịp cầu đã dần lộ diện với 11/37 nhịp SuperT được lắp đặt và nhiều bản mặt cầu đang thành hình, sản lượng đạt khoảng 60%.
Những nhịp cầu cạn từ phía đường dẫn trên địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lên cầu chính cũng đã được lắp đặt, công nhân tiếp tục tăng tốc thi công bản mặt cầu, làm ngày làm đêm để lần lượt hoàn thành các công việc.
Gói thầu số 39 hạng mục cầu chính vượt sông có vai trò quan trọng bậc nhất của dự án cũng đạt sản lượng trên 47%. Hai trụ chính T38 và T39 cao hàng chục mét đang lần lượt hoàn thiện các đốt thân tháp, trong đó trụ T38 đã đạt 10/15 đốt.
Đang thi công trên công trường, anh Nguyễn Toàn Vinh cho biết đã bám trụ công trường được hơn một năm. Khi làm việc ở dự án phải thi công ở trên cao anh được trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, nón, dây đai an toàn để đảm bảo trong quá trình làm việc. “Tôi đi làm nhiều nơi nhưng đây là cây cầu cao nhất nằm vắt vẻo giữa sông, nhiều khi làm việc gió mạnh cũng sợ nhưng anh em động viên nhau cố gắng, dần cũng quen”, anh Vinh chia sẻ.
Cạnh đó, anh Nguyễn Bảo Tuấn (trái) cũng đang thi công phần trụ cầu chính cho biết môi trường làm việc thoải mái, anh em đồng nghiệp vui vẻ, luôn động viên nhau cố gắng cộng thêm thu nhập ổn nên anh cũng gắn bó với công trình được khoảng 1 năm. Theo anh Tuấn, khó khăn giai đoạn này là đã vào mùa mưa nên anh em nào ở vị trí ngoài trời sẽ phải canh thời tiết, khi mưa phải trú, tạnh ra làm tiếp cộng thêm sáng nắng gắt nên quá trình làm việc có mệt hơn trước.
Trái ngược với nhịp thi công khẩn trương phía Bà Rịa – Vũng Tàu, ở phía Đồng Nai, hai gói thầu số 40 và 41 đang gặp nhiều khó khăn. Dù đã hoàn thành phát quang mặt bằng, bơm cát và khoan cọc thử tại một số vị trí, nhưng công tác đắp nền vẫn chậm do khan hiếm vật liệu cát san lấp. Tính đến hiện tại, sản lượng chỉ đạt khoảng 1%. Theo chủ đầu tư, với các gói thầu phía bờ Đồng Nai, nhà thầu đã huy động máy móc, thiết bị khoan, thi công nền móng trong điều kiện chưa đủ mặt bằng. Một số điểm còn chờ hoàn thiện thủ tục giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.
“Thời gian tới, Ban QLDA tiếp tục đôn đốc nhà thầu tập trung triển khai các mũi thi công phần bệ, thân trụ cầu dẫn gói 38, 39 và nhịp dầm extradosed. Đồng thời nỗ lực có mặt bằng sớm ở bờ Đồng Nai để thi công gói thầu số 40, số 41, triển khai khoan cọc thử cọc khoan nhồi, trụ đất gia cố xi măng. Tiếp tục phối hợp với Đồng Nai hoàn thành bồi thường hỗ trợ tái định cư và chuyển mục đích sử dụng rừng phục vụ dự án. Phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu trong việc cấp phép thi công phạm vi luồng hàng hải trên sông Thị Vải”, đại diện Ban QLDA thông tin.


Cũng theo Ban QLDA, trên công trường nhà thầu đang huy động khoảng 350 kỹ sư, công nhân cùng nhiều cẩu siêu trọng lực lên đến 350 tấn, 250 tấn, các loại cẩu tháp để thi công. Cầu này có tổng chiều dài gần 4,4km, với phần cầu chính dài hơn 3,5km, kết nối từ Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) sang huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) với điểm đầu nối với tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và điểm cuối kết nối với tuyến đường vào cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch).
Khoảng cách giữa 2 trụ chính của cầu Phước An lên đến 250m, lớn nhất Đông Nam Á đến thời điểm hiện tại. Dự án được khởi công vào tháng 6/2023 với tổng mức đầu tư gần 4.900 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng và còn lại là ngân sách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.


Cầu Phước An có trụ chính thông thuyền lên đến 55m, được thiết kế theo kết cấu dây văng, sử dụng thép chịu lực tạo sự vững chắc. Đến thời điểm này đang cùng với cầu Bình Khánh - Phước Khánh trên cao tốc Bến Lức - Long Thành có tĩnh không thông thuyền cao nhất nước. Cho phép tàu có trọng tải lên đến 30.000 tấn lưu thông mà không gặp trở ngại, khó khăn gì.
Khi hoàn thành cầu sẽ kết nối khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải với cao tốc Bến Lức - Long Thành và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (rút ngắn gần 30km quãng đường vận chuyển hàng hóa đi miền Tây Nam Bộ). Đồng thời, cầu Phước An còn giúp giảm tải cho quốc lộ 51 đã quá tải nhiều năm, kết nối toàn bộ nhóm cảng biển số 4, là nhóm cảng biển lớn nhất Việt Nam, với khu vực miền Đông Nam Bộ. Cầu tạo ra một hệ thống giao thông đồng bộ, giúp vận chuyển hàng hóa trong khu vực nhanh và thuận lợi hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận