Mốc thời gian và địa điểm thi
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực (SPT) năm 2025 dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 17-18/5, với tổng số 17.439 thí sinh đăng ký dự thi. Tham gia kỳ thi, thí sinh có thể đăng ký các môn như: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, và sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của từng trường.

Đối tượng đăng ký thi là học sinh lớp 12 trung học phổ thông hoặc đã tốt nghiệp trung học phổ thông (Ảnh minh họa).
Năm 2025, với nội dung các bài thi phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018, gồm các dạng câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, nhằm đánh giá cả kiến thức cốt lõi lẫn năng lực tư duy, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo của thí sinh.
Trong năm nay, môn Toán có 13.182 bài thi (chiếm 24%), Ngữ văn 11.914 bài thi (22%), Tiếng Anh 9.186 bài thi (17%), Vật lý 5.295 bài thi (10%), Lịch sử 4.887 bài thi (9%), Địa lý 4.566 bài thi (8%), Hóa học 4.302 bài thi (8%), và Sinh học 845 bài thi (2%). Trung bình mỗi thí sinh đăng ký khoảng 3,1 bài thi.
Kỳ thi diễn ra tại các điểm, gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (7.585 thí sinh), trường Đại học Thương mại (2.028), trường Đại học Công nghiệp (2.981), Học viện Báo chí và Tuyên truyền (1.985), trường Đại học Vinh (1.641), trường Đại học Quy Nhơn (584), và trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng (635).
Đáng chú ý, từ năm 2026, dự kiến kỳ thi sẽ bổ sung các môn mới như: Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Thí sinh làm bài trực tiếp tại phòng thi, trả lời bằng phiếu trắc nghiệm hoặc viết trên giấy thi.
Thí sinh cần chuẩn bị gì?
Đối tượng thí sinh là học sinh lớp 12 trung học phổ thông hoặc đã tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc tương đương), có nhu cầu tham gia thi đánh giá năng lực để sử dụng kết quả trong xét tuyển đại học. Để tham gia kỳ thi, thí sinh cần có hồ sơ hợp lệ và đóng đầy đủ lệ phí thi theo quy định. Ngoài ra, thí sinh cũng phải bảo đảm sức khỏe, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và không trong thời gian bị cấm thi theo quy định của pháp luật.
Thí sinh cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ liên quan, như giấy khai sinh, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời hoặc bằng tốt nghiệp chính thức, để hoàn thiện hồ sơ dự thi. Đồng thời, thí sinh cần nắm rõ quy chế, thời gian, địa điểm thi và các hướng dẫn cần thiết nhằm đảm bảo quá trình tham gia thi diễn ra thuận lợi, công bằng và đúng quy định của Ban tổ chức.
Dự kiến, điểm thi sẽ được công bố trước ngày 15/6 qua cổng thông tin tuyển sinh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thí sinh có thể tra cứu điểm thi, nhận giấy chứng nhận kết quả thi trực tiếp tại trường hoặc qua đường bưu điện. Giấy chứng nhận này sau đó sẽ được sử dụng để xét tuyển vào các trường đại học đối tác của trường.
Ngoài ra, trường cung cấp tài khoản hệ thống thông tin để các cơ sở giáo dục có thể tra cứu hoặc tải bảng điểm của thí sinh đã đăng ký dự tuyển. Kết quả thi cũng có thể được gửi dưới dạng bản cứng có ký, đóng dấu qua đường công văn.
Dữ liệu điểm thi sẽ được cập nhật lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp các cơ sở giáo dục dễ dàng kết nối dữ liệu để xét tuyển, đảm bảo quá trình tuyển sinh diễn ra thuận lợi, minh bạch.
Chi tiết lịch thi đánh giá năng lực diễn ra từ ngày 17-18/5/2025.

Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận