Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia

Lấp lỗ hổng "tiền buông, hậu bỏ" ngăn hàng giả, hàng nhái

17/05/2025, 14:15

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tăng tính răn đe, dự thảo luật bổ sung xử lý hình sự, thu hồi giấy phép, công bố các vi phạm của doanh nghiệp trên nền tảng số quốc gia.

Cần cấm quảng cáo quá mức về công dụng

Sáng 17/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng, đã có nhiều lỗ hổng trong chính sách cho phép doanh nghiệp được tự công bố, thậm chí một số thực phẩm bổ sung, thực phẩm thông thường không cần chờ phê duyệt; không cần cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm nghiệm, xác nhận trước khi đưa ra thị trường.

Lấp lỗ hổng "tiền buông, hậu bỏ" ngăn hàng giả, hàng nhái- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) góp ý vào dự thảo luật. Ảnh: Media Quốc hội.

Nữ đại biểu cho rằng, một số doanh nghiệp tận dụng cơ chế này để hợp pháp hóa thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn như hàng giả, hàng nhái, hàng trôi nổi. Khi doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua các tiêu chuẩn an toàn, nguy cơ sản phẩm gây hại sức khoẻ, ngộ độc sẽ tăng cao.

"Việc minh bạch hóa yêu cầu sản phẩm tự công bố phải công khai trực tuyến bắt buộc và minh bạch hồ sơ trên cổng thông tin quốc gia, hồ sơ phải dễ dàng tra cứu truy xuất nguồn gốc, tên nhà sản xuất kinh doanh", đại biểu Thu nói.

Đặc biệt, nữ đại biểu đề nghị cần cấm quảng cáo quá mức về công dụng. Những tuyên bố như chữa bệnh, giảm cân cấp tốc… đều phải quản lý nghiêm ngặt.

Hơn nữa, cần tăng mạnh chế tài khi phát hiện sai phạm của sản phẩm hàng hóa, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

"Doanh nghiệp nào có hành vi này thì cần xử lý phạt thật nặng, đình chỉ lưu hành, thậm chí yêu cầu dừng sản xuất toàn bộ, truy cứu trách nhiệm hình sự với trường hợp gian dối gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng đã mua và sử dụng sản phẩm đó", đại biểu Thu nói.

Lấp lỗ hổng "tiền buông, hậu bỏ" ngăn hàng giả, hàng nhái- Ảnh 2.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) tham gia góp ý vào dự thảo luật. Ảnh: Media Quốc hội.

Còn theo đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông), những vụ sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng với số lượng lớn tồn tại trong thời gian dài, đặc biệt là sữa giả, thuốc giả, mỳ chính giả là những bất cập, cần khắc phục ngay tình trạng "tiền buông, hậu bỏ".

Ông đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của bên thứ 3 - bên tổ chức chứng nhận hợp quy để đảm bảo chặt chẽ, đơn vị này cần chịu trách nhiệm trước kết quả chứng nhận sản phẩm hàng hoá, dịch vụ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Đại biểu nhấn mạnh: Luật cần có hàng rào, thậm chí hàng rào nhiều lớp để bảo vệ người tiêu dùng trước nạn sản xuất hàng giảm hàng kém chất lượng, cũng như nạn "xâm lăng" của hàng nhập khẩu kém chất lượng.

Băn khoăn quy định xác thực thông tin người bán

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đồng tình với việc luật hóa trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong kiểm soát chất lượng hàng hóa. Ông nhấn mạnh đây là bước tiến lớn trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển bùng nổ và trở thành kênh phổ biến trong việc tiêu thụ hàng giả, hàng nhái như hiện nay.

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn việc quy định sàn thương mại điện tử có nghĩa vụ xác thực thông tin người bán hàng, ngăn chặn hàng giả... liệu có vượt quá khả năng kỹ thuật và thẩm quyền pháp lý của các sàn thương mại điện tử này hay không?

Lấp lỗ hổng "tiền buông, hậu bỏ" ngăn hàng giả, hàng nhái- Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) phát biểu thảo luận. Ảnh: Media Quốc hội.

Lý do các doanh nghiệp này không có chức năng điều tra, kiểm định hay thẩm quyền can thiệp vào chuỗi cung ứng hàng hóa.

Nếu bị ràng buộc bởi quy định này thì doanh nghiệp có thể sẽ bị đẩy vào thế khó mà thực hiện và đối mặt với rủi ro pháp lý tiềm ẩn.

Mặt khác, các nghĩa vụ xác thực thông tin người bán, ngăn chặn hàng giả đã được quy định rõ trong một số luật và nghị định. Do đó, việc tiếp tục điều chỉnh trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa có thể gây trùng lặp và mâu thuẫn trong quá trình thực hiện.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ nội dung này để tránh mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành.

Bổ sung quy định xử lý hình sự, thu hồi giấy phép với doanh nghiệp sai phạm

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng đã giải trình, làm rõ các ý kiến đại biểu nêu.

Về nhóm ý kiến liên quan tới tiền kiểm và hậu kiểm, ông Hùng nêu rõ các quy định trong dự thảo luật về việc phân loại sản phẩm, hàng hóa theo mức độ rủi ro để quản lý khác nhau theo hướng ít tiền kiểm và tăng cường giám sát, hậu kiểm.

Lấp lỗ hổng "tiền buông, hậu bỏ" ngăn hàng giả, hàng nhái- Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trình bày giải trình tiếp thu. Ảnh: Media Quốc hội.

Ông Hùng cho hay: "Dù có tiền kiểm hay hậu kiểm thì hậu kiểm thường xuyên vẫn là biện pháp căn cơ, lâu dài. Tần suất hậu kiểm phụ thuộc vào mức độ rủi ro của sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có uy tín, ít vi phạm thì tần suất hậu kiểm thấp".

Bên cạnh đó, ông Hùng cho biết, công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã được chuyển đổi số để giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm. Đây là giải pháp có tính đột phá để việc giám sát và hậu kiểm khả thi, xây dựng một nền tảng số quốc gia duy nhất về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Nền tảng số này do Nhà nước đầu tư, là môi trường quản lý chính thức, đồng thời là môi trường tác nghiệp của các chủ thể.

Đối với quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên môi trường mạng, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh, càng ngày sẽ càng có nhiều hàng hóa trên môi trường mạng.

Năm 2024 thương mại điện tử chiếm 20% tổng bán lẻ toàn cầu và đang tăng cao sẽ nhanh chóng đạt 30%.

Do đó, dự thảo luật đã quy định trách nhiệm của sàn thương mại điện tử, các nền tảng số có doanh thu và lợi nhuận lớn nhưng lại luôn tìm mọi cách để lẩn tránh trách nhiệm, mặc dù họ là người có đầy đủ công cụ, đầy đủ dữ liệu trong tay để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

"Không ai có đủ năng lực làm tốt hơn họ việc này", Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.

Lấp lỗ hổng "tiền buông, hậu bỏ" ngăn hàng giả, hàng nhái- Ảnh 5.

Các đại biểu lắng nghe phần tiếp thu giải trình. Ảnh: Media Quốc hội.

Dự thảo luật cũng bổ sung các quy định làm rõ trách nhiệm của người bán và sàn thương mại điện tử trong bảo đảm chất lượng hàng hóa.

Người bán phải công khai trung thực thông tin về sản phẩm, về tiêu chuẩn, quy chuẩn, truy xuất nguồn gốc và chịu trách nhiệm pháp lý và bồi thường nếu sản phẩm có lỗi.

Sàn thương mại điện tử phải xác minh người bán, yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ như quy chuẩn, tiêu chuẩn, thông tin về sản phẩm, giám sát sản phẩm công nghệ, phát hiện và gỡ bỏ sản phẩm vi phạm trong 24 giờ, đồng thời chịu trách nhiệm liên đới nếu để vi phạm kéo dài.

Đối với đề nghị tăng chế tài xử lý vi phạm mang tính răn đe, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Trước đây chỉ phạt hành chính, nay đã bổ sung thêm xử lý hình sự, thu hồi giấy phép kinh doanh và công bố công khai các vi phạm của doanh nghiệp trên nền tảng số quốc gia".

Đối với hoạt động tự công bố hợp quy hoặc tự công bố tiêu chuẩn áp dụng thì khi phát hiện gian dối sẽ áp dụng hình thức xử phạt cao hơn, thậm chí tước quyền tự công bố. Điều này đồng nghĩa hậu kiểm đi kèm trách nhiệm của doanh nghiệp phải cao hơn.

Dự thảo luật cũng bổ sung quyền khởi kiện tập thể cho tổ chức xã hội khi sản phẩm kém chất lượng, gây thiệt hại diện rộng, tạo áp lực pháp lý mạnh hơn với hành vi vi phạm.

Cơ quan giải quyết tranh chấp phải chuyển thông tin vi phạm đến cơ quan quản lý để kịp thời kiểm tra, xử lý và cảnh báo rủi ro.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.