Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Xã hội

Lính mũ nồi xanh Việt Nam gieo mầm hòa bình

Lính mũ nồi xanh Việt Nam gieo mầm hòa bình

05/05/2025, 06:30

Gia nhập lính mũ nồi xanh Việt Nam, đặt chân đến Nam Sudan mới thực sự cảm thấu được hai chữ "hòa bình". Đó là cảm nhận của thiếu tá Mai Thị Trang Nhung và thượng úy Nguyễn Sỹ Công, thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Sức nóng chiến trường

Một ngày đầu tháng 4, từ thành phố Bentiu, Nam Sudan, thượng úy Nguyễn Sỹ Công gửi tin nhắn về: "Bên này đang nóng lắm!".

Lính mũ nồi xanh Việt Nam gieo mầm hòa bình- Ảnh 1.

Thượng úy Nguyễn Sỹ Công chụp ảnh với các bạn nhỏ Nam Sudan.

Từ "nóng" ở đây không chỉ mang hàm nghĩa thời tiết nóng nực, ngoài trời có thể lên đến hơn 53,6 độ C mà còn ẩn ý xung đột đang rất căng thẳng.

Theo chia sẻ của thiếu tá Mai Thị Trang Nhung (SN 1985), gần đây tình hình khu vực diễn ra khá căng thẳng, cảnh báo an ninh được nâng lên mức "xám" và lệnh giới nghiêm được thắt chặt.

Cuộc trao đổi giữa phóng viên và hai người lính mũ nồi xanh chỉ có thể diễn ra qua những tin nhắn bởi hai nơi cách nhau 5 tiếng và mạng Nam Sudan chập chờn. Hơn nữa, công việc của họ lúc này cũng rất bận rộn do lực lượng mỏng.

Thiếu tá Trang Nhung đang là điều dưỡng đội cấp cứu đường hàng không, còn thượng úy Công là Bí thư Đoàn thanh niên, phụ trách công tác truyền thông tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 thuộc căn cứ quân sự Juba Compound Bentiu, Nam Sudan.

"Sở dĩ tại đây có đội cấp cứu đường không vận chuyển bệnh nhân bằng trực thăng vì đường bộ ở Nam Sudan vẫn còn là đường đất. Tình hình an ninh khó lường, phải qua rất nhiều chốt kiểm soát của phe đối lập, vùng chiến sự... nên không đảm bảo an toàn cho người bệnh cũng như đội ngũ y tế", theo thiếu tá Nhung.

Gác tình riêng lên đường làm nhiệm vụ

Tâm sự về hành trình trở thành thành viên Lực lượng gìn giữ hòa bình, thiếu tá Nhung và thượng úy Công cho biết, cả hai phải trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt, kiểm tra trình độ tiếng Anh, tập huấn y khoa, tập huấn hàng không và các kỹ năng sinh tồn với chuyên gia nước ngoài trong gần 1 năm.

Lính mũ nồi xanh Việt Nam gieo mầm hòa bình- Ảnh 2.

Thiếu tá Nhung nhận được sự ủng hộ từ chồng, cũng là một quân nhân. Ảnh: NVCC.

Riêng với Trang Nhung, ngày lên đường làm nhiệm vụ, nữ thiếu tá phải gác lại công việc gia đình với 3 đứa con nhỏ.

"Bạn lớn năm nay thi vào 10. Đúng giai đoạn quan trọng nhất, căng thẳng nhất, mẹ không được ở bên, chỉ biết động viên con bằng những cuộc điện thoại hằng ngày.

Bạn thứ hai có chút đặc biệt, đang học tại trung tâm hướng nghiệp dành cho trẻ tự kỷ, cũng là giai đoạn bước vào tuổi dậy thì, cần mẹ nhất. Bạn thứ ba, khi mẹ đi mới hơn 3 tuổi, vẫn bám mẹ lắm. Phải mất một tháng đầu bố bế trên tay và dỗ dành khi ngủ vì nhớ mẹ", nữ thiếu tá chia sẻ.

Mọi gánh nặng gia đình lúc này dồn lên chồng ở nhà. Rất may anh cũng là quân nhân nên thấu hiểu được nghĩa vụ của một người lính. Anh sẵn sàng ở nhà gánh vác hai vai trò vừa là người mẹ vừa là người bố, chưa hề than vãn một lời.

"Mỗi lần gọi về, chồng đều nói một câu "Ở nhà ổn, mẹ đừng lo nhé!". Lời động viên đơn giản nhưng đó là động lực rất to lớn với tôi", thiếu tá Nhung bộc bạch.

Sốc vì thực tế vượt sức tưởng tượng

Thiếu tá Mai Thị Trang Nhung và thượng úy Nguyễn Sỹ Công thuộc thế hệ 8X và 9X, sinh ra khi chiến tranh đã lùi xa.

Lính mũ nồi xanh Việt Nam gieo mầm hòa bình- Ảnh 3.

Thượng úy Nguyễn Sỹ Công tặng quà các bạn nhỏ Nam Sudan.

Với họ, dù đã được học qua lịch sử, nghe ông bà, cha mẹ kể nhiều về chiến tranh, những ngày bom rơi đạn lạc nhưng thực sự giá trị của hai chữ hòa bình lớn lao đến thế nào, có lẽ họ vẫn không thể cảm thấu hết.

"Chỉ đến khi được gia nhập lính mũ nồi xanh Việt Nam, đặt chân đến Nam Sudan, tôi mới thật sự cảm thấy giá trị thực sự của từ "hòa bình" mà bao nhiêu người đã phải đánh đổi bằng cả thanh xuân, hy sinh mạng sống", thượng úy Công tâm sự.

Bước chân xuống sân bay Juba, thiếu tá Nhung bất ngờ khi cảnh tượng trước mắt không giống với những gì chị hình dung. "Dù trước khi sang cũng đã tìm hiểu kỹ, nhưng khi chứng kiến khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn của người dân, tôi vẫn sốc vì thực tế vượt qua cả sức tưởng tượng", chị Nhung kể.

Trong lần tham gia tổ chức hoạt động quân - dân kết hợp (CIMIC) tại một trường nữ sinh, từ nơi đóng quân đến trường cách khoảng 15km nhưng cả đội gặp rất nhiều tốp lính thuộc các phe khác nhau được trang bị đầy đủ vũ khí súng, đạn, đạn B40… Thậm chí có nhiều trẻ em tay cầm súng với khuôn mặt đầy hiếu chiến.

"Mặc dù đã được trang bị vũ khí nhưng mỗi khi đi ra đường thực thi nhiệm vụ, tim tôi vẫn đập thình thịch, toát mồ hôi hột. Theo quy định của Liên hợp quốc, đội gìn giữ hòa bình quốc tế chỉ được sử dụng súng để tự vệ và đó phải là phương án cuối cùng.

Đứng về phía nào cũng đều phạm quy tắc Liên hợp quốc vì lính mũ nồi xanh đến đây để góp phần gìn giữ hòa bình, không can thiệp vào chính trị hay đứng về phe phái nào", thượng úy Công nói thêm.

Gieo mầm hòa bình

Những chiếc xe bị hỏng nằm lăn lóc bên vệ đường, chiếc máy bay từng lao vút trên bầu trời xanh nay trở thành mớ sắt vụn. Khoảng đất trống vốn là nơi sinh sống của người dân chỉ còn lại những vết đen tròn...

Lính mũ nồi xanh Việt Nam gieo mầm hòa bình- Ảnh 4.

Nhiệt độ ở Nam Sudan rất cao.

Những hình ảnh ấy chính là minh họa sinh động, nhắc nhở những người lính mũ nồi xanh về sự tàn bạo của chiến tranh.

Hiểu được giá trị đó, thiếu tá Nhung và thượng úy Công cùng các chiến sĩ mũ nồi xanh ngoài khám chữa, điều trị, cấp cứu bệnh hằng ngày, còn mong muốn chia sẻ may mắn khi được sinh ra, học tập và nuôi dưỡng trong thời bình tới những người đang sống trong cảnh đói nghèo, xung đột ở Nam Sudan.

Đó đơn giản là những món quà, tấm bánh, đồ chơi; cung cấp kiến thức giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe; giúp người dân trồng rau, chia sẻ kiến thức, nông nghiệp; dạy học, xóa mù chữ ở các trường học địa phương…

"Nói đến hai chữ hòa bình, nhiều người nghĩ đến điều gì đó lớn lao, chỉ những người nắm quyền lực, có vị thế cao nhất mới thực hiện được. Nhưng với chúng tôi, hòa bình có thể đến từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống mà bất kì ai cũng có thể tạo nên bằng chính khả năng, bằng lòng trắc ẩn", thượng úy Công tâm niệm.

Còn theo thiếu tá Nhung, nếu chưa từng sang Nam Sudan, những điều nhỏ bé như: Được ăn, uống, được chơi đùa và đến trường… tưởng chừng thật bình thường. Nhưng với người dân, trẻ em Nam Sudan thì đó là cả mơ ước. Hễ gặp các cô chú bộ đội, điều các bạn nhỏ xin không phải là tiền, đồ ăn mà là bút và vở.

Việt Nam bắt đầu quyết định cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc từ tháng 6/2014. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã cử hơn 800 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp triển khai theo hình thức cá nhân và đơn vị, trong đó có 5 thê đội của bệnh viện dã chiến cấp 2 triển khai tại Phái bộ Nam Sudan, hai thê đội của Đội Công binh triển khai tại khu vực Abyei và 114 lượt sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân.

Số lượng cán bộ, sĩ quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Việt Nam cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của Liên hợp quốc. Thê đội (cách gọi một đơn vị) bệnh viện dã chiến 2.6 tại Nam Sudan hiện tại đã bắt đầu nhiệm vụ từ tháng 9/2024 và dự kiến sẽ về nước vào tháng 10/2025.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.