Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Đường sắt

Luật Đường sắt 2025: Khuyến khích chuyển giao công nghệ, ưu tiên nội địa hóa

Luật Đường sắt 2025: Khuyến khích chuyển giao công nghệ, ưu tiên nội địa hóa

19/07/2025, 17:32

Luật Đường sắt 2025 vừa được ban hành đã mở ra nhiều cơ chế đột phá nhằm phát triển công nghiệp đường sắt trong nước.

Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, Luật Đường sắt (sửa đổi) năm 2025 đã bổ sung nhiều nội dung đột phá, tạo hành lang pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước. Đây là lần đầu tiên lĩnh vực này được quy định riêng một mục cụ thể trong luật.

Luật Đường sắt 2025: Khuyến khích chuyển giao công nghệ, ưu tiên nội địa hóa- Ảnh 1.

Luật Đường sắt 2025 có nhiều quy định về phát triển công nghiệp đường sắt (Ảnh: Lắp ráp toa xe).

Cụ thể, Luật dành riêng Mục 3 để quy định về đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt, trong đó xác định rõ các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ công nghiệp đường sắt. Cụ thể, nhóm sản phẩm, hàng hóa gồm: phương tiện giao thông đường sắt; hệ thống thông tin, tín hiệu; hệ thống cấp điện sức kéo; ray, ghi, phụ kiện liên kết và các thiết bị, vật tư kỹ thuật đặc biệt thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Luật cũng quy định hàng loạt chính sách nhằm khuyến khích chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất trong nước. Đối với các gói thầu quốc tế, tổng thầu và nhà thầu bắt buộc phải cam kết chuyển giao công nghệ, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam để làm chủ kỹ thuật trong vận hành, quản lý, bảo trì.

Việc nhập khẩu dây chuyền sản xuất, lắp ráp thiết bị, phương tiện giao thông đường sắt cũng phải kèm theo điều kiện chuyển giao công nghệ toàn phần hoặc một phần, theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp trong nước cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục do Thủ tướng phê duyệt sẽ được Nhà nước bảo đảm đầu ra thông qua cơ chế đặt hàng nếu đáp ứng đủ tiêu chí. Chủ đầu tư và nhà thầu cũng có trách nhiệm ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước sản xuất, cung cấp.

Đối với các cơ sở sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, hoán cải phương tiện đường sắt, Luật Đường sắt 2025 quy định Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng và bảo trì kết cấu hạ tầng kết nối từ đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương đến các cơ sở này.

Đặc biệt, với các dự án tổ hợp công nghiệp đường sắt, luật cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về quy hoạch và lựa chọn nhà thầu. Theo đó, nếu dự án có thay đổi so với quy hoạch khác liên quan thì vẫn được phê duyệt mà không cần điều chỉnh quy hoạch cũ; các quy hoạch liên quan sẽ được cập nhật, công bố theo quy định.

Về lựa chọn nhà thầu, luật cho phép sử dụng các hình thức đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu đối với các gói thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ tư vấn, xây lắp, EPC, EC, EP, hợp đồng chìa khóa trao tay… nhằm đảm bảo tính linh hoạt, hiệu quả trong triển khai.

Việc luật hóa các cơ chế đầu tư, sản xuất, hỗ trợ chuyển giao công nghệ là bước đi quan trọng nhằm nội địa hóa công nghiệp đường sắt, từng bước làm chủ các công nghệ then chốt và thúc đẩy hình thành hệ sinh thái công nghiệp đường sắt hiện đại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.