Bị phạt nặng vì vài giây sơ sẩy
Đã gần nửa năm trôi qua nhưng tài xế Nguyễn Văn Hải (trú tại Ninh Bình) vẫn chưa quên được lỗi "phạt nguội" với hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện.

Đội CSGT số 6 Hà Nội trích xuất dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát người lái xe xử lý tài xế xe vận tải vi phạm giao thông.
Anh Hải kể, sau chuyến chở khách từ Nam Định đi Hà Nội để dự đám cưới cuối tháng 1, anh bị CSGT trích xuất dữ liệu camera giám sát, phát hiện sử dụng điện thoại khi lái xe. Anh bị phạt 4 triệu đồng, trừ 4 điểm GPLX, đến nay anh chưa một lần tái phạm.
"Được CSGT tuyên truyền tôi hiểu rằng chỉ một vài giây sơ sẩy do nghe điện thoại cũng có thể gây tai nạn kinh hoàng. Chưa kể, nếu tiếp tục vi phạm, nguy cơ bị trừ hết điểm GPLX, phải nghỉ làm chờ thi lại sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập", anh Hải nói.
Những ngày giữa tháng 7/2025, tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 6 - Phòng CSGT Công an TP Hà Nội kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp tài xế xe kinh doanh vận tải vi phạm qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát người lái xe.
Các lỗi chủ yếu như: Sử dụng điện thoại khi lái xe, không thắt dây an toàn, dừng đón trả khách không đúng quy định, thậm chí có trường hợp quay camera giám sát lên trần xe dẫn đến thiết bị không thể ghi được dữ liệu về tài xế.
Tài xế "tâm phục khẩu phục"
Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6 - Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, theo quy định, các phương tiện kinh doanh vận tải bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera quan sát, đối với xe trên 8 chỗ (không kể chỗ của người lái) còn phải lắp thêm camera giám sát người lái xe.
Thời gian qua xảy ra một số vụ tai nạn giao thông liên quan xe kinh doanh vận tải mà nguyên nhân được xác định do tài xế sử dụng điện thoại khi lái xe, thiếu chú ý quan sát hay dừng phương tiện trên cao tốc mà không đặt cảnh báo.
Do đó, việc tăng cường "check var" thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập hình ảnh người lái xe và kiên quyết xử lý nghiêm, thường xuyên liên tục, sẽ tạo tính răn đe rất lớn.
Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an Hà Nội
Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, cơ quan quản lý nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa, xử lý xe chở quá tải, nhồi nhét khách, chạy sai hành trình, luồng tuyến và các hành vi vi phạm giao thông, rủi ro mất an toàn của tài xế.
Đây được cho là giải pháp mang lại lợi ích kép, không chỉ phục vụ công tác quản lý mà còn giúp xử lý vi phạm kịp thời, ngăn ngừa tai nạn giao thông. "Mọi vi phạm đều có đầy đủ hình ảnh, video, rõ thời gian, địa điểm do đó mang lại hiệu quả xử lý cao, khiến tài xế phải "tâm phục khẩu phục", trung tá Chiến nói.
Một chuyên gia giao thông cho biết, trước đây, dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát người lái xe mới chỉ được sử dụng để xử lý thu hồi phù hiệu phương tiện khi phát hiện xe chạy quá tốc độ, lái xe làm việc liên tục quá 4 tiếng theo quy định… Dù có hiệu quả nhưng chưa cao, tình trạng xe vi phạm tốc độ trong tháng diễn ra vẫn phổ biến.
Tuy nhiên, khi lực lượng CSGT được trích xuất dữ liệu từ các thiết bị này và sử dụng để xử phạt vi phạm hành chính, trừ điểm GPLX sẽ có tác động lớn đến nâng cao ý thức của tài xế, góp phần ngăn ngừa tai nạn giao thông.
Nâng cao hiệu quả từ doanh nghiệp
Thống kê của Cục CSGT cho biết, 6 tháng đầu năm, lực lượng CSGT toàn quốc phát hiện 3.521 trường hợp vi phạm lỗi sử dụng điện thoại và vi phạm liên quan đến thiết bị giám sát hành trình.
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, lắp thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát người lái xe, doanh nghiệp vận tải là đơn vị hưởng lợi đầu tiên.
"Khi kiểm soát chặt chẽ phương tiện, người lái sẽ giúp ngăn ngừa các vụ tai nạn giao thông không đáng có, từ đó giúp tiết kiệm chi phí và gia tăng hiệu quả của hoạt động kinh doanh vận tải", ông Hùng nói và cho biết, các doanh nghiệp cần hiểu rõ điều này, từ đó xây dựng bộ phận an toàn giao thông hoạt động một cách thực chất.
"Doanh nghiệp phải đi trước trong việc phòng ngừa vi phạm. Đừng chỉ chờ lực lượng chức năng gửi thông báo vi phạm mới cảnh báo, xử lý", ông Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại khi hiện nay, cả hộ kinh doanh cá thể cũng được phép tham gia kinh doanh vận tải hành khách như các hợp tác xã và doanh nghiệp. Với quy mô nhỏ, hoạt động manh mún, nhiều hộ kinh doanh chưa thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về bộ phận an toàn giao thông, giám sát hành trình. Việc này tiềm ẩn nguy cơ vi phạm cao và rủi ro mất an toàn giao thông.
Theo TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, cơ quan quản lý cần nâng cao nhận thức của lãnh đạo các đơn vị vận tải, từ đó nâng cao trách nhiệm trong xây dựng, duy trì hoạt động hiệu quả của bộ phận an toàn giao thông.
Trung tá Phạm Văn Chiến cũng cho rằng, bên cạnh việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, các doanh nghiệp vận tải cần chú trọng thành lập bộ phận an toàn giao thông, giám sát, kiểm soát thường xuyên hoạt động của tài xế, phương tiện.
Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất đối với các doanh nghiệp vận tải, xem doanh nghiệp có thực hiện đúng như quy định hay không, từ đó xử lý kịp thời vi phạm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận