Giữ môi trường sạch, thích ứng khí hậu trong từng km
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vũng Áng - Bùng do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài qua tỉnh Quảng Bình khoảng 50km. Với đặc điểm địa hình phức tạp, xen kẽ rừng, núi, sông suối và khu dân cư, yếu tố bảo vệ môi trường được các nhà thầu đặt lên hàng đầu.

Cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Quảng Bình vượt qua nhiều con sông lớn, núi đồi vì vậy được các nhà thầu ưu tiên bảo vệ môi trường.
Tại các điểm thi công do nhà thầu Vinaconex và Phương Thành đảm nhiệm, xe vận chuyển trên các tuyến đường dân sinh, đường mượn đều được che phủ bạt kín, có trạm rửa bánh xe trước khi rời công trường.
Đường công vụ được tưới nước 3 - 4 lần mỗi ngày trong mùa nắng để hạn chế bụi bay. Các lán trại công nhân được bố trí bể lắng nước thải, hầm tự hoại, đảm bảo không xả thải trực tiếp ra môi trường.
Theo ông Nguyễn Minh Dũng - cán bộ phụ trách môi trường thuộc Ban QLDA 6: "Mỗi gói thầu đều có tổ giám sát môi trường độc lập. Định kỳ hàng tháng, chúng tôi kiểm tra hiện trường, lấy mẫu nước, mẫu không khí để đánh giá tác động. Đơn vị nào vi phạm đều bị lập biên bản xử lý ngay".

Thi công qua khu dân cư bắt buộc phải đảm bảo vệ sinh, không để bụi bẩn từ công trường ảnh hưởng.
Không chỉ thi công sạch, thiết kế công trình cũng tính đến yếu tố khí hậu miền Trung. Cầu, cống tại các điểm giao suối, khe được nâng cao vượt mực nước lũ lịch sử. Hệ thống thoát nước được mở rộng, bổ sung thêm hố ga tại các điểm trũng. Đây là một phần trong chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu mà chủ đầu tư triển khai đồng bộ từ khâu thiết kế.
Thi công trách nhiệm, đồng thuận từ cộng đồng
Các nhà thầu như Vinaconex, xây lắp 368 đã có nhiều kinh nghiệm thi công ở khu vực miền Trung nên nhanh chóng thích ứng với điều kiện khắc nghiệt về thời tiết và địa hình. Việc lựa chọn vật liệu được thực hiện theo hướng giảm phát thải, tận dụng đất tại chỗ để đắp nền đường, khai thác vật liệu từ mỏ gần tuyến, rút ngắn quãng đường vận chuyển, từ đó giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ.

Nhà thầu thi công qua khu vực đồi núi đều tạo khu thoát nước ở 2 bên để đảm bảo yêu cầu về biến đổi khí hậu.
Tại gói thầu do Công ty Phương Thành thực hiện ở xã Cự Nẫm (Bố Trạch), kỹ sư hiện trường Trần Anh Đăng cho biết: "Chúng tôi tổ chức thi công cuốn chiếu, hạn chế chiếm đất kéo dài. Vật liệu dư thừa được thu gom, phân loại và tái sử dụng. Rác sinh hoạt có xe chuyên dụng thu gom 2 lần/tuần, ký hợp đồng xử lý với đơn vị được cấp phép".
Sự đồng thuận của người dân địa phương là yếu tố then chốt giúp dự án triển khai suôn sẻ. Tại các xã như Xuân Ninh, Vạn Ninh, nhiều người dân ban đầu lo ngại về ô nhiễm môi trường. Nhưng sau khi thấy các nhà thầu tổ chức thi công bài bản, nhiều người đã dần ủng hộ.
Anh Nguyễn Văn Sơn, người dân xã Vạn Ninh chia sẻ: "Trước tưởng làm đường thì bụi mù trời, ai ngờ thấy công nhân họ tưới nước suốt ngày, xe ra vào đều rửa bánh. Đường làng cũng không bị ảnh hưởng gì. Chúng tôi thấy yên tâm".
Ban QLDA 6 cũng thường xuyên tổ chức họp dân, lấy ý kiến và phản hồi lại kịp thời. Mọi thắc mắc về môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, nước sinh hoạt đều được xử lý nhanh chóng.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vũng Áng - Bùng là một công trình trọng điểm, khi những km đường dần hiện lên giữa rừng núi, cũng là lúc những cam kết về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu được thực thi bằng hành động cụ thể - ngay tại nơi từng chịu nhiều tổn thất bởi thiên tai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận