Đến thời điểm này đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (ĐT994) kết nối TP.HCM và tỉnh Lâm Đồng đã trải qua hơn 2 năm thi công với nhiều đoạn hoàn thành, một số đoạn nên hình nên vóc, nhiều vị trí đang thi công chặng cuối để sớm về đích.

Đường ven biển ĐT994 đã hiện rõ hình hài chạy dọc biển, băng qua các dự án nghỉ dưỡng lớn.
Những ngày giữa tháng 7, khi nắng vàng rực trải dài trên bờ biển là lúc công trường đường ven biển nhộn nhịp hừng hực khí thế thi công.
Từ đường nối lên cầu Cửa Lấp 2 đến mũi Kỳ Vân, cầu Cây Khế 2, cuối tuyến giáp QL55 đoạn qua tỉnh Lâm Đồng… đâu đâu cũng bắt gặp tiếng máy khoan, máy lu, máy san cùng những bước chân, bàn tay thoăn thoắt làm việc của các đội thợ.


Những chiếc xe lu, xe cuốc làm việc từ sáng đến tối kể cả giữa trưa để đẩy nhanh thi công.
Theo quan sát của PV, con đường dài gần 77km đã định hình rõ hình hài, chạy dài mềm mại như một dải lụa qua những đô thị ven biển phía Đông, len lỏi giữa rừng dương dọc biển và chân núi Minh Đạm kết nối du lịch từ Vũng Tàu qua Long Hải - Phước Hải - Hồ Tràm - Bình Châu đến Sơn Mỹ Lâm Đồng (xưa là Hàm Tân - Bình Thuận).

Các nhà thầu huy động nhân sự, xe máy thiết bị thi công từ sáng đến đêm.
"Anh em chúng tôi làm 3 ca 4 kíp, tranh thủ từng giờ nắng với phương châm vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương để dự án sớm xong. Làm ở đây vui, anh em quê miền Trung là chính nên cũng dễ chia sẻ công việc cuộc sống, công ty thường xuyên hỗ trợ bữa ăn xế, thưởng thêm nên cuộc sống cũng khá", công nhân Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ.
Ghi nhận tại nút giao đường Trường Sa với quốc lộ 51 cây xanh, gạch vỉa hè, biển báo đều đã hoàn thiện và đường cũng được đưa vào khai thác hơn hai tháng nay. Đoạn này đã mở rộng lên 8-10 làn xe, mở cánh cửa giao thương lớn cho xã đảo Long Sơn.

Vị trí nút giao đường Trường Sa với quốc lộ 51 cây xanh, gạch vỉa hè, biển báo đều đã hoàn thiện và đường cũng được đưa vào khai thác hơn hai tháng nay.
Đoạn đường từ nút giao quốc lộ 51 đến cầu Cây Khế 2 rồi tiếp tục đến cầu Cửa Lấp 2 được xây mới với 6 làn xe băng qua khu vực đầm lầy, ao hồ nuôi trồng thủy sản đến nay đường cũng đang được đắp nền, xử lý nền đất yếu còn cầu Cây Khế 2 đã rõ hình hài.
Riêng đường kết nối với cầu Cửa Lấp 2 đơn vị thi công cũng đang tăng tốc thi công các hạng mục mặt đường, dải phân cách… chờ ngày hoàn thiện để người dân sớm đi lại được trên cây cầu Cửa Lấp 2.


Xe máy thiết bị cùng công nhân làm việc xuyên ngày đêm trên tuyến.
Còn đoạn đèo Nước Ngọt nổi tiếng với cảnh đẹp, biển trong xanh cũng rộn rã tiếng máy móc khi các nhà thầu khoan nhồi cọc, dựng trụ cầu cạn men theo triền núi chạy dọc bờ biển để mở rộng cung đường qua khu vực eo biển này giúp xe cộ đi lại thuận lợi hơn.



Từng khu vực trên tuyến đều đang được dàn trải thi công.
Đoạn này nhà thầu đã bố trí nhiều mũi thi công, tập trung vào việc khoan cọc thi công cầu, làm sắt thép, làm móng trụ… nhằm đảm bảo kết cấu vững chắc và độ bền lâu dài cho công trình, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao.
Đoạn qua mũi Kỳ Vân nơi một bên tựa núi Minh Đạm, một bên thả dốc xuống bãi biển xanh cũng đang được thi công tăng tốc, hứa hẹn trở thành một trong những cung đường ven biển đẹp nhất nhì phía Nam.

Những khu vực eo biển đường sẽ được mở rộng giúp việc đi lại thuận lợi hơn.
Các chuyên gia đánh giá, khi tuyến đường ven biển hoàn tất, không chỉ giao thông được cởi nút thắt, mà dọc hai bên sẽ đón thêm nhiều nhà đầu tư lớn đến xây dựng các dự án nghỉ dưỡng cao cấp. Bởi hiện nay trên tuyến, ngay tại Bình Châu các khu nghỉ dưỡng, biệt thự biển, tổ hợp vui chơi giải trí đang mọc lên san sát, với những dự án tỷ đô từ các tập đoàn lớn.
Cách đó không xa, Hồ Tràm cũng đã đón làn sóng đầu tư lớn với hàng loạt dự án nghỉ dưỡng cao cấp, hạng sang. Nhiều nhà đầu tư còn chi thêm vốn sau khi đã có thời gian dài gắn bó với địa phương.

Đoạn cuối tuyến đường ven biển giáp với QL55 để đi Bình Thuận cũ nay là Lâm Đồng.
Xa hơn về Phước Hải, Long Hải, Long Sơn, các khu đô thị, cảng biển, trung tâm logistics cũng rục rịch tìm kiếm phát triển các dự án trên những khu "đất vàng" hai bên tuyến, tận dụng lợi thế giao thông kết nối trực tiếp tới cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành và chuỗi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Long Thành - Hồ Tràm.
Đây chính là hành lang kinh tế chiến lược phía Đông, đưa vùng biển phía Đông TP.HCM thành trung tâm du lịch biển, công nghiệp, logistics tầm cỡ quốc tế.

Vùng biển khu vực cuối ĐT994 còn hoang sơ nhưng rất tiềm năng.
Đặc biệt từ khi Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập với TP.HCM cũng mở rộng thêm diện tích, hình thành không gian phát triển đô thị - công nghiệp - du lịch liên hoàn.
Nhờ đó, tuyến đường ven biển giờ không chỉ phục vụ riêng từng địa phương mà trở thành "trục xương sống" mới, tạo sức bật kinh tế vùng, lan tỏa giá trị bất động sản và thu hút nhà đầu tư.

Khu vực thi công cầu cạn được triển khai kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng lâu dài.
Dự án nâng cấp mở rộng đường ven biển ĐT994 do Ban QLDA chuyên ngành giao thông và dân dụng làm chủ đầu tư. Theo Ban QLDA, quy mô tuyến từ 6-8 làn xe, vận tốc thiết kế đoạn ngoài đô thị và khu dân cư 80km/h, trong đô thị và khu đông dân cư 50km/h.

Nhiều dự án tỷ đô lần lượt mọc lên hai bên tuyến đường ven biển.
Điểm đầu tuyến giao với đường 991B xã Tân Hòa, TP Phú Mỹ cũ. Cuối tuyến giao với quốc lộ 55 xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc cũ để đến Hàm Tân Bình Thuận cũ (nay là Lâm Đồng).
Dự án dự kiến hoàn thành toàn bộ cuối năm 2026, khi đi vào khai thác sẽ hình thành tuyến trục chính kết nối các địa phương ven biển phía Đông, kết nối giao thông thông suốt với đường liên cảng, cầu Phước An, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.


Vẻ đẹp của đường ven biển kết nối về vùng biển phía Đông.
Đến nay đã có gói thầu từ Long Sơn ra QL51 và Cầu Cửa Lấp 2 hoàn thành; một số đoạn qua các khu du lịch lớn cũng được các doanh nghiệp chủ động xây dựng, hoàn thiện; các hạng mục còn lại sản lượng đã đạt từ trên 60-80%.
Video: Thi công đường ven biển ĐT994
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận