Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Tài chính

Ngân hàng Phát triển châu Á: Kinh tế Việt Nam tăng tốc bất chấp thách thức toàn cầu

Ngân hàng Phát triển châu Á: Kinh tế Việt Nam tăng tốc bất chấp thách thức toàn cầu

09/04/2025, 13:30

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh năm 2025, bất chấp những thách thức trên toàn cầu.

Hôm nay (9/4), ADB công bố ấn phẩm kinh tế hàng đầu Báo cáo triển vọng Phát triển châu Á, trong đó dự báo kinh tế Việt Nam tăng ít nhất 6,6% và 6,5% vào năm 2025 và 2026, sau khi đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ 7,1% trong năm 2024.

Ngân hàng Phát triển châu Á: Kinh tế Việt Nam tăng tốc bất chấp thách thức toàn cầu- Ảnh 1.

Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, Shantanu Chakraborty công bố dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025 và 2026.

Mặc dù duy trì triển vọng tích cực cho Việt Nam trong năm nay và năm sau, Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á tháng 4/2025 đã nhấn mạnh các rủi ro đối với dự báo, vốn được hoàn thiện trước khi có thông báo về các biện pháp thuế quan của Mỹ.

"Thương mại mạnh mẽ, sự phục hồi trong sản xuất xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vững chắc đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024. Tuy nhiên, các thông báo gần đây của Mỹ về thuế quan, cùng với những bất ổn toàn cầu kéo dài, có thể đặt ra những thách thức đáng kể cho tăng trưởng của đất nước trong năm nay", ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết.

Môi trường kinh tế toàn cầu đang thay đổi, bị ảnh hưởng đáng kể bởi các thông báo gần đây liên quan đến thuế quan của Mỹ và các căng thẳng địa chính trị, đang đặt ra những thách thức lớn cho các nền kinh tế phụ thuộc vào sản xuất định hướng xuất khẩu. Những bất ổn bên ngoài - như sự leo thang thuế quan, các biện pháp đáp trả, cuộc chiến kéo dài ở Ukraine, và tình trạng bất ổn liên tục ở Trung Đông - có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong ngắn và trung hạn. Hơn nữa, sự suy giảm ở Mỹ và Trung Hoa - hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam - có thể ảnh hưởng thêm đến triển vọng kinh tế.

"Chính phủ Việt Nam đã khởi xướng một kế hoạch đầy tham vọng để thúc đẩy tăng trưởng, điều này có thể giúp giảm thiểu các rủi ro bên ngoài đáng kể. Tăng trưởng kinh tế cao hơn và bền vững là hoàn toàn khả thi nếu các cải cách thể chế sâu rộng đang diễn ra được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Những cải cách như vậy sẽ kích thích nhu cầu trong nước, nâng cao hiệu quả quản trị trong ngắn hạn và từ đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong trung và dài hạn", ông Chakraborty thêm vào.

Việc thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu là một thách thức chính sách quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Khi động lực kinh tế toàn cầu thay đổi, lợi thế của Việt Nam trong việc gia tăng giá trị cho chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang dịch chuyển. Điều quan trọng là phải hiểu rõ những hạn chế và thách thức liên quan đến việc mở rộng sự tham gia và tăng giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, để cải thiện quỹ đạo kinh tế và tiềm năng tăng trưởng dài hạn của đất nước.

ADB là ngân hàng phát triển đa phương hàng đầu hỗ trợ tăng trưởng bền vững, toàn diện và kiên cường trên khắp châu Á và Thái Bình Dương. Hợp tác với các thành viên và đối tác để cùng giải quyết các thách thức phức tạp, ADB tận dụng các công cụ tài chính sáng tạo và quan hệ đối tác chiến lược để thay đổi cuộc sống, xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.