Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Giáo dục

Ngăn ngừa bạo hành trẻ mầm non: Giáo viên cần sàng lọc sức khỏe tâm thần

Ngăn ngừa bạo hành trẻ mầm non: Giáo viên cần sàng lọc sức khỏe tâm thần

30/04/2025, 07:35

Gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ nhỏ tại nhà trẻ tư thục, nhóm trẻ gia đình. Chuyên gia cho rằng, cần thẩm định lý lịch tư pháp và sàng lọc sức khỏe tâm thần đối với những người làm trong ngành chăm sóc trẻ.

Theo thống kê, phần lớn các vụ việc bị phát hiện xảy ra tại các cơ sở mầm non tư thục, lớp trông trẻ tự phát trong khu dân cư hoặc khu công nghiệp có đông công nhân thu nhập thấp. Những nơi này thường thiếu kiểm soát và quản lý, trẻ dễ trở thành nạn nhân của bạo lực từ những người chăm sóc.

Ngăn ngừa bạo hành trẻ mầm non: Giáo viên cần sàng lọc sức khỏe tâm thần- Ảnh 1.

Camera ghi lại lớp học nơi xảy ra vụ bạo hành trẻ nhỏ tại trường mầm non May Đáp Cầu, tỉnh Bắc Ninh (Ảnh chụp qua clip).

Chưa có con số thống kê cụ thể, song thực tế gần đây cho thấy, số vụ bạo hành trẻ em đang có phức tạp cả về tính chất và mức độ vi phạm, để lại nỗi đau không chỉ về thể xác mà còn khiến trẻ bị sang chấn tinh thần, ám ảnh tâm lý kéo dài.

Thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng và tình yêu dành cho trẻ

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là thiếu hiểu biết về pháp luật, không có kỹ năng chăm sóc em bé, thiếu kỹ năng kiềm chế cảm xúc và không có niềm tin yêu dành cho trẻ nhỏ.

Theo ông Thành Nam, bạo hành trẻ em có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng về cả thể chất lẫn tinh thần. Trẻ có thể thay đổi tính tình, không thích đi học, lo âu, trầm cảm, thậm chí còn gây ra ác mộng, ám ảnh ký ức xâm nhập, rối loạn hoảng sợ và các vấn đề hành vi sau này. Và hậu quả của bạo hành cũng làm giảm lòng tự trọng và tự tin vào bản thân của các em, khiến các em khó thành công trong học tập và các công việc tương lai.

Tình trạng bạo hành trẻ em vẫn chưa được xử lý nghiêm khắc, chưa đủ sức răn đe, nên ngày càng diễn biến nghiêm trọng hơn. Vị phó giáo sư này nhấn mạnh: Cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát trên địa bàn, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để bảo vệ trẻ em.

Bên cạnh đó, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục Thành Nam chia sẻ thêm, có ý kiến cho rằng giáo viên mầm non lương thấp, mỗi ngày phải chăm sóc cùng lúc nhiều trẻ trong tình trạng quấy, khóc. Khi về đến nhà, họ lại phải gánh vác công việc gia đình, chăm sóc con cái.

Điều này không chỉ khiến họ gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống, mà còn có thể dẫn đến những áp lực, ức chế tâm lý.

Trong khi đó, giai đoạn mầm non lại là thời điểm vô cùng quan trọng để xây dựng nền tảng cho sự phát triển của trẻ, không chỉ về mặt trí tuệ mà còn về cảm xúc và kỹ năng xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay cộng đồng vẫn có sự phân biệt giữa vai trò của giáo viên mầm non và giáo viên các cấp học khác. Để giảm bớt áp lực đó, giáo viên mầm non cũng cần nhận được sự hỗ trợ đặc biệt hơn nữa.

Ngăn ngừa bạo hành trẻ mầm non: Giáo viên cần sàng lọc sức khỏe tâm thần- Ảnh 2.

Vụ bạo hành tại nhóm lớp mầm non Thu Sương, khu phố An Bình, thị trấn Tiệm Tôm, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. (Ảnh chụp qua clip).

Cần thẩm định lý lịch tư pháp và sàng lọc sức khỏe tâm thần với người trông trẻ

Trong khi đó, công tác quản lý hoạt động này tại một số địa phương hiện nay vẫn còn lỏng lẻo. Việc cấp phép và kiểm tra các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập ngoài công lập được giao cho chính quyền xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, không phải cán bộ cơ sở nào cũng có đủ chuyên môn và kinh nghiệm để thực hiện công tác giám sát, kiểm tra định kỳ hoạt động của các lớp, nhóm trẻ.

Một số nơi thậm chí còn bộc lộ sự thiếu trách nhiệm, tạo ra kẽ hở cho bạo hành có thể xảy ra mà không bị phát hiện.

Cụ thể như tại cơ sở mầm non tư thục ở thôn Phước Chánh, xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, giáo viên đã liên tục nhồi nhét thức ăn khiến trẻ la khóc, nôn trớ.

Hay tại nhóm lớp mầm non Thu Sương, khu phố An Bình, thị trấn Tiệm Tôm, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, chủ cơ sở thừa nhận, do các bé biếng ăn nên nhân viên đã nhồi nhét thức ăn cho trẻ từ 1 đến 2 tuổi.

Còn tại trường mầm non may Đáp Cầu thuộc Công ty cổ phần may Đáp Cầu, phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, giáo viên đã kéo trẻ vào góc khuất camera, tát liên tiếp vào mặt và túm một chân xốc ngược trẻ lên...

Trước thực trạng này, Ủy ban Quốc gia về Trẻ em đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo rà soát, thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non. Đồng thời, cần tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em và bạo lực học đường cho cán bộ, gia đình và trẻ em.

Bạo hành trẻ em, đặc biệt là trẻ mầm non, luôn là nỗi lo thường trực của các bậc phụ huynh. Chị Nguyễn Tuyết Mai (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: "Phụ huynh nên tìm hiểu về trường, qua thông tin đại chúng hay kinh nghiệm từ các phụ huynh khác. Ngoài việc kiểm tra giấy phép hoạt động, phụ huynh cũng cần xem xét cơ sở vật chất của trường phải được công khai minh bạch và có các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ".

Hiệu trưởng trường mầm non Bình Minh Phạm Thúy Phương bày tỏ lo ngại về bạo hành trẻ em tại một số cơ sở mầm non tư thục. "Là một trường mầm non công lập nằm trong khu phố cổ có diện tích hạn chế, trường gặp khó khăn về sân chơi và một số giáo viên trẻ chưa vững về kỹ năng giao tiếp và phương pháp giáo dục tích cực.

Ngăn ngừa bạo hành trẻ mầm non: Giáo viên cần sàng lọc sức khỏe tâm thần- Ảnh 3.

Trường mầm non phải là một môi trường an toàn và tích cực, cho trẻ em tự do phát triển.

Để khắc phục, ban giám hiệu và giáo viên tham gia tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao kỹ năng tâm lý, quản lý cảm xúc và xây dựng văn hóa học đường an toàn, và nơi trẻ em có thể phát triển trong môi trường an toàn cả về thể chất lẫn tinh thần.

Đồng thời, nhà trường cũng lắp đặt camera giám sát tại lớp học để đảm bảo an toàn và tạo sự tin tưởng cho phụ huynh", bà Thuý Phương cho hay.

Theo nhà giáo dục Trần Thành Nam, cần tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan đến quyền trẻ em. Điều này sẽ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của bạo lực đối với trẻ em và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ trẻ.

Bên cạnh đó, giáo dục cộng đồng về kỷ luật tích cực là một giải pháp quan trọng. "Chúng ta nên khuyến khích các phương pháp giáo dục không bạo lực, giúp phụ huynh và giáo viên nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ tích cực với trẻ. Từ đó thay thế những phương pháp kỷ luật tiêu cực bằng các phương pháp giáo dục hiệu quả hơn.

Đối với những người làm trong ngành chăm sóc trẻ (giáo viên, nhân viên mầm non, bảo mẫu...) cần thực hiện quy trình thẩm định lý lịch tư pháp và sàng lọc sức khỏe tâm thần. Điều này nhằm đảm bảo rằng những người này có đủ năng lực và không có tiền án, tiền sự liên quan đến bạo hành trẻ em", ông Nam nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.