Liên quan đến việc hoàn thiện công trình hầm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Xây dựng) cho biết, theo thống kê, trên tuyến cao tốc hiện nay có 9 công trình hầm đã đào thông 2 ống (1 ống xây dựng hoàn thiện, khai thác quy mô 2 làn xe; 1 ống chưa hoàn thiện, sử dụng làm hầm lánh nạn).

Thi công hầm xuyên núi trên cao tốc Bắc - Nam.
Trong số này, 4 hầm đã được đề xuất hoàn thiện đầu tư, gồm: Hầm Thần Vũ, hầm Cù Mông, hầm Núi Vung dự kiến sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương 2024.
Hầm Sơn Triệu trên dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh đã có chủ trương, triển khai hoàn thiện bằng phần vốn còn dư của dự án.
Còn lại 5 hầm cần nghiên cứu phương án để đầu tư hoàn thiện, gồm: Hầm Đèo Bụt thuộc dự án đoạn Vũng Áng - Bùng; hầm số 1, 2, 3 dự án đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; hầm Tuy An thuộc dự án đoạn Chí Thạnh - Vân Phong. Sơ bộ tổng vốn đầu tư cần hơn 1.900 tỷ đồng.
Tìm hiểu của PV, trên toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đầu tư 12 công trình hầm xuyên núi.
Trong đó, 3 công trình hầm đã được đầu tư hoàn thiện, đưa vào khai thác cả 2 ống hầm ngay ở giai đoạn 1, gồm: Hầm Tam Điệp, hầm Thung Thi thuộc đoạn Mai Sơn - QL45; hầm Trường Vinh thuộc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu.
Kết quả rà soát 12 dự án thành phần về chi phí hoàn thành dự án theo thiết kế được duyệt cho thấy, việc bổ sung đầu tư hoàn thiện 5 công trình hầm không vượt tổng mức đầu tư của dự án đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 44/2022/QH15.
Trao đổi với PV, ông Hồ Xuân Thắng, Giám đốc dự án đoạn Chí Thạnh - Vân Phong cho biết, theo nghiên cứu, sơ bộ đầu tư hoàn thiện hầm Tuy An cần khoảng 230 tỷ đồng. Nếu được cấp có thẩm quyền chấp thuận, việc hoàn thiện nhánh hầm trái và các hạng mục liên quan sẽ triển khai từ tháng 6/2025 và hoàn thành năm 2026.
Tại dự án đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn - dự án thành phần có nhiều công trình hầm xuyên núi nhất cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đại diện Ban QLDA 2 cho biết, đơn vị cũng đã phối hợp với tư vấn báo cáo phương án hoàn thiện 3 công trình hầm.
Theo kế hoạch, giai đoạn phân kỳ đầu tư sẽ hoàn chỉnh 1 ống hầm bên phải (gồm hệ thống cơ điện), khai thác với 2 làn xe ngược chiều, vận tốc 80km/h. Ống hầm trái chỉ đào, thi công hoàn thiện vỏ hầm để bảo vệ kết cấu, làm mặt đường để tận dụng làm hầm cứu hộ, thoát hiểm, chưa đầu tư hệ thống thoát nước mặt, cơ điện.
Giai đoạn hoàn chỉnh, ống hầm bên trái sẽ được đầu tư đảm bảo quy mô chung toàn tuyến.
"Trên cơ sở đó, phạm vi nghiên cứu đầu tư hoàn thiện 3 công trình hầm số 1, 2, 3 được đề xuất gồm: Hoàn thiện mặt đường bê tông xi măng, lề bộ hành, lan can, thoát nước; hoàn thiện đường dẫn giữa hầm số 2 và hầm số 3, vuốt chuyển tiếp vào đầu các hầm với tuyến đường (dự kiến 3.000m); xây dựng hoàn thiện 1cầu giữa hầm số 2 và hầm số 3; xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết bị, nhà trạm và ITS để khai thác 3 hầm. Sơ bộ tổng kinh phí đầu tư khoảng hơn 1.400 tỷ đồng.
Nếu được cân đối vốn, chủ đầu tư sẽ hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh và các thủ tục liên quan, bắt đầu tổ chức xây dựng từ tháng 12/2025, hoàn thành năm 2026", đại diện Ban QLDA 2 chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận