Theo dự thảo, các dịch vụ sự nghiệp công được áp dụng định mức chi phí bao gồm: Dịch vụ vận hành hệ thống đèn biển, đăng tiêu độc lập và dịch vụ vận hành luồng hàng hải công cộng.

Dịch vụ sự nghiệp công Bảo đảm an toàn hàng hải được áp định mức chi phí gồm dịch vụ vận hành hệ thống đèn biển, đăng tiêu độc lập và dịch vụ vận hành luồng hàng hải công cộng. Ảnh: Tạ Hải.
Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đến việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải có sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước theo cơ chế đặt hàng.
Dự thảo quy định ba nhóm định mức chính: Định mức chi phí sản xuất chung, định mức chi phí quản lý và định mức lợi nhuận.
Trong đó, chi phí sản xuất chung bao gồm: Chi phí nhân sự; chi phí vật tư sử dụng trong quản lý và sửa chữa tài sản cố định; chi phí khấu hao tài sản; chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ hoạt động của đơn vị và các chi phí hợp lệ khác theo quy định pháp luật.
Đáng chú ý, chi phí sửa chữa tài sản trực tiếp cũng được làm rõ là các khoản chi nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của tài sản, đảm bảo vận hành an toàn, ổn định. Các tài sản này bao gồm công trình đèn biển, đăng tiêu độc lập, nhà trạm, công trình phụ trợ, cầu tàu, phương tiện thủy bộ, máy phát điện, phao báo hiệu, thiết bị báo hiệu và các thiết bị nguồn năng lượng, hệ thống liên lạc, hệ thống chống sét và các tài sản cố định phục vụ chung.
Chi phí quản lý bao gồm: Chi phí nhân sự quản lý; vật tư sử dụng trong công tác quản lý và sửa chữa; chi phí khấu hao tài sản phục vụ bộ phận quản lý; chi phí dịch vụ mua ngoài và các khoản thuế, phí, lệ phí (nếu có) theo quy định.
Ngoài ra, còn có các khoản chi phí khác thuộc quản lý chung như chi hội nghị, tiếp khách, công tác phí, hỗ trợ lao động nữ, nghiên cứu, đào tạo, nộp phí hiệp hội… nếu phù hợp với quy định hiện hành.
Dự thảo cũng nêu rõ, các khoản chi phí sản xuất chung, chi phí quản lý và lợi nhuận sẽ có phương pháp xác định cụ thể để đảm bảo minh bạch, hiệu quả trong quá trình áp dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận