Hộ kinh doanh kêu khó
Đã qua hơn 3 tháng thực hiện Nghị định 158/2024 quy định về hoạt động vận tải đường bộ, anh Nguyễn Văn Hải (trú tại Nam Định), chủ một nhà xe chuyên vận chuyển khách tuyến cố định Nam Định - Hà Nội vẫn loay hoay tuyển dụng người trực tiếp điều hành vận tải.

Các đơn vị vận tải được sử dụng cùng một người trực tiếp điều hành vận tải, tuy nhiên phải tuân thủ quy định về số giờ lao động (ảnh minh họa).
Hộ kinh doanh của gia đình anh Hải chỉ có 2 chiếc xe 16 chỗ và 29 chỗ, mỗi ngày chạy 4 lượt cả đi và về. Anh là chủ hộ kiêm lái xe (khác với kinh doanh vận tải theo hợp đồng, chủ hộ kinh doanh có thể là người trực tiếp điều hành vận tải). Với xe tuyến cố định, bắt buộc phải thuê người khác có trình độ chuyên môn vận tải làm nhiệm vụ này.
"Trong khi xe tuyến cố định đang bị cạnh tranh bởi xe hợp đồng trá hình, để thuê người trực tiếp điều hành vận tải chuyên trách lâu dài rất khó", anh Hải nói.
Tương tự, anh Cao Lâm, chủ hộ kinh doanh vận tải bằng xe taxi ở Thanh Hóa cho biết, anh và hai anh trai mỗi người có một chiếc xe 5 chỗ để chạy taxi nên xin đăng ký hộ kinh doanh vận tải.
"Cả hộ có 3 chiếc xe, gọi là kinh doanh gia đình, rảnh lúc nào chạy lúc đó, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Thông thường, lương của người điều hành vận tải ở mỗi doanh nghiệp từ 10-15 triệu đồng/tháng, với hộ kinh doanh nhỏ, việc tuyển dụng rất khó khăn", anh Lâm nói.
Một người làm nhiều nơi có ảnh hưởng chất lượng?
Ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhìn nhận: Với các đơn vị có quy mô nhỏ, đặc biệt từ 1-2 xe, nếu thuê người trực tiếp điều hành vận tải sẽ không đủ kinh phí vận hành.
Trong khi đó, không phải loại hình vận tải nào, chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh cũng được kiêm nhiệm người trực tiếp điều hành vận tải. Đây là áp lực lớn đối với đơn vị quy mô nhỏ.
Theo thống kê của Cục Đường bộ VN, toàn quốc hiện có gần 2.700 doanh nghiệp và gần 600 hợp tác xã vận tải. Trong số này, có đến 70% đơn vị kinh doanh vận tải có quy mô nhỏ dưới 5 xe. Điều này khiến đơn vị vận tải khó thực hiện quy định người điều hành.
Thời gian qua xuất hiện tình trạng một người điều hành vận tải ở doanh nghiệp này, cùng thời điểm lại điều hành vận tải cho doanh nghiệp khác.
Đơn cử, Sở Giao thông công chánh TP.HCM cho biết nhận được nhiều hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải chỉ sử dụng văn bằng, chứng chỉ của một người điều hành vận tải. Đồng nghĩa với việc một người làm việc cho nhiều đơn vị khác nhau.
Một số chuyên gia vận tải nhận định, với việc người điều hành vận tải cùng làm việc cho nhiều doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và nguy cơ mất an toàn giao thông cao.
Ông Nguyễn Trọng Khánh, Giám đốc Công ty TNHH X.E Việt Nam cho biết, thông thường các doanh nghiệp vận tải quy mô lớn đều có một người chuyên trách để trực tiếp điều hành vận tải.
"Nhiệm vụ của họ rất quan trọng, trực tiếp điều hành, giám sát hoạt động của bộ phận ATGT, điều phối lái xe, phương tiện trong mỗi chuyến đi. Nếu một người điều hành vận tải cho nhiều doanh nghiệp khó có thể toàn tâm, toàn ý.
Nếu quy định cho phép, với các đơn vị quy mô nhỏ, chỉ hoạt động vận tải cố định vào một số khung giờ, có thể sử dụng chung người điều hành để tiết kiệm chi phí", ông Khánh nhìn nhận.
Hậu kiểm để xác định các quy định về thời gian làm việc
Trong khi đó, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng: Hiện nay, nhờ ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động vận tải, người điều hành vận tải dễ dàng điều phối, nắm bắt hoạt động của phương tiện, lái xe thông qua phần mềm quản trị, hệ thống camera giám sát cũng như dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.
Do đó, việc một người điều hành vận tải làm việc ở hai hay nhiều doanh nghiệp vận tải hoàn toàn có thể. Quan trọng nhất là hiệu quả công việc, làm có thực chất hay không.
Theo lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN, theo quy định, các đơn vị vận tải được sử dụng cùng một người trực tiếp điều hành vận tải, tuy nhiên phải tuân thủ quy định về số giờ lao động của Luật Lao động (không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần).
Mặt khác, thời gian làm việc của người trực tiếp điều hành vận tải ở nhiều doanh nghiệp phải phù hợp với thời gian hoạt động kinh doanh của từng đơn vị vận tải.
Quy định này giúp các đơn vị vận tải quy mô nhỏ có thể tuyển dụng người điều hành vận tải phù hợp với phương án hoạt động mà vẫn đảm bảo cân đối được tài chính.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cũng cho biết, đối với các trường hợp phát hiện người trực tiếp điều hành vận tải làm việc cho nhiều đơn vị, Sở Xây dựng các địa phương, Sở Giao thông công chánh TP.HCM phải tổ chức hậu kiểm để xác định người đó có đáp ứng các quy định về thời gian làm việc hay không; thời gian làm việc có đảm bảo trách nhiệm được giao không. Đồng thời, xử lý theo quy định nếu phát hiện vi phạm.
Nghị định 158/2024 quy định người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải là người của đơn vị kinh doanh vận tải được giao làm nhiệm vụ điều hành vận tải và tham gia thực hiện nhiệm vụ của bộ phận quản lý an toàn của đơn vị.
Đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, xe buýt, xe taxi và các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa sử dụng xe ô tô kéo rơ-moóc, xe ô tô đầu kéo kéo theo sơ-mi rơ-moóc, người điều hành phải có trình độ chuyên môn về vận tải (có chứng chỉ sơ cấp chuyên ngành vận tải hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành vận tải hoặc đường bộ trở lên).
Với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa (không thuộc các đối tượng trên, đơn cử như kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng) nếu không đáp ứng yêu cầu trên thì phải có kinh nghiệm làm việc tại đơn vị kinh doanh vận tải tối thiểu từ 3 năm trở lên; hoặc là chủ hộ kinh doanh vận tải; hoặc là người đại diện pháp luật của đơn vị kinh doanh vận tải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận