Giữa tháng 5 bước vào thời điểm giao mùa tại miền Nam với nắng từ sáng tới trưa rát bỏng da thịt, chiều lại mưa như trút nước kèm gió mạnh, ấy vậy mà trên đại công trường sân bay Long Thành (Đồng Nai) hơn 10.000 kỹ sư, công nhân vẫn tất bật chạy đua tiến độ.
Khu đất rộng hơn 5.000ha vẫn rộn vang tiếng máy móc cùng bóng dáng công nhân hối hả thoăn thoắt để kịp đưa công trình cơ bản cán đích vào cuối năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Video: Toàn cảnh sân bay Long Thành
Men theo tuyến đường công vụ uốn lượn giữa vùng đất đỏ, PV có mặt tại gói thầu 5.10 nhà ga hành khách, nơi được ví như “trái tim” của toàn dự án. Đây là hạng mục then chốt, quyết định mốc hoàn thành và khởi đầu cho một sân bay quốc tế hiện đại bậc nhất khu vực. Nhìn từ xa, nhà ga đã vươn mình sải cánh với hình bông sen khổng lồ đang nở giữa vùng đất rộng lớn. Khoảng 5.000 kỹ sư, công nhân, hàng trăm máy móc đang hoạt động không ngơi nghỉ, chia làm 3 ca, làm xuyên đêm.
Gần 100% mái cánh nhà ga với 5 lớp đã được thi công lần lượt, trong đó có tấm lợp tôn thép định hình, hiện nhiều vị trí đã lợp mái gần xong đang ở phần hoàn thiện. Hiện tại, công nhân đang tập trung lợp phần mái trung tâm khu vực PT1, PT2, PT3. Riêng phần mái lấy sáng trung tâm dự kiến được lợp vào vài ngày tới.
Ngay bên dưới, nhiều nhóm thợ khác đang tất bật dựng vách kính, hoàn thiện mặt dựng, lắp đặt hệ thống cơ điện, điều hòa, PCCC. Khu vực trung tâm nhà ga, từng dãy ống cấp nước, máng cáp điện cũng đang dần hoàn thiện.
Cách đó không xa, một tổ công nhân của Vinaconex đang lắp đặt kết cấu thép cầu ống lồng loại A1 của nhà ga hành khách nơi sau này hành khách sẽ bước ra máy bay với nhịp thi công vẫn hối hả, không một phút nghỉ ngơi dù nắng hay mưa. Vinaconex trước đó cũng từng là đơn vị đầu tiên thi công lợp mái nhà ga, sau đó cũng sớm nhất trong lắp dựng mặt kính vách ngăn. Đối với hạng mục kết cấu thép ống lồng đơn vị này cũng triển khai từ ngày 20/4, dự kiến các cầu ống lồng sẽ hoàn thành trong tháng 10 tới.
Nhiều kỹ sư phụ trách thi công mái cho biết, do nhà ga có thiết kế uốn lượn theo hình cánh sen nên việc thi công mái cực kỳ khó, đòi hỏi độ chính xác cao đến từng milimet. Chỉ cần lệch một chút sẽ ảnh hưởng đến khả năng khớp nối, thoát nước và vận hành sau này. “Anh em hay đùa đây là công trường không ngủ vì từ khi khởi công đến nay đều thi công xuyên ngày đêm, xuyên lễ, xuyên Tết, "3 ca, 4 kíp". Dẫu khó khăn nhưng nhờ có sự động viên từ công ty, ban nên ai cũng vui, nỗ lực”, một kỹ sư thông tin.
Trên dãy mái cánh, anh Nguyễn Hoàng Kiên (trái) đang cùng nhóm thợ đẩy nhanh tiến độ để tranh thủ thời tiết khô ráo. “Một tuần trở lại đây mưa khá nhiều, hễ mưa là anh em phải dừng, leo xuống trú, tạnh lại leo lên tiếp. Làm việc trên cao, giữa nắng nóng, mồ hôi ướt áo suốt cả ngày nhưng anh em vẫn động viên nhau hoàn thành công việc đúng hạn. Dự án này là lớn nhất tôi từng tham gia, cũng là dự án khó nhất, nhưng được góp sức, ai cũng tự hào”, anh Kiên chia sẻ.
Cách đó không xa, anh Mai Văn Chiến treo lơ lửng trên cao để phục vụ thi công cũng phấn khởi vì lần đầu được tham gia một dự án cấp quốc gia. “Ban đầu tôi lo lắm, nhưng được hướng dẫn kỹ, giờ làm đâu quen đó. Ở đây rộng, nắng thì rát da thịt, mưa thì lốc mạnh, nhưng dần rồi cũng quen. Nhìn nhà ga mỗi ngày đẹp hơn, ai cũng vui, nhất là mấy anh quay flycam toàn cảnh, nhìn nhà ga nổi bật giữa vùng đất đỏ thấy hoành tráng lắm. Đặc biệt ban đêm, từ trên cao nhà ga sáng như ngọn đèn giữa vùng đất rộng, rất đẹp và ấn tượng”, anh Chiến cười nói.


Không chỉ có gói thầu nhà ga, hàng loạt gói thầu then chốt khác cũng đang tăng tốc. Gói thầu 4.6 đường cất/hạ cánh, đường lăn và sân đỗ tàu bay đã cơ bản hoàn thành phần đường cất/hạ cánh, hệ thống đèn hiệu đã thắp sáng đường băng, công nhân đang thi công các hạng mục còn lại.
Gói thầu 4.7 (sân đỗ máy bay nhà ga), 4.8 (đường giao thông nội cảng), 4.9 (hệ thống cung cấp nhiên liệu), các khu kỹ thuật, nhà xe… đều đang đồng loạt triển khai (trong ảnh trước cánh và hai bên nhà ga là khu vực thi công gói sân đỗ máy bay nhà ga).
Riêng tuyến giao thông kết nối T1 từ quốc lộ 51 đến cổng sân bay đã thông xe kỹ thuật, gói thầu T2 cũng đang triển khai phần còn lại, dự kiến hoàn thành vào tháng 9 tới.
Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,3 tỷ USD), là dự án có quy mô và công suất lớn nhất Việt Nam. Dự án được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 khởi công từ đầu năm 2021 và dự kiến khai thác vào năm 2026 có công suất phục vụ 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thành toàn bộ, sân bay này sẽ có 4 đường cất/hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận