Theo PGS. TS Vũ Văn Phúc, nguyên tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, trong dòng chảy phát triển của đất nước, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục là nền tảng tinh thần, kim chỉ nam cho khát vọng vươn mình của dân tộc. Việc vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước trở nên hùng cường, thịnh vượng.

PGS. TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Ảnh:NVCC.
"Bộ tứ trụ cột" là động lực đưa đất nước cất cánh
Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, Đảng ta đã có nhiều quyết sách quan trọng, mạnh mẽ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh. Theo ông, những chủ trương, chính sách đó đã thể hiện rõ việc vận sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn phát triển đất nước như thế nào?
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 18/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đến những cải cách, đổi mới mang tính đột phá, thể hiện tập trung ở bốn Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị.
Đó là Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Đây là "bộ tứ trụ cột" để giúp đất nước cất cánh.
Có thể nói, các nghị quyết đều là sự cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về cải cách thể chế, phát huy nội lực, sức mạnh dân tộc và khát vọng phát triển.
Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mà tư duy cũ, mô hình cũ không còn phù hợp. Muốn phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể đi theo lối mòn. Cần phải dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện cải cách lớn với quyết tâm chính trị cao nhất.
Các Nghị quyết trên chính là cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Khơi dậy trí tuệ và sức sáng tạo của nhân dân
Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh rất đồ sộ, theo ông, trên hành trình phát triển mới của đất nước, tư tưởng nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được đặc biệt phát huy để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần sáng tạo, đổi mới?
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: đẩy thuyền cũng là dân, mà lật thuyền cũng là dân. Sức mạnh của nhân dân là sức mạnh vô địch. Nhân dân là chủ thể sáng tạo nên lịch sử và cách mạng là sự nghiệp của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
"Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra", Người viết.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã đúc kết được nhiều bài học có giá trị lý luận và thực tiễn cao.
Một trong những bài học hàng đầu chính là bài học "trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đại đoàn kết toàn dân tộc – Sức mạnh mềm trong thời đại mới
Tư tưởng "đại đoàn kết toàn dân tộc" của Bác đã từng giúp đất nước vượt qua những thời kỳ cam go nhất trong lịch sử. Trong bối cảnh hiện nay, khối đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết toàn dân tộc. Trong hệ thống tư tưởng của Người, đại đoàn kết toàn dân tộc là một nội dung cốt lõi, làm nên dấu ấn quan trọng của Người trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, vận dụng thành công trong quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Người khẳng định: "Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác. Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ".
Kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, kiên trì và nhất quán quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử, khẳng định quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra chế độ xã hội mới, là chủ nhân của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trước lúc đi xa, Bác vẫn đau đáu nỗi lòng về chăm lo cuộc sống của nhân dân. Trong Di chúc của mình, Người đã để lại những lời căn dặn tỉ mỉ về những việc cần làm đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, đối với cha mẹ, vợ con của thương binh liệt sĩ, đối với chiến sỹ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong, đối với nông dân, với việc "xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ", "phát triển công tác vệ sinh y tế", "sửa đổi chế độ giáo dục"... nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Cán bộ là gốc của mọi công việc
Một trong những điểm nổi bật trong tư tưởng của Bác là đề cao đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vậy, theo ông, cần làm gì để xây dựng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ "vừa hồng, vừa chuyên" trong giai đoạn phát triển mới?
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Vì thế, xây dựng đội ngũ cán bộ "vừa hồng, vừa chuyên" luôn là công việc gốc của gốc, then chốt của then chốt. Người cán bộ muốn làm tròn trách nhiệm phải có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng và năng lực chuyên môn cao.
Hiện nay, yêu cầu ấy càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ nhiệm vụ "chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước". Nghị quyết số 45-NQ/TW năm 2023 nhấn mạnh trí thức là "nguyên khí quốc gia", và cần có chính sách đột phá để thu hút chuyên gia đầu ngành, nhân tài trẻ.
Các văn bản như Quy định số 180 (2024) và Nghị định 92/2025 đang tạo hành lang pháp lý vững chắc để hình thành đội ngũ chuyên gia cao cấp đủ tầm, đủ lực đảm đương nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít bất cập: công tác tuyển chọn, bố trí cán bộ ở một số nơi chưa công tâm, còn tình trạng "chắp vá", bố trí sai sở trường. Một số cán bộ vi phạm đạo đức, lợi dụng quyền lực, mưu cầu lợi ích cá nhân đã bị xử lý – cho thấy công tác cán bộ nếu buông lỏng sẽ để lại hậu quả rất nghiêm trọng.
Do đó, yêu cầu cấp bách hiện nay là lựa chọn đúng cán bộ, trọng dụng đúng nhân tài, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo các cấp một cách chiến lược, thống nhất và phù hợp với mô hình tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời phải thực hiện nghiêm túc các quy định về nêu gương, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền theo các nghị quyết mà Đảng đã ban hành.
Chỉ khi cán bộ, đảng viên thật sự vì dân, vì nước, có tâm – có tầm, thì đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mới được thực hiện hiệu quả, tạo động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Nói cách khác, nếu mỗi cán bộ, đảng viên học Bác, làm theo Bác, noi gương Bác một cách thực chất, chắc chắn những việc mà họ làm đều vì nước, vì dân, từ đó mọi công việc đều suôn sẻ, đất nước phát triển.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận