Theo ông Aravind Srinivas, Giám đốc điều hành của Perplexity, đây không đơn thuần là một trình duyệt, mà là nỗ lực định hình lại cách con người tương tác với internet. “Chúng tôi muốn biến toàn bộ trải nghiệm duyệt web thành một chuỗi tương tác liền mạch giữa người dùng và trí tuệ nhân tạo,” ông chia sẻ.
Khác với những trình duyệt truyền thống chủ yếu phục vụ việc truy cập trang web, Comet tích hợp trực tiếp công cụ tìm kiếm AI do Perplexity phát triển, cho phép người dùng đặt câu hỏi và nhận câu trả lời cô đọng, rõ ràng, được tổng hợp từ nhiều nguồn đáng tin cậy trên internet. Thay vì phải tự mình lọc qua hàng loạt đường link, người dùng sẽ nhận được thông tin đã được xử lý và trình bày theo cách dễ tiếp cận hơn.

Giao diện chào đón người dùng của trình duyệt Comet. (Ảnh: Perplexity).
Điểm nhấn nổi bật của Comet chính là trợ lý AI được tích hợp ngay trong giao diện, có thể đưa ra lời giải thích về bất kỳ nội dung nào đang hiển thị trên màn hình. Từ việc tóm tắt một bài viết dài, giải nghĩa các khái niệm chuyên sâu, cho đến hỗ trợ mua hàng, đặt phòng khách sạn hay lên lịch cuộc họp, Comet mang đến trải nghiệm duyệt web như đang trò chuyện với một trợ lý kỹ thuật số thực thụ.
Hiện tại, trình duyệt mới chỉ khả dụng cho người dùng đăng ký gói Perplexity Max với mức phí 200 USD (khoảng hơn 5 triệu đồng) mỗi tháng. Dự kiến trong thời gian tới, hãng sẽ triển khai Comet rộng rãi hơn thông qua cơ chế mời thử nghiệm.
Comet ra đời trong bối cảnh thị trường tìm kiếm trực tuyến đang thay đổi mạnh mẽ, khi Google đối mặt với áp lực pháp lý vì cáo buộc độc quyền tại Mỹ. Theo CEO Srinivas, chính khoảng trống này đã mở ra cơ hội cho những tên tuổi mới như Perplexity. Ông cho rằng nếu không có vụ kiện, thỏa thuận tích hợp trợ lý AI của Perplexity lên điện thoại Razr của Motorola có lẽ đã không thể thành hiện thực, do ảnh hưởng từ sức ép lâu nay của Google với các hãng sản xuất thiết bị.

Comet cho phép người dùng đặt câu hỏi về nội dung video YouTube và nhận câu trả lời trực tiếp từ trợ lý AI. (Ảnh: Perplexity).
Một điểm đáng chú ý khác là Comet được phát triển dựa trên nền tảng Chromium, vốn là mã nguồn mở do Google hỗ trợ và cũng là nền tảng đứng sau các trình duyệt phổ biến như Chrome và Microsoft Edge. Thậm chí, Giám đốc điều hành Aravind Srinivas từng công khai bày tỏ mong muốn mua lại trình duyệt Chrome trong trường hợp Google buộc phải bán nếu thua kiện.
Về mặt kỹ thuật, Comet hiện tương thích với cả hệ điều hành Windows và macOS. Trình duyệt cũng cho phép người dùng dễ dàng nhập toàn bộ dữ liệu từ các trình duyệt khác, bao gồm tiện ích mở rộng, dấu trang và các thiết lập cá nhân chỉ với một cú nhấp chuột, giúp quá trình chuyển đổi diễn ra mượt mà và không gây gián đoạn trải nghiệm.
Dù mới ra mắt, Perplexity đã xác định rõ định hướng phát triển lâu dài cho Comet. Họ cam kết sẽ liên tục bổ sung những tính năng mới, mở rộng khả năng tương tác và tác vụ thông minh, với mục tiêu biến Comet trở thành trình duyệt AI thế hệ mới, nơi người dùng không chỉ lướt web mà còn có thể “giao tiếp” và làm việc cùng một trợ lý ảo đồng hành suốt hành trình số hóa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận