Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc phê duyệt nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc được xác định theo hướng mở và có tính động, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội (ảnh minh hoạ).
Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý về chủ trương nghiên cứu, bổ sung Cảng hàng không Măng Đen (tỉnh Kon Tum) và Cảng hàng không Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) vào quy hoạch hệ thống cảng hàng không.
Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng rà soát, bảo đảm đầy đủ căn cứ để thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn, tuân thủ quy định tại Luật Quy hoạch (sửa đổi, bổ sung tại Luật số 57/2024/QH15). Trong quá trình rà soát, cần đặc biệt lưu ý đánh giá an toàn không lưu, tránh chồng lấn, xung đột vùng trời.
Khi đủ điều kiện điều chỉnh theo trình tự rút gọn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Theo quy định hiện hành, Bộ trưởng Bộ Xây dựng là người chịu trách nhiệm tổ chức lập và điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia, vùng và báo cáo Thủ tướng.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ nhiệm vụ lập điều chỉnh quy hoạch nêu trên. Theo Bộ, việc điều chỉnh cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch hệ thống cảng hàng không với các quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông khác. Đồng thời, phải kế thừa, liên tục và ổn định trong hệ thống quy hoạch quốc gia; phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật, xu hướng công nghệ mới, và định hướng phát triển bền vững.
Mục tiêu chính của lần điều chỉnh này là nghiên cứu bổ sung hai cảng hàng không Măng Đen và Vân Phong vào hệ thống cảng hàng không quốc gia. Ngoài ra, quy hoạch cũng sẽ cập nhật, điều chỉnh một số nội dung khác nếu cần thiết.
Nội dung điều chỉnh quy hoạch bao gồm: phân tích điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tại khu vực dự kiến xây dựng sân bay mới; nghiên cứu kỹ thuật, vị trí xây dựng; dự báo nhu cầu vận tải; đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường; xác định vai trò, quy mô công suất, loại tàu bay; kết nối hạ tầng giao thông; tính toán chi phí đầu tư và nguồn lực triển khai.
Hồ sơ quy hoạch sẽ bao gồm thuyết minh, sơ đồ, bản đồ thể hiện các nội dung điều chỉnh. Trong quá trình nghiên cứu, nội dung có thể được bổ sung, điều chỉnh nhằm bảo đảm tính đầy đủ, chính xác và khả thi.
Thời gian lập điều chỉnh quy hoạch dự kiến khoảng 3 tháng, kể từ khi nhiệm vụ được phê duyệt đến khi trình Thủ tướng xem xét.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận