Hệ thống đường cao tốc từng bước được nối dài đang kéo Bắc - Nam gần lại, địa phương xa xôi gần hơn với thành phố lớn. Quãng đường vận tải được rút ngắn, hàng hóa thông thương dễ dàng, mở ra không gian phát triển giúp các địa phương cất cánh.
Cuối năm 2023, niềm vui đến với anh Phạm Hồng Sơn và người dân TP Cần Thơ khi tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 thông xe cùng một thời điểm, quãng đường di chuyển đến trung tâm TP.HCM rút ngắn đáng kể.
"Trước khi có cao tốc, từ quê lên TP.HCM theo QL1 bằng ô tô mất khoảng 3,5 - 4 giờ. Hiện tại, đi cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, chiều dài quãng đường khoảng 120km chỉ còn khoảng 2 giờ", anh Sơn chia sẻ.
Đến nay, cao tốc đã kết nối từ TP.HCM đến TP Cần Thơ với tổng chiều dài đưa vào khai thác 121km.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, hơn một năm qua, sau khi tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đưa vào khai thác, thời gian di chuyển từ Đồng Tháp về sân bay Cần Thơ chỉ còn khoảng 1 giờ thay vì 1,5 - 2 giờ như trước.
"Các tuyến đường bộ được đầu tư đang giúp các địa phương khu vực ĐBSCL có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, giao thương khi việc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn dễ dàng hơn", ông Hòa nhìn nhận.
Ngược dòng về khoảng thời gian 5 năm trước, ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, lúc ấy, ĐBSCL vẫn được xem là "vùng trũng" về cao tốc, khi kết nối TP.HCM chỉ có duy nhất tuyến TP.HCM - Trung Lương. Đến nay, cao tốc đã kết nối đến TP Cần Thơ với tổng chiều dài đưa vào khai thác 121km.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 giúp hoàn chỉnh toàn tuyến đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, thúc đẩy giao thương.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu vực ĐBSCL có khoảng 1.254km đường bộ cao tốc quy mô từ 4 - 10 làn xe, bao gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang.
Tuyến trục dọc thứ nhất là cao tốc Bắc - Nam phía Đông có chiều dài 336km gồm các dự án: Bến Lức - Trung Lương - Mỹ Thuận (91km), cầu Mỹ Thuận 2 (7km), Mỹ Thuận - Cần Thơ (23km), cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn hai đầu cầu (15km), Cần Thơ - Cà Mau (110km), Cà Mau - Đất Mũi (90km).
Tuyến trục dọc thứ hai là cao tốc Bắc - Nam phía Tây có chiều dài 180km gồm: Đức Hòa - Thạnh Hóa - Tân Thạnh - Mỹ An - Cao Lãnh (100km), Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (80km).
Tuyến trục dọc thứ ba là cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng (150km).
Ba tuyến cao tốc trục ngang dài 588km gồm: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (188km); Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (212km) và Hồng Ngự - Trà Vinh (188km).
Cầu Hưng Đức là cây cầu dài nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam hiện nay với chiều dài gần 4,1km bắc qua sông Lam, nối tỉnh Nghệ An với Hà Tĩnh.
Tính đến nay, có 10 dự án cao tốc trong khu vực đang được triển khai thi công với chiều dài 407km, gồm các dự án: Xây dựng mới các tuyến Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, Cao Lãnh - An Hữu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cải tạo để khai thác theo quy mô cao tốc tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Cùng với các tuyến cao tốc đang triển khai, dự án Mỹ An - Cao Lãnh sẽ được hoàn thiện thủ tục khởi công ngay trong quý II năm nay.
Dự kiến đến năm 2027, khu vực ĐBSCL sẽ có hơn 500km cao tốc, đến năm 2030 có khoảng gần 850km. Sau năm 2030, có thêm khoảng 400km đường cao tốc trong vùng sẽ được tiếp tục đầu tư, đưa vào khai thác.
Theo ông Minh, các dự án cao tốc được xây dựng theo quy hoạch không chỉ tăng kết nối giữa ĐBSCL với các trung tâm kinh tế, chính trị, các vùng kinh tế trọng điểm, mở không gian phát triển mới mà còn góp phần quan trọng trong cụ thể hóa mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Hướng đến mục tiêu trên, Bộ Xây dựng và các địa phương đang triển khai 1.188km cao tốc thuộc 28 dự án/dự án thành phần, được chia làm 2 nhóm.
Nhóm 1, gồm 16 dự án/dự án thành phần với tổng chiều dài 786km có điều kiện thuận lợi về mặt bằng, vật liệu.
Tại nhóm dự án này, 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 là: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Bùng - Vạn Ninh, Vân Phong - Nha Trang (70km) và 20km cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được thông xe tuyến chính dịp 30/4.
Hai tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng dài khoảng 90km qua Hà Tĩnh đưa vào khai thác từ ngày 28/4.
Nhóm 2 gồm 12 dự án/dự án thành phần (tổng chiều dài 402km) được xác định cần phải quyết liệt tháo gỡ các khó khăn về GPMB, nguồn vật liệu và tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" để hoàn thành vào cuối năm 2025.
Cùng với các dự án thuộc 2 nhóm trên, dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng đang phấn đấu thông tuyến chính ngay trong năm 2025, tạo tiền đề nối thông cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau.
Bảo đảm tiến độ các dự án, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 7 đoàn công tác do các Phó thủ tướng làm trưởng đoàn, trực tiếp kiểm tra hiện trường, làm việc với các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu để giải quyết dứt điểm các tồn tại, tạo điều kiện thuận lợi cho công trường tăng tốc.
Ông Minh cho biết, nếu đi theo QL1 và một số đoạn cao tốc đã xong, chặng Cao Bằng - Cà Mau có tổng chiều dài khoảng 2.234km. Khi cao tốc được nối thông từ Cao Bằng đến Cà Mau, quãng đường được rút ngắn chỉ còn khoảng 2.156km.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tuyến cao tốc mới đều được nghiên cứu phương án tuyến trên quan điểm xây dựng tuyến ngắn nhất, thẳng nhất có thể, qua các vùng mới nhằm tạo động lực phát triển cho các địa phương dọc tuyến. Do đó, không chỉ rút ngắn khoảng cách, các tuyến cao tốc sẽ mở ra không gian, dư địa mới để các tỉnh, thành thu hút đầu tư.
"Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau là một ví dụ. Khi hoàn thành, sẽ rút ngắn quãng đường giữa Cần Thơ - Cà Mau còn 111km thay vì 174km nếu đi theo QL1 và mở ra dư địa phát triển rất lớn cho các tỉnh dọc tuyến như: Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu", ông Minh nhận định.
Một đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết qua tỉnh Bình Thuận.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, các tuyến cao tốc hình thành là nền tảng vững chắc để các địa phương "xây tổ đón đại bàng". Các nhà đầu tư thay vì ưu ái vùng đất Đông Nam Bộ sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn đến "vùng đất Chín Rồng".
"Hệ thống hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục được đầu tư đồng bộ cũng góp phần hạn chế sự dịch chuyển lao động lên các thành phố lớn, giúp các địa phương có được thế mạnh về nguồn lao động tại chỗ, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đến đầu tư", ông Hòa nhìn nhận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận