Bắt đầu từ hôm nay, mô hình chính quyền địa phương hai cấp – tỉnh và xã, chính thức vận hành trên toàn quốc. Cùng với đó là việc tái thiết toàn bộ hệ thống đơn vị hành chính, từ cấp tỉnh đến cấp xã: từ 63 tỉnh, thành phố giảm còn 34, từ 10.035 xã/phường còn lại 3.321 đơn vị cấp cơ sở.
Bộ máy nhà nước, vì thế, bước vào một hình thái tổ chức mới: gọn nhẹ hơn, linh hoạt hơn và gần dân hơn.
Đây không đơn thuần là một cuộc sắp xếp lại địa giới hành chính, càng không phải là một phép tinh giản mang tính hình thức. Đó là một cuộc cải cách mang tầm chiến lược, tác động sâu sắc đến mô hình quyền lực, kiến trúc bộ máy và cả đời sống xã hội.
Để nhìn rõ tầm vóc cải cách ấy, cần phân tích đầy đủ ba tầng ý nghĩa cốt lõi: Chính trị, hành chính và xã hội.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hiện là thành viên Hội đồng tổ chức, tư vấn chính sách của Thủ tướng. Ảnh Nguyên Khánh.
Cuộc cải cách bắt đầu từ 1/7/2025 thể hiện rõ bản lĩnh chính trị và tư duy đổi mới sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Việc sửa đổi Hiến pháp và thay đổi toàn bộ mô hình tổ chức chính quyền địa phương không chỉ là điều chỉnh kỹ thuật, mà còn là quyết định mang tính tự giới hạn quyền lực - điều chỉ có thể xảy ra khi quyền lực đã trưởng thành và có trách nhiệm.
Cải cách không phải để sắp xếp lại bộ máy, mà để thay đổi tư duy vận hành quyền lực.
Tư duy quyền lực mới không còn dựa trên nguyên tắc kiểm soát theo chiều dọc và tập quyền. Thay vào đó là trao quyền về cơ sở, là phân quyền đi kèm với giải trình, là đưa quyền lực về gần dân để tăng giám sát, tăng hiệu quả phục vụ và củng cố chính danh thực chất.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một cấp chính quyền – cấp huyện – bị loại bỏ như một tầng nấc không còn cần thiết.
Sự mạnh dạn tái cấu trúc như vậy cho thấy Đảng không chỉ dám sửa Hiến pháp, mà còn dám sửa chính mình, vượt qua lực cản của thói quen, quán tính và lợi ích cục bộ trong bộ máy.
Điều đó chứng tỏ một Đảng cầm quyền dám đổi mới để giữ vai trò lãnh đạo phát triển, thay vì chỉ quản lý duy trì.
Một chính quyền mạnh không phải là chính quyền có nhiều cấp, mà là chính quyền hành động nhanh, giải trình tốt và gần dân nhất.
Với quyết định cải cách mang tính đột phá này, tính chính danh của quyền lực nhà nước được nâng lên một tầng nấc mới: quyền lực không đến từ mệnh lệnh, mà từ hiệu quả phục vụ; không đến từ hình thức, mà từ sự tin tưởng của người dân. Đó chính là nền tảng vững chắc nhất để xây dựng một nhà nước vì dân, của dân và do dân.



Bản đồ hành chính Việt Nam qua các thời kỳ theo thứ tự từ trái qua phải: Bản đồ năm 1976 đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng; Bản đồ hành chính với 63 tỉnh, thành phố; Bản đồ hành chính với 34 tỉnh, thành phố hiện nay. Nguồn: Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam.
Không có nền hành chính hiện đại nào lại gắn với mô hình tổ chức chồng chéo, phân tầng, trì trệ.
Từ ngày 1/7/2025, hệ thống chính quyền địa phương được tái thiết trên nguyên lý: ít tầng hơn - rõ quyền hơn - xử lý nhanh hơn. Đây là một bước ngoặt lớn về kỹ thuật quản trị quốc gia.
Việc giảm số tỉnh từ 63 xuống 34 và từ hơn 10.000 xã/phường xuống còn hơn 3.000 đơn vị - con số thể hiện không chỉ giảm số lượng đầu mối, mà còn tạo lập những đơn vị hành chính đủ lớn về quy mô, đủ mạnh về nguồn lực và đủ rõ về chức năng.
Những đơn vị như vậy mới có thể đảm đương vai trò hoạch định, tổ chức và cung cấp dịch vụ công một cách chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững.
Từ hôm nay, chính quyền không còn ở xa dân, mà ở giữa lòng dân.
Loại bỏ cấp huyện – vốn chỉ còn là trung gian hành chính hình thức – sẽ rút ngắn quy trình xử lý công vụ, tăng tốc độ phản ứng chính sách, giảm độ trễ trong thực thi các quyết định phát triển.
Việc ra quyết định này được thực hiện trực tiếp từ tỉnh xuống xã, qua đó hành chính hóa được thay thế bằng quản trị hóa – một dấu ấn rõ nét của chuyển đổi từ Nhà nước quản lý sang Nhà nước phục vụ.
Hơn nữa, cải cách hành chính lần này sẽ giải phóng một lượng lớn ngân sách chi thường xuyên, thông qua việc giảm biên chế, thu gọn đầu mối, hợp nhất cơ quan, dùng chung trụ sở. Những khoản tiết kiệm ấy có thể tái đầu tư vào hạ tầng, giáo dục, y tế – những lĩnh vực cốt lõi để nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
Cải cách bộ máy không thể tách rời mục tiêu cao nhất: phụng sự nhân dân một cách thiết thực, hiệu quả và công bằng. Việc đưa quyền lực trực tiếp xuống cấp xã/phường – nơi gần dân nhất – sẽ tạo ra một chính quyền gần gũi, dễ tiếp cận, dễ giám sát và đáng tin cậy hơn.
Ở mô hình cũ, nhiều việc dân phải đi lên cấp huyện, mất thời gian, chi phí và cơ hội. Ở mô hình mới, mọi việc sẽ được xử lý tại chỗ – tại nơi người dân sinh sống. Điều này sẽ giảm gánh nặng thủ tục, giảm bức xúc, giảm xa cách và tăng sự hài lòng thực chất của người dân.
Các đơn vị hành chính cơ sở sau sáp nhập có quy mô lớn hơn, năng lực mạnh hơn, đội ngũ chuyên nghiệp hơn – sẽ trở thành hạt nhân tổ chức cộng đồng, thúc đẩy dân chủ cơ sở, tự quản xã hội và liên kết phát triển. Đây là tiền đề để hình thành một xã hội năng động, có khả năng tự chủ và đồng hành cùng Nhà nước trong phát triển bền vững.
Cải cách lần này cũng là khởi đầu cho một mô hình Nhà nước biết hành động, biết lắng nghe và biết giải trình trước nhân dân.
Và cũng chính từ đó, hình ảnh bộ máy Nhà nước trong mắt người dân sẽ thay đổi: Từ hình thức sang thực chất, từ xa lạ sang gần gũi, từ cồng kềnh sang tinh gọn, từ quyền uy sang phụng sự.
Ngày 1/7/2025 là khởi đầu của một hành trình mới. Một hành trình kiến tạo một nền quản trị gần dân hơn, minh bạch hơn, hiệu quả hơn, đặt trọng tâm vào hiệu quả phục vụ, sự hài lòng của người dân và năng lực hành động của chính quyền.
Chúng ta đang đứng trước cơ hội vàng để tái lập bộ máy Nhà nước – không phải vì áp lực, mà vì lựa chọn. Không phải vì khủng hoảng, mà vì khát vọng. Nếu làm tốt, cải cách lần này sẽ trở thành một dấu ấn lớn giống như công cuộc Đổi mới năm 1986 – nhưng ở cấp độ "thể chế và quản trị".
Một quốc gia mạnh không cần một bộ máy lớn, mà cần một bộ máy thông minh, hành động và có trách nhiệm. Và từ hôm nay, Việt Nam đã bước thêm một bước rất dài trên con đường ấy!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận