Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 76 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: VGP/Nghĩa Nguyễn).
Nghị quyết 76 quy định về việc sắp xếp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sắp xếp xã, phường, thị trấn trong năm 2025 theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo đó, số lượng, quy mô đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước giảm khoảng 60% đến 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương cấp xã gần dân, sát dân, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, lựa chọn phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, miền núi, vùng cao, biên giới, vùng đồng bằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nghị quyết nêu rõ các định hướng cần đáp ứng đó là xã miền núi, vùng cao hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên đạt từ 200% trở lên và quy mô dân số đạt từ 100% trở lên so với tiêu chuẩn của xã tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Xã hình thành sau sắp xếp không thuộc diện miền núi, hải đảo có quy mô dân số đạt từ 200% trở lên và diện tích tự nhiên đạt từ 100% trở lên so với tiêu chuẩn của xã tương ứng quy định.
Phường hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên đạt từ 5,5 km2 trở lên.
Đối với phường thuộc thành phố trực thuộc trung ương có quy mô dân số đạt từ 45.000 người trở lên.
Phường thuộc tỉnh hình thành sau sắp xếp ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới có quy mô dân số đạt từ 15.000 người trở lên; các phường còn lại có quy mô dân số đạt từ 21.000 người trở lên.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh và theo định hướng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp sắp xếp từ ba đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành một xã, phường mới thì không phải xem xét định hướng về tiêu chuẩn quy định trên.
Trường hợp đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp không thể đáp ứng các định hướng về tiêu chuẩn quy định trên và không thuộc trường hợp quy định về sắp xếp từ ba đơn vị hành chính trở thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo Nghị quyết, Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn bảo đảm giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước theo tỷ lệ 60-70%.
Tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp được đặt theo tên của một trong các đơn vị hành chính trước sắp xếp phù hợp với định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Còn việc đặt tên, đổi tên của đơn vị hành chính cấp xã được quy định cụ thể: tên của đơn vị hành chính cấp xã cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.
Khuyến khích đặt tên của đơn vị hành chính cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hoá, cập nhật dữ liệu thông tin.
Tên của đơn vị hành chính cấp xã không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến hình thành sau sắp xếp.
Theo Nghị quyết, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp hoàn thành xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/8/2025.
Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp hoàn thành xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/9/2025.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận