Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h ATGT địa phương

Sau sáp nhập, công tác đảm bảo ATGT ở tỉnh Đồng Nai mới ra sao?

Sau sáp nhập, công tác đảm bảo ATGT ở tỉnh Đồng Nai mới ra sao?

07/07/2025, 20:39

Lực lượng chức năng tại tỉnh Đồng Nai mới tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về ma túy, nồng độ cồn, tốc độ... với mục tiêu đảm bảo ATGT, giảm tai nạn.

Sau sáp nhập, giao thông kết nối rộng

Tính đến ngày 7/7, tỉnh Đồng Nai và Bình Phước đã chính thức sáp nhập được một tuần, lấy tên là tỉnh Đồng Nai. Sau sáp nhập tỉnh Đồng Nai mới sẽ giáp ranh TP.HCM, Lâm Đồng và biên giới Campuchia nên công tác đảm bảo ANTT, ATGT rất được quan tâm, chú trọng và cũng là thách thức lớn của địa phương.

Sau sáp nhập, công tác đảm bảo ATGT ở tỉnh Đồng Nai mới ra sao?- Ảnh 1.

CSGT tăng cường tuần tra kiểm soát để xử lý vi phạm liên quan đến trật tự ATGT sau sáp nhập.

Sau sáp nhập, tỉnh Đồng Nai có 7 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài là 472km (trong đó Đồng Nai cũ có 4 quốc lộ, Bình Phước cũ có 3 quốc lộ). Ngoài ra còn có 3 tuyến cao tốc tổng chiều dài hơn 100km (gồm cả đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang hoàn thiện); 39 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 1.044km và các tuyến đường huyện với tổng chiều dài hơn 2.300km.

Đây là những tuyến giao thông trọng điểm, phục vụ giao thông, giao thương và là cửa ngõ của miền Nam, Tây Nguyên nên lưu lượng xe qua lại đông, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2025 đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã bố trí hơn 8.000 tổ công tác, kiểm tra hơn 230.000 phương tiện. Qua đó lập biên bản hơn 47.800 trường hợp vi phạm. Trong khi đó tại tỉnh Bình Phước cũ, trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng cảnh sát giao thông đã tổ chức hơn 5.800 ca tuần tra kiểm soát, lập biên bản hơn 34.700 trường hợp vi phạm.

Sau sáp nhập, công tác đảm bảo ATGT ở tỉnh Đồng Nai mới ra sao?- Ảnh 2.

Lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra bãi để xe vi phạm tại CSGT tỉnh Bình Phước cũ.

Đáng chú ý, tình hình tai nạn giao thông ở cả hai địa phương đều có chuyển biến tích cực, giảm ở cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết và bị thương.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2025, Đồng Nai xảy ra 293 vụ tai nạn giao thông, làm 226 người chết và 103 người bị thương - giảm 41 vụ, 13 người chết và 71 người bị thương so với cùng kỳ năm 2024. Tại Bình Phước cũ, ghi nhận 135 vụ tai nạn khiến 96 người chết, 66 người bị thương, giảm 55 vụ, 32 người chết và 41 người bị thương so với cùng kỳ.

Để hỗ trợ công tác kiểm soát giao thông, tỉnh Bình Phước cũ đã lắp đặt 69 camera giám sát tại 34 vị trí trọng điểm trên các tuyến quốc lộ 13, 14 và đường tỉnh 741. Trong đó, có 17 điểm giám sát tốc độ, 15 điểm giám sát chấp hành đèn tín hiệu giao thông và 2 điểm kiểm soát việc đi sai làn đường. Từ đầu năm 2024 đến nay, hệ thống này đã phát hiện hơn 1.400 trường hợp vi phạm như chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, lấn vạch kẻ đường...

Sau sáp nhập, công tác đảm bảo ATGT ở tỉnh Đồng Nai mới ra sao?- Ảnh 3.
Sau sáp nhập, công tác đảm bảo ATGT ở tỉnh Đồng Nai mới ra sao?- Ảnh 4.

Công tác đảm bảo trật tự ATGT ở Bình Phước cũ diễn ra nghiêm ngặt, có cả hệ thống camera giám sát.

Đồng Nai siết chặt kiểm soát giao thông sau sáp nhập

Trước thực tế địa bàn mở rộng sau sáp nhập, nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) tại tỉnh Đồng Nai mới trở nên cấp bách kể từ ngày 1/7. Lực lượng chức năng đã xây dựng kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, các cơ quan là ủy viên Ban ATGT tỉnh cũng được yêu cầu phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành quy định giao thông tại các phường, xã.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông, trong giai đoạn này, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng tuần tra trên các tuyến đường trọng điểm. Trọng tâm là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm được xác định là nguyên nhân chính gây tai nạn như: chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, chuyển hướng sai quy định và sử dụng ma túy.

Lực lượng CSGT hiện đang tổ chức nhiều đợt ra quân cao điểm, sử dụng tối đa các phương tiện hỗ trợ như máy đo tốc độ, camera, thiết bị ghi hình… để phát hiện và xử lý vi phạm, với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Thượng tá Lữ Thanh Trà - Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai - cho biết, để góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục duy trì kiểm tra tốc độ thường xuyên tại các tuyến đường trọng yếu. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền về ATGT nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông.

Đặc biệt, trong cao điểm hè, lưu lượng phương tiện tăng mạnh trên các tuyến quốc lộ như QL1, QL51, QL20, QL13, QL14… nên lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, hạn chế nguy cơ tai nạn.

Trước đó, tại lễ công bố và trao quyết định của Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai về công tác cán bộ, ông Trần Trọng Thủy - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông - đã yêu cầu toàn thể cán bộ, chiến sĩ phát huy tinh thần đoàn kết, siết chặt kỷ luật, giữ vững an toàn giao thông trên toàn địa bàn tỉnh.

Sau sáp nhập, công tác đảm bảo ATGT ở tỉnh Đồng Nai mới ra sao?- Ảnh 5.

Đo nồng độ cồn để xử lý các vi phạm của người đi đường được CSGT triển khai nghiêm ngặt.

Một cán bộ CSGT cho hay, để đảm bảo ATGT, kiềm chế tai nạn trên quốc lộ 20, lực lượng cảnh sát giao thông đang tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm nhất là vào giờ cao điểm, dịp cuối tuần… Còn trên tuyến quốc lộ 13, 14, các đơn vị chức năng cũng kiến nghị Văn phòng Quản lý đường bộ IV.2 (Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Xây dựng) triển khai xây dựng hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại một số vị trí đường giao nhau, phức tạp, nguy hiểm trong năm 2025 để đảm bảo ATGT.

Riêng tại Đồng Nai các đơn vị cũng đề nghị duy tu bảo dưỡng nhanh các tuyến quốc lộ, sơn lại vạch kẻ đường đã mờ, lắp đặt các biển báo giao thông đầy đủ…

Được biết đầu tháng 7, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Xây dựng) cũng đã có văn bản khẩn yêu cầu các đơn vị liên quan cập nhật, điều chỉnh thông tin trên các biển chỉ dẫn đường bộ để phù hợp với địa giới hành chính cấp tỉnh, cấp xã sau quá trình sắp xếp, sáp nhập. Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam giao các Khu Quản lý đường bộ và Sở Xây dựng các địa phương phối hợp thay thế nội dung chỉ dẫn mới trên các biển báo chỉ đường, thay thế các địa danh không còn tồn tại hoặc đã thay đổi tên. Ưu tiên các biển báo ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự ATGT để đảm bảo đi lại dễ dàng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.