Đề xuất kéo dài đường băng phù hợp quy hoạch
Theo Bộ Tài chính, đường băng sân bay Vinh là tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, hiện do Bộ Xây dựng (trước đây là Bộ GTVT) đại diện chủ sở hữu, quản lý theo quy định. Tài sản này đã được giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác theo Quyết định số 2007/QĐ-TTg ngày 7/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng không tính vào phần vốn Nhà nước tại ACV.

Bộ Tài chính đánh giá việc đề xuất thực hiện đầu tư kéo dài đường cất hạ cánh thêm 600m và bổ sung hệ thống đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Vinh là phù hợp với quy hoạch.
Hiện, đường băng sân bay Vinh dài 2.400m, rộng 45m, đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 4C. Tuy nhiên, theo quy hoạch được Bộ Xây dựng phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-BGTVT ngày 19/2/2025, đến năm 2030, sân bay này sẽ được nâng cấp lên tiêu chuẩn cấp 4E, trong đó có hạng mục kéo dài đường băng từ 2.400m lên 3.000m.
Bộ Tài chính đánh giá việc kéo dài đường băng thêm 600m và bổ sung hệ thống đường lăn là phù hợp với quy hoạch phát triển Cảng hàng không quốc tế Vinh giai đoạn đến năm 2030, đồng thời đáp ứng các mục tiêu phát triển tỉnh Nghệ An theo định hướng của Bộ Chính trị đến năm 2045.
Ngoài ra, theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, ACV đang triển khai sửa chữa, bảo trì đường cất hạ cánh và đường lăn bằng nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý. Việc sớm triển khai dự án kéo dài đường băng sẽ tận dụng được thời gian đóng cửa sân bay Vinh dự kiến từ tháng 6 đến tháng 12/2025, giảm thiểu gián đoạn hoạt động khai thác.
Thẩm quyền bố trí vốn thuộc Bộ Xây dựng
Về nguồn vốn đầu tư, Bộ Tài chính khẳng định việc đầu tư đường băng thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng - cơ quan chủ quản tài sản.
Theo đó, dự án đã được Bộ Xây dựng đưa vào danh mục đề xuất đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 tại Văn bản số 859/BXD-KHTC ngày 24/3/2025, bao gồm các hạng mục: Đường băng, đường lăn song song, đường lăn nối và công trình phụ trợ.
“Đề nghị UBND tỉnh Nghệ An làm việc với Bộ Xây dựng để đánh giá tính cấp thiết, lựa chọn phương án đầu tư và bố trí vốn phù hợp. Trường hợp không thể bố trí vốn ngân sách Nhà nước, Bộ Xây dựng cần xem xét các hình thức đầu tư thay thế theo đúng quy định pháp luật”, Bộ Tài chính nêu rõ.
Trước đó, tại cuộc làm việc ngày 27/2 giữa lãnh đạo ACV và UBND tỉnh Nghệ An, hai bên thống nhất: Trong trường hợp chưa bố trí được vốn ngân sách, nếu được chấp thuận, ACV sẽ chủ động bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án kéo dài đường băng, kết hợp thi công với các dự án cải tạo nhà ga và mở rộng sân đỗ nhằm tối ưu hóa thời gian đóng cửa sân bay.
UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép ACV sử dụng nguồn vốn hợp pháp để triển khai dự án. Đồng thời, tỉnh cam kết phối hợp chặt chẽ với ACV, bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng kịp thời phục vụ thi công.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận