Lễ ký có sự chứng kiến của ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Anh Tuấn.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đề nghị Tổng cục Hàng không dân dụng Pháp tiếp tục phối hợp Cục HKVN triển khai hiệu quả Thoả thuận hợp tác kỹ thuật giữa hai bên.
Đại sứ Olivier Brochet cho biết, năm 2024, Việt Nam và Pháp đã nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm chính thức tới Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 6-7/10/2024.
Việc này đưa Pháp trở thành nước đầu tiên trong EU có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.Đáng chú ý, giao thông vận tải là lĩnh vực quan trọng mà Việt Nam - Pháp cùng thúc đẩy nhiều năm qua, trong đó có hợp tác hàng không.
Đại sứ Olivier Brochet cũng khẳng định Pháp sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, thông tin cho Việt Nam nhằm tăng cường nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực để bảo đảm an toàn bay.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, kết quả hợp tác tích cực giữa hai bên không chỉ trong phạm vi hàng không giữa Cục Hàng không VN và Tổng cục Hàng không dân dụng Pháp mà còn thể hiện ở sự hợp tác cấp Bộ, thể hiện qua chuyến làm việc của Bộ trưởng Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) tại Pháp vào tháng 4/2024 cũng như Bộ trưởng phụ trách giao thông Pháp Philippe Tabarot làm việc tại Việt Nam vào tháng 3/2025 vừa qua.
Đối với vận tải hàng không, hiện nay, có 2 hãng hàng không thường xuyên khai thác thị trường giữa Việt Nam - Pháp là Vietnam Airlines và Air France.

Ông Uông Việt Dũng, Cục trưởng Cục Hàng không VN cùng ông Thibaut Lallemand, Trưởng ban Bắc Á, Đông Nam Á và Châu đại dương, Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hàng không dân dụng Pháp ký Phụ lục VI của Thỏa thuận Hợp tác kỹ thuật.
Đến thời điểm hiện nay, Airbus đang là nhà cung cấp tàu bay lớn nhất cho các hãng hàng không Việt Nam. Hai bên phối hợp để đánh giá kế hoạch hiện đại hóa đội tàu bay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Về phát triển cảng hàng không, vừa qua, Công ty ADPi của Pháp đã trúng thầu tư vấn rà soát qui hoạch chi tiết Cảng HKQT Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc và Cảng hàng không Côn Đảo thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
ADPi cũng là đơn vị lập qui hoạch chi tiết Cảng HKQT Nội Bài thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 do Chính phủ Pháp tài trợ, tổng giá trị gần 570 nghìn Euro.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đề nghị Tổng cục Hàng không dân dụng Pháp tiếp tục phối hợp Cục Hàng không VN triển khai hiệu quả Thoả thuận hợp tác kỹ thuật giữa hai bên.
Trong đó, hỗ trợ Cục Hàng không VN đào tạo nâng cao năng lực cho giám sát viên an toàn cảng hàng không; Hỗ trợ kỹ thuật đánh giá chỉ số phân cấp mặt đường cất, hạ cánh.
Phối hợp tổ chức Hội thảo quy trình phối hợp ra quyết định tại cảng hàng không, sân bay; Hội thảo quản lý luồng không lưu; Hội thảo về dịch vụ thông báo tin tức; Hội thảo về quản lý tin tức hàng không.
Cùng đó là việc tổ chức các khóa đào tạo thiết kế phương thức bay; Kiểm tra/đánh giá đối với thiết bị bảo đảm hoạt động bay và các phương thức bay; Kỹ thuật thanh sát; Tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không của hai nước trong quá trình khai thác.
Thỏa thuận hợp tác kỹ thuật được ký giữa Cục Hàng không VN và Tổng cục Hàng không dân dụng Pháp (DGAC) vào ngày 24/5/2018, tại Paris, Cộng hòa Pháp.
Để triển khai thực hiện Thỏa thuận, từ năm 2019 đến nay, hai bên đã ký kết 5 Phụ lục và tổ chức các cuộc họp Ủy ban điều hành thường niên và luân phiên tại Pháp và Việt Nam để xác định các hoạt động hỗ trợ cần thiết.
Theo nội dung của các Phụ lục đã ký kết, Tổng cục Hàng không dân dụng Pháp đã trợ giúp Cục Hàng không VN nâng cao năng lực giám sát an toàn hàng không và năng lực trong lĩnh vực quản lý hoạt động bay.
Phụ lục VI ký ngày 9/4/2025 bao gồm các nội dung:
Kế hoạch chiến lược: Phía Pháp sẽ giúp Cục Hàng không VN xây dựng kế hoạch chiến lược để ứng phó với sự tăng trưởng của ngành hàng không trong những năm tới.
Hệ thống giám sát: Phía Pháp sẽ hỗ trợ Cục Hàng không VN tăng cường các hoạt động giám sát liên quan đến các hãng hàng không, các tổ chức bảo dưỡng và giúp Cục Hàng không VN tự đào tạo nội bộ các giám sát viên an toàn hàng không đồng thời hỗ trợ Cục Hàng không VN trong quá trình chuyển đổi sang giám sát dựa trên rủi ro.
Chương trình An toàn hàng không quốc gia: Pháp sẽ giúp Cục Hàng không VN thiết lập một chương trình hiệu quả giải quyết các rủi ro của hệ thống vận tải hàng không Việt Nam.
Đào tạo kĩ thuật: Pháp sẽ cung cấp đào tạo kĩ thuật theo nhu cầu của dự án nhằm phát triển năng lực cho các giám sát viên an toàn của phòng tiêu chuẩn an toàn bay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận