Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Đường sắt

Tạo "đòn bẩy" nâng tỷ lệ nội địa hoá đường sắt

Tạo "đòn bẩy" nâng tỷ lệ nội địa hoá đường sắt

09/04/2025, 07:00

Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, có thể làm chủ bảo trì hạ tầng, phương tiện, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản xuất phương tiện, vật tư, thiết bị.

Toa xe nội địa hóa đến 80%, lắp ráp đầu máy trong nước

Phát biểu tại Hội thảo Phát triển công nghiệp đường sắt do Bộ Xây dựng vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Hoàng Năng Khang - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết doanh nghiệp này đang quản lý và bảo trì hạ tầng trên 7 tuyến đường sắt quốc gia thông qua 15 công ty cổ phần chuyên trách.

Các công ty này thực hiện quản lý, bảo trì, xây dựng công trình đường sắt; ứng phó sự cố thiên tai, cứu nạn giao thông, lắp đặt thiết bị đường sắt; đồng thời sản xuất, khai thác cát đá, sỏi, tà vẹt, cấu kiện bê tông và kết cấu thép chuyên ngành.

Tạo "đòn bẩy" nâng tỷ lệ nội địa hoá đường sắt- Ảnh 1.

Hiện các công ty bảo trì đường sắt thực hiện công tác quản lý, bảo trì hạ tầng trên 7 tuyến đường sắt quốc gia.

Ngoài ra, 5 công ty thông tin tín hiệu đường sắt đang đảm nhận việc duy tu, bảo trì hệ thống thông tin tín hiệu, quản lý nhà trạm, chế tạo, sửa chữa thiết bị và tư vấn xây dựng công trình liên quan.

Đối với phương tiện, các đơn vị cơ khí đường sắt đã đóng mới toa xe hàng với tỷ lệ nội địa hóa 70%, toa xe khách đạt 80% giá trị. Trong những năm gần đây, các công ty như CTCP Xe lửa Gia Lâm, Dĩ An cùng các chi nhánh toa xe đã triển khai nhiều dự án đóng mới, cải tạo hàng trăm toa xe chất lượng cao, nổi bật là các đoàn tàu SE19/20 (Hà Nội – Đà Nẵng), SE21/22 (Sài Gòn – Đà Nẵng) và tàu du lịch cao cấp Sjourney xuyên Việt.

Riêng với đầu máy, hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu phần lớn. Tuy nhiên, một số công ty đã thực hiện thành công các dự án lắp ráp trong nước, trong đó một số bộ phận được nội địa hóa. Điển hình là dự án 40 đầu máy D19-E do Công ty CP Xe lửa Gia Lâm thực hiện, với các chi tiết như khung vỏ, thùng nhiên liệu, đường ống gió, thùng nước... được sản xuất nội địa. Các cụm thiết bị chính như động cơ, máy phát điện, hệ thống điện... vẫn phải nhập khẩu.

Tự tin tham gia sâu vào các dự án mới, kể cả tốc độ cao

Theo ông Khang, khả năng làm chủ công nghệ của ngành đường sắt sẽ tùy thuộc vào yêu cầu kỹ thuật của từng dự án.

Đối với tuyến có tốc độ thiết kế dưới 200km/h, doanh nghiệp có thể hoàn toàn làm chủ bảo trì hạ tầng, vận hành, bảo dưỡng phương tiện; duy trì hệ thống AFC (thu phí, soát vé tự động), thiết bị nhà ga; tham gia xây dựng, lắp đặt hệ thống tín hiệu, thông tin, cấp điện.

Tổng công ty này cũng có thể triển khai lắp ráp đầu máy điện với tỷ lệ nội địa hóa trên 30%. Toa xe hàng tốc độ 120km/h có thể được thiết kế và chế tạo trong nước (trừ các chi tiết như trục bánh xe, van hãm, đầu đấm móc nối); toa xe khách có thể đạt tỷ lệ nội địa hóa lên tới 80% (trừ lò xo không khí và một số bộ trục, phụ kiện nhập khẩu).

Đối với các vật tư khác, ông Khang khẳng định TCT có thể sản xuất tà vẹt bê tông dự ứng lực, tà vẹt tấm bản, linh kiện liên kết ray và các chi tiết cơ khí phục vụ bảo trì, sửa chữa. Đồng thời, sẽ thúc đẩy liên doanh – liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để sản xuất các chi tiết, hệ thống công nghệ cao, từng bước nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 80%.

Đối với các tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế trên 200km/h, doanh nghiệp này đặt mục tiêu tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Ngoài việc làm chủ công nghệ bảo trì hạ tầng, vận hành và bảo dưỡng phương tiện, TCT Đường sắt VN có thể trực tiếp thi công công trình, lắp đặt hệ thống tín hiệu và cấp điện.

Trong lĩnh vực phương tiện, có thể từng bước lắp ráp đoàn tàu EMU (tàu điện động lực phân tán) với tỷ lệ nội địa hóa trên 30%, tự sản xuất các bộ phận như giá chuyển hướng, bệ xe, thân vỏ, nội thất và cửa lên xuống.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn có thể sản xuất các phụ kiện liên kết ray, tà vẹt, vật tư - phụ tùng phục vụ sửa chữa; đồng thời liên doanh với doanh nghiệp công nghệ cao để nâng tỷ lệ nội địa hóa lên mức kỳ vọng trên 30%.

Tạo "đòn bẩy" nâng tỷ lệ nội địa hoá đường sắt- Ảnh 2.

Theo Tổng công ty Đường sắt VN, đường sắt có thể làm chủ bảo trì hạ tầng, phương tiện, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản xuất phương tiện, thiết bị (Ảnh: AI).

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, lãnh đạo TCT Đường sắt VN kiến nghị cần có cơ chế huy động tổng lực các nguồn vốn: vốn ODA, tín dụng trong nước, ngân sách nhà nước cho các dự án ưu tiên; đồng thời thu hút vốn xã hội hóa để sản xuất vật tư chuyên ngành như ray, thiết bị tín hiệu…

Cùng đó, Nhà nước cần ưu đãi lãi suất tín dụng cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ; miễn giảm thuế nhập khẩu dây chuyền, thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp đường sắt và có chính sách ưu đãi riêng cho các sản phẩm hỗ trợ công nghiệp đường sắt.

Nhiều “ông lớn” nhập cuộc làm đường sắtNhiều “ông lớn” nhập cuộc làm đường sắt

Nhu cầu đầu tư đường sắt giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã mở ra thị trường khoảng 100 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp lớn đang sẵn sàng nhập cuộc, song cũng kiến nghị Nhà nước cần có đặt hàng cụ thể.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.