Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia

Thủ tướng: Chấp nhận đau đớn, mất mát khi xử lý các dự án tồn đọng

23/05/2025, 13:47

Thủ tướng cho rằng, cần phải chấp nhận những dự án tồn đọng kéo dài gây lãng phí là "căn bệnh": "Đã có bệnh thì phải chữa và chữa cho đúng; cần chấp nhận mất mát, chấp nhận đau đớn, chấp nhận những cái phải cắt bỏ, coi đó là học phí".

Nếu tháo gỡ 2.200 dự án, giải phóng hơn 230 tỷ USD

Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024…

Thủ tướng: Chấp nhận đau đớn, mất mát khi xử lý các dự án tồn đọng- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ.

Phát biểu tại tổ về vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định hiện nay chúng ta đã "bắt đúng bệnh".

Vừa qua, Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội những lãng phí liên quan đến các dự án tồn đọng kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều nhiệm kỳ; lãng phí liên quan đến các chính sách không phù hợp.

Nguyên nhân xuất phát từ chính sách không tốt, dẫn đến việc tiêu cực, ồ ạt xây dựng các dự án điện gió, điện mặt trời không đúng quy hoạch, không đúng thủ tục, quy định của Đảng và Nhà nước.

Theo thống kê từ các địa phương, trong cả nước có khoảng 2.200 dự án đang tồn đọng. Nếu tháo gỡ được có thể giải phóng khoảng hơn 230 tỷ USD, tương đương khoảng 50% GDP.

Để có thể giải phóng nguồn lực ở các dự án tồn đọng, Chính phủ đang xây dựng các cơ chế chính sách trình các cấp có thẩm quyền để xử lý.

Thủ tướng: Chấp nhận đau đớn, mất mát khi xử lý các dự án tồn đọng- Ảnh 2.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định quan điểm là không hợp thức hoá sai phạm nhưng cần tìm giải pháp để xử lý về mặt thể chế, tổ chức, tháo gỡ pháp lý, tháo gỡ cách thức thực hiện.

"Cần phải chấp nhận những dự án tồn đọng kéo dài là "căn bệnh", mà đã có bệnh thì phải chữa và phải chữa đúng.

Chữa bệnh một là phải mổ xẻ đồng nghĩa phải đau đớn. Còn nếu chữa lâm sàng uống thuốc, vẫn phải mất tiền. Do đó, khi khắc phục hậu quả, không thể nào đòi hỏi thu về 100%. Cần phải chấp nhận mất mát, chấp nhận đau đớn, chấp nhận những cái phải cắt bỏ.

Khi cắt bỏ những đau đớn này sẽ cho chúng ta những bài học mới, cho chúng ta kinh nghiệm mới, coi mất mát là học phí để tránh lặp lại trong tương lai", Thủ tướng nêu quan điểm.

Phải chống lãng phí từ khâu lên ý tưởng

Ở tổ Hà Nội, tham gia góp ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đánh giá công tác chống lãng phí đã được đẩy mạnh, đạt được những kết quả đáp ứng được sự mong đợi của cử tri.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề về lãng phí trên bình diện chung, cần phải khắc phục, điển hình là còn nhiều khu nhà bị bỏ hoang, nhiều dự án đất đai vẫn chưa giải quyết được, đang nằm chờ".

Thủ tướng: Chấp nhận đau đớn, mất mát khi xử lý các dự án tồn đọng- Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) phát biểu tại tổ. Ảnh: Phạm Thắng.

"Có một việc lãng phí mà tôi thấy rất ít các cuộc họp đề cập đến đó là lãng phí trong ăn uống, liên hoan", ông Trí nói và cho rằng có lẽ nhiều người cảm thấy đây là vấn đề nhỏ, không đáng kể nhưng thực sự đây là vấn đề lớn.

Nêu thực tế các cuộc liên hoan, chiêu đãi… từ cấp huyện đến cấp tỉnh ông có dịp được dự, ông nhận thấy "hầu hết đều rất lãng phí".

"Vẫn còn rất nhiều mâm cơm trị giá có thể vài tạ thóc nhưng nhiều khi ăn chỉ khoảng 50-60%, thậm chí có những mâm cơm chỉ ăn được 30%, thực sự rất lãng phí", ông Trí bày tỏ trăn trở.

Từ những sự lãng phí đó, đại biểu mong muốn sẽ có một phát động rộng rãi, mạnh mẽ để thực hành tiết kiệm trong các cuộc liên hoan, tiệc chiêu đãi và tiết kiệm phải trở thành một lẽ sống.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng, trong chống lãng phí chúng ta tập trung nhiều vào việc tìm ra được những sai sót, kỷ luật… điều này đúng nhưng phải lường trước, đó là lãng phí từ ý tưởng, dự định, từ chiến lược đầu tư, sử dụng.

Ông cũng lấy ví dụ 2 bệnh viện ở Hà Nam là Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2. Khi xây 2 bệnh viện có ý kiến cho rằng xây ở cửa ngõ của TP Hà Nội như vậy tất cả bệnh nhân từ Thanh Hóa, Nghệ An… sẽ không cần phải ra Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Trí cho rằng một gia đình có người ốm mà tìm lên tuyến trên thì trong kế hoạch của họ bao giờ cũng chọn ra Hà Nội. Ông cũng nêu sự lãng phí là đến nay 2 bệnh viện này vẫn chưa được đưa vào sử dụng.

Thủ tướng: Chấp nhận đau đớn, mất mát khi xử lý các dự án tồn đọng- Ảnh 4.

Đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) phát biểu tại tổ. Ảnh: Media Quốc hội.

Còn đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) quan tâm về công tác phòng chống lãng phí trong quản lý, khai thác sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản.

Ông đề nghị cần tăng cường công tác quản lý, khai thác sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng quy hoạch để đảm bảo khai thác sử dụng đất đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường.

Đồng thời, cần tiếp tục đánh giá, rà soát các dự án treo, dự án chưa đưa vào sử dụng hay đất còn hoang hóa để khai thác tối ưu nguồn lực đất đai.

Về trụ sở nhà công vụ sau thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính và tinh gọn bộ máy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm có chính sách để thực hành tiết kiệm chống lãng phí đối với trụ sở của cấp tỉnh, huyện, xã sao cho hiệu quả nhất.

"Phần lớn trụ sở các đơn vị này đều có địa trí đắc địa, thuận lợi, bây giờ cần sử dụng sao cho đạt được mục đích hiệu quả, tiết kiệm", ông Nam nói.

Thủ tướng: Không để cơ hội trôi qua chỉ vì thủ tụcThủ tướng: Không để cơ hội trôi qua chỉ vì thủ tục

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai lãng phí quan trọng nhất là lãng phí cơ hội và lãng phí thời gian nhưng chưa được đánh giá hết. Cơ hội đến và đi rất nhanh. Nếu vẫn phải xử lý một rừng thủ tục thì khi xong thủ tục, cơ hội đã trôi qua mất rồi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.