Đề xuất được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) - Trung Quốc với chủ đề "Tăng cường gắn kết kinh tế vì thịnh vượng chung" chiều 27/5, tại Kuala Lumpur, Malaysia.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh ba động lực kinh tế hàng đầu thế giới, ASEAN, GCC, Trung Quốc cùng trao đổi, tăng cường phối hợp, mở ra cơ hội lịch sử để kiến tạo không gian hợp tác chiến lược mới liên khu vực, vì tương lai thịnh vượng, bao trùm và bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Kinh tế ASEAN - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) - Trung Quốc. Ảnh: VGP.
Thủ tướng nhấn mạnh cần đặt trọng tâm vào hợp tác thương mại, đầu tư và liên kết chuỗi cung ứng, không chính trị hóa khoa học - công nghệ, đầu tư và phát triển.
Ông đề nghị tận dụng hiệu quả các khuôn khổ sẵn có như Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc, thúc đẩy ký kết Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - GCC. Đồng thời, nghiên cứu thúc đẩy kết nối liên khu vực thành một cơ chế hợp tác kinh tế ba bên toàn diện, kể cả khả năng xây dựng Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - GCC - Trung Quốc.
"Các nước cần cùng nhau kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, thị trường mở cửa sâu rộng hơn, chính sách đầu tư minh bạch và ổn định hơn, tạo cơ sở cho các doanh nghiệp ba bên vươn xa hơn trong các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ và luồng đầu tư", Thủ tướng nhấn mạnh.

Hội nghị Cấp cao Kinh tế ASEAN - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) - Trung Quốc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị dành ưu tiên cao cho những lĩnh vực mang tính chiến lược và đột phá.
Với việc ASEAN đang hoàn tất Hiệp định khung Kinh tế số ASEAN, Thủ tướng nhấn mạnh đây là "thời điểm vàng" để cùng xây dựng không gian số kết nối, an toàn, bền vững.
Thủ tướng cũng đề nghị đẩy mạnh kết nối Lưới điện ASEAN, phát triển và chia sẻ công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, hydro xanh, phát triển hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững, bao gồm nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, chuỗi cung ứng thực phẩm ổn định, bền vững, kể cả ngành công nghiệp thực phẩm Halal.
Khẳng định dòng vốn là mạch sống cho phát triển kinh tế mạnh mẽ, liên tục và bền vững, Thủ tướng đề nghị tăng cường kết nối giữa các trung tâm tài chính của ba khu vực. Ông đề xuất một mạng lưới kết nối tài chính vững mạnh giữa những trung tâm lớn của khu vực như TP.HCM, Kuala Lumpur, Singapore, Bangkok, Thượng Hải, Dubai…, hình thành hệ sinh thái tài chính liên khu vực thông suốt, liền mạch, tạo bệ phóng đưa hợp tác giữa ba khu vực bứt phá trong tương lai.
Thủ tướng tin tưởng, những định hướng trên sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của các lĩnh vực khác như du lịch, giao lưu văn hóa, kết nối giữa những nền văn minh nhân loại ở ba khu vực, đặt nền móng vững chắc cho tương lai hợp tác sâu sắc, toàn diện, lâu dài giữa ASEAN, Trung Quốc, GCC.
"Việt Nam cam kết tiếp tục phát huy vai trò cầu nối tin cậy, đối tác trách nhiệm, sẵn sàng đồng hành, đóng góp vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung cho tất cả người dân, các quốc gia của ASEAN, GCC và Trung Quốc", Thủ tướng khẳng định.
Phát huy thế mạnh của 3 nền kinh tế với tổng GDP 24,87 nghìn tỷ đô-la Mỹ
Tại hội nghị, lãnh đạo các nước tin tưởng, ASEAN, GCC và Trung Quốc có thể phát huy những thế mạnh của ba nền kinh tế với tổng GDP 24,87 nghìn tỷ đô-la Mỹ, dân số khoảng 2,15 tỷ người, có nhiều tính bổ trợ và những tiềm năng hợp tác to lớn, đóng góp cho thịnh vượng, phát triển của từng khu vực, châu Á và thế giới.
Theo đó, các nước khẳng định cam kết thúc đẩy thương mại, đầu tư, tài chính, kết nối chuỗi cung ứng, mở rộng tiếp cận thị trường cho các nước ASEAN, GCC và Trung Quốc, đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực mới như công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo; tăng cường giao lưu văn hóa, hợp tác giáo dục và phát triển du lịch, đồng thời khởi xướng sáng kiến mới nhằm tăng cường sự hiểu biết, gắn kết giữa nhân dân các khu vực.
Hội nghị đã dành thời gian trao đổi về vấn đề quốc tế và khu vực, chia sẻ quan ngại diễn biến phức tạp tại dải Gaza, khẳng định ủng hộ tiến trình hòa bình, thành lập Nhà nước Palestine độc lập và giải pháp hai nước phù hợp luật pháp quốc tế, các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Hội nghị cũng khẳng định tầm quan trọng của giải quyết hòa bình những tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh hàng hải, đề cao giá trị đối thoại, hợp tác, cùng xây dựng lòng tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận