Tình hình càng biến động, khó lường thì càng phải nắm chắc
Trong hai ngày 14 và 15/7, tại Hà Nội, Đảng bộ Bộ Ngoại giao tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đại hội được tổ chức vào dịp kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945 - 28/8/2025).

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Đại hội có chủ đề "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng ngành Ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp; phát huy vai trò tiên phong, trọng yếu, thường xuyên của đối ngoại và hội nhập quốc tế; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới". Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại đại hội.
Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội với tính chiến đấu cao, khát vọng lớn, tinh thần đổi mới mạnh mẽ.
Ghi nhận những thành tích, kết quả mà Đảng bộ Bộ Ngoại giao đạt được trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thủ tướng đánh giá nhiệm kỳ này mang đậm dấu ấn về thể chế hóa và cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng ủy Bộ Ngoại giao với hơn 300 báo cáo lớn, 300 tờ trình, 17 nghị quyết và đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về thực hiện nhiệm vụ đối ngoại.
Nổi bật là Nghị quyết số 59 ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, một trong "bộ tứ trụ cột" làm nền tảng để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Thủ tướng mong rằng, với tinh thần trách nhiệm cao của đảng viên, các đại biểu dự đại hội nghiêm túc thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 sẽ thành công tốt đẹp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã mở rộng quan hệ ngoại giao từ 189 lên 194 nước, đưa tổng số đối tác chiến lược, đối tác toàn diện lên 37 nước.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có quan hệ từ mức đối tác chiến lược trở lên đối với tất cả nước lớn, toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ các nước G7, 18/20 nước G20.
Ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh, trở thành nội dung quan trọng trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, khai thác hiệu quả các cơ hội hợp tác quốc tế.
Đặc biệt, công tác ngoại giao vaccine rất thành công, góp phần đưa Việt Nam "đi sau về trước" trong tiêm chủng vaccine, mở cửa sớm, đây là một tiền đề để đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trong thời gian qua.
Công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân được triển khai tích cực, hiệu quả, kịp thời.
Theo Thủ tướng, thời gian tới, dự báo tình hình có khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Do đó, cần tiếp tục phát huy bản lĩnh, tự tin, kiên trì, kiên định với đường lối cơ bản đã xác định nhưng chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, luôn sáng suốt, tỉnh táo trong xử lý các công việc, không hoang mang lo sợ, cũng không chủ quan, lơ là.

Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 được tổ chức vào dịp kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945 - 28/8/2025). Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Cơ bản thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới đã nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội, Thủ tướng đồng thời gợi mở, phân tích, nhấn mạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể để các đại biểu tiếp tục nghiên cứu và thảo luận tai đại hội. Đáng chú ý là nhiệm vụ theo dõi, nắm chắc tình hình thế giới và khu vực.
"Tình hình càng biến động, khó lường thì càng phải nắm chắc để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, không để Đảng, Nhà nước bất ngờ về mặt chiến lược, về những vấn đề mới, nhạy cảm phát sinh trong thực hiện đường lối đối ngoại, đặc biệt là nắm chắc, nghiên cứu, phân tích, tham mưu về 'đối tác, đối tượng'", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhiệm vụ khác là góp phần phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Trong đó, tập trung thực hiện ba trụ cột phát triển đất nước (xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa), 3 đột phá chiến lược, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, "sắp xếp lại giang sơn" và các nghị quyết trụ cột của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới…
Nhiệm vụ tiếp theo là góp phần quốc tế hóa nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới; biến các danh hiệu, di sản văn hóa thành nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu phải xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phát huy mạnh mẽ tinh thần dân chủ, khát vọng, đam mê, cống hiến và hy sinh của đội ngũ cán bộ ngoại giao với niềm tin thắng lợi, niềm tin vào chính nghĩa, vượt qua giới hạn của bản thân mình.
"Mỗi cán bộ ngoại giao phải là một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đối ngoại", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao
Báo cáo chính trị tại Đại hội nêu rõ: Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ Bộ Ngoại giao thực hiện hợp nhất với Đảng bộ Ngoài nước; hợp nhất với Ban Đối ngoại Trung ương và tiếp nhận một số chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Đồng thời, triển khai tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thủ tướng trao quyết định và chụp ảnh với Ban Thường vụ Đảng bộ Bộ Ngoại giao. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Với quyết tâm chính trị cao, ngành Ngoại giao đã phát huy vai trò tiên phong, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại và "đạt nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng ấn tượng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước những năm qua, góp phần củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tại đại hội, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi đóng góp vào Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025; Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Đại hội cũng công bố các quyết định của Đảng ủy cấp trên chỉ định Ban chấp hành, Ban thường vụ, Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng bộ Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2025 - 2030 và đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao giữ chức Phó bí thư thường trực Đảng ủy. Ông Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao giữ chức Phó bí thư Đảng ủy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận